Mạnh tay dẹp nạn “tín dụng đen” biến tướng “vay qua app”

Thứ tư, 24/02/2021 19:02
​(ĐCSVN) – Thời gian qua, hoạt động “tín dụng đen”, nhất là các dịch vụ cho vay nặng lãi của các doanh nghiệp nước ngoài thuê người Việt Nam đứng tên hoạt động biến tướng “vay qua app” trên các thiết bị điện tử diễn ra khá phổ biến, gây bức xúc dư luận.

Thử tìm kiếm trên mạng với từ khóa “ cho vay nhanh, vay siêu tốc”, chỉ trong vòng chưa đầy 60 giây đã cho ra hàng chục triệu kết quả liên quan với rất nhiều ứng dụng cho vay trên mạng, trên điện thoại di động (app).

Với các lời mời chào, quảng cáo cho vay nhanh, lãi suất thấp, giải ngân chỉ trong vòng 15 phút, thủ tục đơn giản như: tải app, điền thông tin cá nhân, số tài khoản nhận tiền, gửi ảnh chụp cá nhân và chứng minh nhân dân,… không ít người vay đã nhanh chóng bị "sập bẫy" rơi vào vòng cuốn của “tín dụng đen” và sau đó kéo theo những hệ lụy khôn lường mà không để ý thông tin chi tiết về địa chỉ, công ty chủ quản các trang vay này rất mập mờ, chỉ có số điện thoại liên hệ. Thực tế lãi suất và phí dịch vụ người vay khi phải trả có thể lên đến 700%/năm đến 1000%/năm.

Trong khi đó, hiện tại Việt Nam vẫn chưa có quy định pháp lý về hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending) bao gồm việc cho vay qua App.

Xử lý mạnh “tín dụng đen”, biến tướng “vay qua app”. Ảnh: M.P 

Theo Bộ Công an, trong một năm qua, lực lượng Công an đã triệt phá hàng trăm băng nhóm tội phạm hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”, khởi tố điều tra trên 400 vụ, trên 700 bị can về các tội danh liên quan; điển hình: tại thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện 41 đối tượng thiết lập 03 ứng dụng điện thoại di động để hoạt động cho vay lãi nặng (lãi suất lên đến 2,5%/ngày, tương đương 912,5%/năm), khởi tố đối với 05 bị can về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp xử lý hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”, nhất là các dịch vụ cho vay nặng lãi của các doanh nghiệp nước ngoài thuê người Việt Nam đứng tên hoạt động biến tướng “vay qua app” trên các thiết bị điện tử.

Trong đó, trọng tâm là phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thông tin, an ninh mạng, an ninh tài chính, tiền tệ; kiểm tra, xử lý các dịch vụ cho vay nặng lãi trực tuyến. Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quản lý loại hình công ty cho vay trực tuyến, vay ngang hàng (P2P Lending)...

Tập trung phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, nhất là hoạt động của một số doanh nghiệp nước ngoài thuê người Việt Nam đứng tên hoạt động cho vay lãi nặng trực tuyến, “vay qua app” trên các thiết bị điện tử.

Bộ Công an đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” quy định tại Điều 201, Bộ luật Hình sự.

Bên cạnh đó, các chuyên gia pháp luật cho rằng, người dân cần tỉnh táo tìm đến các tổ chức tín dụng chính thống, cẩn thận với các ứng dụng, website cho vay trên mạng. Không cho các ứng dụng, website này được quyền truy cập vào danh bạ, các tài khoản mạng xã hội cá nhân… Nếu không may khi bị mắc bẫy “tín dụng đen” trực tuyến và bị đe dọa, hành hung, người dân cần giữ lại các chứng cứ cần thiết liên quan làm căn cứ khởi kiện và báo ngay cho cơ quan công an gần nhất…/.

 

 

 

 

 

 

 

Vy Thảo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực