Huy động hơn 150 cán bộ và luật sư tham gia rà soát thủ tục hành chính

Thứ tư, 06/01/2010 16:39

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa chỉ đạo huy động thêm 50 luật sư và hơn 100 cán bộ chuyên trách của Tổ công tác 30 ở các bộ biệt phái đến làm việc tại Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ (Tổ công tác) để gấp rút hoàn thành giai đoạn rà soát thủ tục hành chính (TTHC), giai đoạn được xem là có tính chất quyết định hiệu quả, thành công của Đề án 30.

Theo ông Ngô Hải Phan, Tổ phó Thường trực Tổ công tác, hiện nay công tác rà soát thủ tục hành chính (TTHC) đang được triển khai tích cực, với tiến độ quyết liệt nhằm hoàn thành mục tiêu rà soát toàn bộ Bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC với hơn 5.700 TTHC, trên 9.000 văn bản quy định và hơn 100.000 biểu mẫu thống kê TTHC (đã được Thủ tướng nhấn nút công bố hôm 26/10/2009) và kiến nghị đơn giản hóa tối thiểu 30% trong số các TTHC này.

"Cũng chính bởi tính chất công việc quan trọng với một khối lượng việc khổng lồ, chỉ đạo của Thủ tướng về việc huy động thêm cán bộ, luật sư nêu trên là nhằm phát huy chất xám của đội ngũ luật sư Việt Nam, huy động thêm các nguồn lực vào quá trình cải cách TTHC của quốc gia, để Đề án 30 thực sự là sự đồng lòng, quyết tâm của toàn xã hội "Chung tay cải cách thủ tục hành chính" - như khẩu hiệu của Đề án đã đặt ra", ông Ngô Hải Phan chia sẻ.

50 luật sư tham gia làm việc cùng Tổ công tác là những luật sư có trình độ chuyên môn sâu về các ngành, lĩnh vực quản lý của bộ, ngành. Còn ở mỗi bộ cũng sẽ cử ra 5 thành viên chuyên trách của Tổ công tác 30 của bộ đến làm việc biệt phái tại Tổ công tác. Thời gian làm việc biệt phái tính từ ngày 1/3/2010, thời điểm kết thúc việc tự rà soát ở các Bộ, ngành, đến ngày 30/6/2010 để tổng hợp, phân tích, đánh giá kết quả rà soát TTHC của các Bộ, ngành, địa phương trước khi trình Chính phủ thông qua phương án đơn giản hóa TTHC.

Dự kiến, sau tháng 6/2010, khi kết thúc giai đoạn rà soát TTHC, Tổ công tác sẽ trình Chính phủ thông qua phương án đơn giản hóa TTHC. "Chính phủ sẽ có nghị quyết về phương án đơn giản hóa đối với toàn bộ Bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, trên cơ sở đó, tất cả các Bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai, đó cũng là lúc kết quả Đề án 30 thực sự đi vào cuộc sống, làm lợi cho người dân, cho doanh nghiệp", ông Ngô Hải Phan cho biết về tiến độ Đề án khi chuyển sang giai đoạn 3 thực thi các khuyến nghị đơn giản hóa TTHC.

Ngay trong tháng 1/2010, trình Thủ tướng kết quả ưu tiên rà soát các TTHC gây bức xúc cho dân

Cho biết thêm về phần việc ưu tiên rà soát 261 thủ tục hành chính (TTHC) gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp đã được Tổ công tác triển khai từ tháng 8/2009, ông Phan cho hay, sau khi hoàn tất công việc rà soát và kiến nghị đơn giản hóa các TTHC này, hiện Tổ công tác đang tiến hành tham vấn lại ý kiến các bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan trước khi trình Thủ tướng Chính phủ theo đúng tiến độ đặt ra vào tháng 1/2010.

Đây là các TTHC liên quan đến chính sách kích cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua. Cụ thể, đó là thủ tục cho vay hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn do suy giảm kinh tế, có cắt giảm lao động trong năm 2009; thủ tục bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn của ngân hàng thương mại; cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi;...

Bên cạnh đó là các TTHC đang vướng mắc, còn gây bức xúc cho nhân dân như: cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ tại những điểm dân cư nông thôn đã có quy hoạch xây dựng được duyệt; cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đối tượng là tổ chức, cá nhân người Việt Nam định cư ở nước ngoài; cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; cấp sổ bảo hiểm xã hội đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc;...

Khẳng định về kết quả ưu tiên rà soát các TTHC này, ông Ngô Hải Phan cho biết, chỉ cần đơn giản hóa 2 trong số hơn 260 TTHC trên, như việc giảm tần suất khai báo thuế giá trị gia tăng thay vì doanh nghiệp phải báo cáo 12 lần/1 năm (báo cáo hàng tháng) xuống còn 4 lần/năm (tức là báo cáo theo quý) cộng với việc giao cho doanh nghiệp được tự in và chịu trách nhiệm quản lý hóa đơn thuế giá trị gia tăng, sẽ giúp hàng năm tiết kiệm được trên 1.000 tỷ đồng cho xã hội. Và con số cũng như ý nghĩa kinh tế-xã hội sẽ còn lớn hơn rất nhiều lần khi mà Đề án 30 - đề án thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, đang vào giai đoạn nước rút, sẽ hoàn thành trong năm nay.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực