Kiến nghị Luật sư thuộc nhóm đối tượng thực hiện dịch vụ thiết yếu của xã hội

Thứ năm, 09/09/2021 19:59
(ĐCSVN)– Thời gian qua, một số tỉnh, thành phố không đưa Luật sư thuộc đối tượng được cấp giấy đi đường nên Luật sư không thể tham gia các hoạt động dịch vụ tư vấn hay tham gia tố tụng theo yêu cầu thiết yếu làm ảnh hưởng đến hoạt động tố tụng và nhu cầu hỗ trợ pháp lý của người dân, xã hội.

Ngày 09/9, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã ban hành Văn bản số 270/LĐLSVN gửi Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương về việc kiến nghị Luật sư thuộc nhóm đối tượng thực hiện dịch vụ thiết yếu của xã hội trong phòng chống dịch COVID – 19.

Nội dung Văn bản nêu rõ, thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTG ngày 31/3/2020 Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID - 19 và mục tiêu kép vừa chống dịch vừa đảm bảo phát triển kinh tế và duy trì các hoạt động quản lý Nhà nước và sản xuất kinh doanh thiết yếu, ngày 03/4/2020 Văn phòng Chính phủ có Công văn số 2601/VPCP-KGVX hướng dẫn về thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tại mục 2 Công văn có nêu: “Các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp như (như công chứng, Luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...) được tiếp tục hoat động. Người đứng đầu các cơ sở nêu trên chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch".

Thời gian qua, Luật sư  không thuộc đối tượng được cấp giấy đi đường nên không thể tham gia các hoạt động dịch vụ tư vấn hay tham gia tố tụng theo yêu cầu thiết yếu. Ảnh minh hoạ. Nguồn: TL.

Tiếp theo, Bộ Tư pháp ban hành công văn số 1221/BTP-PLHSHC ngày 03/4/2020 đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các tổ chức hành nghề công chứng, Luật sư được tiếp tục hoạt động.

Theo Liên đoàn Luật sư Việt Nam, hiện nay, số lượng Luật sư đang hành nghề cung cấp dịch vụ pháp lý cho người dân, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội là khoảng hơn 16.000 người đang hoạt động trên lĩnh vực tranh tụng và tư vấn pháp luật.

Trong tình hình hiện nay, các cơ quan tiến hành tố tụng các cấp vẫn tiến hành các hoạt động khởi tố, truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật để đảm bảo an ninh, an toàn và trật tự xã hội nên vẫn ban hành các văn bản triệu tập, Quyết định khởi tố, truy tố, xét xử, yêu cầu Luật sư tham gia tố tụng ở nhiều địa phương khác nhau nhưng chính quyền ở một số tỉnh, thành phố không đưa Luật sư thuộc đối tượng được cấp giấy đi đường nên Luật sư không thể tham gia các hoạt động dịch vụ tư vấn hay tham gia tố tụng theo yêu cầu thiết yếu nêu trên khiến cho các hoạt động tố tụng không được bình thường.

Thực tiễn cho thấy, ngay trong hoàn cảnh phòng chống đại dịch COVID -19 hiện nay, nhu cầu của người dân và xã hội đang rất cần sự hỗ trợ pháp lý để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho họ. Các nhu cầu này cần phải được đáp ứng đồng thời với việc phòng chống dịch COVID -19 của từng địa phương và trong cả nước.

Theo đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục xác định hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý, tham gia tố tụng, tư vấn và trợ giúp pháp lý của các tổ chức hành nghề Luật sư và các Luật sư cho các chủ thể xã hội đang diễn ra hàng ngày là một trong những dịch vụ thiết yếu trong điều kiện phòng, chống dịch COVID -19, phù hợp tình hình thực hiện giãn cách xã hội ở từng địa phương. 

Đồng thời, Liên đoàn cũng kiến nghị đưa Luật sư, người lao động trong các tổ chức hành nghề Luật sư vào nhóm được sử dụng giấy đi đường do tổ chức hành nghề Luật sư duyệt để được phép di chuyển trên đường, qua các chốt kiểm soát dịch nhằm cung cấp dịch vụ pháp lý, tư vấn cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, đáp ứng yêu cầu hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan quản lý Nhà nước.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Nguyễn Thanh Tùng (Văn phòng luật sư Phạm Hồng Hải và Cộng sự, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho hay: Tại Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Công văn hướng dẫn Chỉ thị số 16/CT-TTg của Văn phòng Chính phủ; Chỉ thị 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 của UBND TP Hà Nội đã xác định Luật sư là nhóm đối tượng được hoạt động để đảm bảo các dịch vụ pháp lý trong thời gian giãn cách. Tiếp đó, Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 08/7/2021 của Bộ Y tế về kế hoạch tiêm vắc xin phòng chống COVID-19 cũng quy định Luật sư là đối tượng ưu tiên.

 Luật sư Nguyễn Thanh Tùng (Văn phòng luật sư Phạm Hồng Hải và Cộng sự, Đoàn luật sư TP Hà Nội) tham gia bào chữa trong một vụ án hình sự. Ảnh: TH.

Như vậy, các văn bản ban hành về công tác chống dịch từ cấp Chính phủ, cấp Bộ đều xác định Luật sư là nhóm ưu tiên. Hơn nữa, trong các hoạt động tố tụng, luật sư tham gia theo quy định pháp luật để bảo vệ Pháp chế XHCN, bảo vệ các đương sự, đây là quyền thiết yếu của con người mà pháp luật đã thừa nhận trong các Bộ luật Tố tụng, vắng luật sư sẽ không đảm bảo các quy định pháp luật tố tụng. Do đó, vai trò của luật sư là không thể thiếu trong hoạt động tư pháp cũng như các hoạt động phát triển kinh tế có liên quan đến pháp luật. 

Theo Luật sư Tùng, trong khi thực hiện nhiệm vụ của mình, Luật sư phải tiến hành tiếp xúc các cơ quan tố tụng, các cơ quan chức năng cũng như tham gia thu thập chứng cứ phục vụ hoạt động nghề nghiệp của mình như các cơ quan Công an, Viện kiểm sát và Tòa án… 

“Từ những vấn đề trên, tôi cho rằng để đảm bảo hoạt động nghề nghiệp của Luật sư theo quy định pháp luật và theo các văn bản pháp luật đã được ban hành trong công tác phòng chống dịch bệnh thì Luật sư thuộc nhóm ưu tiên mà theo đó, việc cấp Giấy đi đường sẽ thuộc về Người đứng đầu của các tổ chức hành nghề luật sư. Có như vậy mới đảm bảo tính chủ động của Luật sư trong công việc và phù hợp với các quy định pháp luật”, luật sư Tùng đề xuất.

Đồng quan điểm, Luật sư Lê Thị Thu Hà (Công ty Luật Bảo Ngọc) chỉ ra: Công văn hướng dẫn về thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và văn bản của Bộ Tư pháp đã nêu rõ Luật sư  là đối tượng được hoạt động hành nghề trong thời gian giãn cách xã hội. Vì vậy, không có lý gì luật sư không thuộc nhóm đối tượng thực hiện dịch vụ thiết yếu của xã hội. Các luật sư đã có thẻ hành nghề, do đó nên để Người đứng đầu của các tổ chức hành nghề luật sư cấp phép giấy đi đường để tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ luật sư kịp thời cung cấp dịch vụ pháp lý cho các  doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Dũng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), việc luật sư không được quy định cụ thể vào 6 nhóm đối tượng được cấp giấy đi đường là chưa phù hợp, chưa đảm bảo tính thống nhất đối với Chỉ thị 16 của Thủ tướng và các văn bản hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp. 

“Nếu chiếu theo các quy định trong văn bản hướng dẫn cấp giấy đi đường theo mẫu mới có mã nhận diện QR Code thì luật sư cũng không biết mình ở nhóm nào”, luật sư Dũng bày tỏ.

Trên cơ sở đó, luật sư Dũng cho rằng việc cấp giấy đi đường phải có quy định cụ thể, liệt kê rõ từng đối tượng, để vừa bảo đảm công tác phòng chống dịch nhưng cũng tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức hành nghề theo đúng quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu hỗ trợ pháp lý của người dân và xã hội./.

 

 

 

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực