Khuyến nghị chính sách pháp luật đất đai, thực hiện quyền bề mặt tại Việt Nam

Thứ ba, 16/11/2021 16:49
(ĐCSVN) – Theo các chuyên gia, quyền bề mặt là một chế định về quyền đối với đất đai có lịch sử hình thành và phát triển từ rất lâu đời, đến nay đã được thừa nhận và áp dụng phổ biến tại nhiều nước trên thế giới. Chế định này sẽ mở ra một giai đoạn thành công mới trong quá trình xây dựng và phát triển chính sách đất đai ở Việt Nam.
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Thanh Tùng

Ngày 16/11, tại Hà Nội,  Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Quỹ Hanns Seidel tại Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Khuyến nghị chính sách pháp luật đất đai để thực hiện quyền bề mặt ở Việt Nam. Chế định này sẽ mở ra một giai đoạn thành công mới trong quá trình xây dựng và phát triển chính sách đất đai ở Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách Tài nguyên và Môi trường cho biết, quyền bề mặt là một chế định về quyền đối với đất đai có lịch sử hình thành và phát triển từ rất lâu đời, đến nay đã được thừa nhận và áp dụng phổ biến tại nhiều nước trên thế giới. Chế định quyền bề mặt cung cấp phương tiện pháp lý giúp làm phong phú thêm các phương thức tiếp cận quyền sử dụng đất, đáp ứng yêu cầu của các chủ thể với nhu cầu sử dụng đất và khả năng chi trả cho quyền sử dụng đất rất khác nhau.

Quyền bề mặt hỗ trợ cho sự an toàn pháp lý đối với quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản hình thành trên đất thuộc sở hữu của người khác nên đó là một lựa chọn rất tốt cho những chủ thể có nhu cầu tạo dựng và khai thác, sử dụng tài sản dài hạn trên đất của người khác trong khi không có khả năng để sở hữu đất vì lý do hạn chế về tài chính hoặc hạn chế về nguồn cung đất đai. Chế định này sẽ mở ra một giai đoạn thành công mới trong quá trình xây dựng và phát triển chính sách đất đai ở Việt Nam.

Bàn về những thách thức và hướng tháo gỡ để thực hiện chế định quyền bề mặt ở Việt Nam hiện nay, Thạc sỹ Nguyễn Hồng Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch đảm bảo, Bộ Tư pháp cho biết, pháp luật hiện hành còn thiếu tính hệ thống trong quy định về quyền bề mặt.

Bộ luật Dân sự năm 2015 ghi nhận về quyền bề mặt đánh dấu một bước tiến quan trọng trong ghi nhận đầy đủ hơn về quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản trong giao dịch dân sự và trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quy định về quyền bề mặt còn thiếu tính khả thi do quy định của Bộ luật Dân sự hoặc do thiếu sự hỗ trợ trong quy định của pháp luật liên quan, nhất là pháp luật về đất đai, bất động sản khác.

Trong đó, quy định này chưa bao quát đầy đủ các tầng quan hệ về quyền bề mặt trên cùng một thửa đất; cơ chế pháp lý xác lập, thực hiện quyền bề mặt trên thửa đất thuộc quyền sử dụng đất của chủ thể khác cũng chưa đầy đủ; hệ thống lý luận về quyền bề mặt còn chưa thống nhất. Thời gian tới, Nhà nước cần đẩy mạnh nghiên cứu một cách hệ thống, nhất quán về lý luận gắn với tổng kết thực tiễn về quyền bề mặt cả trên phương diện khoa học pháp lý, đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng chính sách; hoàn thiện thể chế pháp lý về quyền bề mặt. Bên cạnh đó, Nhà nước cần nâng cao hiệu quả của việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, giải quyết tranh chấp đất đai nói chung và tranh chấp về quyền bề mặt nói riêng.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng cho rằng với những công năng pháp lý, chế định quyền bề mặt thực sự là công cụ mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, để khai thác hết thế mạnh của chế định quyền bề mặt cần phải thay đổi nhiều khái niệm truyền thống về quyền sử dụng đất, đặc biệt là khái niệm về quyền sử dụng đất phân chia trong không gian ba chiều.

Trên cơ sở đó, các đại biểu khuyến nghị chính sách, pháp luật đất đai để thực hiện quyền bề mặt ở Việt Nam, trong đó nhấn mạnh Việt Nam cần tiếp cận về lý thuyết đầy đủ; pháp luật đất đai cần phải có quy định hoặc hướng dẫn về việc xây dựng, thực hiện cơ sở dữ liệu có liên quan đến quyền bề mặt như quy hoạch bề mặt, khung giá, giá từng vị trí khoảng không gian trên bề mặt đất, trong lòng đất để làm cơ sở thu thuế, phí, đền bù khi quyền bề mặt bị thu hồi hoặc được đưa vào giao dịch. ./.

BL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực