Một số chính sách có hiệu lực từ tháng 12

Thứ năm, 01/12/2022 14:50
(ĐCSVN) - Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với một số viên chức; Dùng văn bằng, chứng chỉ của người khác bị phạt 10-20 triệu đồng; Ưu đãi cho cơ quan ngoại giao thuê nhà, đất; Bổ sung đối tượng xét tặng Kỷ niệm chương thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nội vụ… là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12.

Bổ sung đối tượng xét tặng Kỷ niệm chương thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nội vụ

Thông tư 08/2022/TT-BNV của Bộ Nội vụ sửa đổi Thông tư 14/2019/TT-BNV quy định tặng Kỷ niệm chương (KNC) về các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nội vụ có hiệu lực từ ngày 01/12.

Theo đó, bổ sung 02 đối tượng được xét tặng KNC là:

- Công dân có công lao đóng góp trong quá trình xây dựng và phát triển chung của Bộ Nội vụ hoặc một trong các ngành, lĩnh vực: Tổ chức nhà nước; Thi đua, khen thưởng; Tín ngưỡng, Tôn giáo; Văn thư, Lưu trữ;

- Các trường hợp khác theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Ngoài ra, Thông tư 08 cũng quy định số lượng hồ sơ đề nghị xét tặng KNC gửi về Bộ Nội vụ như sau: Hồ sơ đề nghị xét tặng KNC "Vì sự nghiệp ngành Tổ chức nhà nước": 01 bộ; Hồ sơ đề nghị xét tặng KNC "Vì sự nghiệp Thi đua, Khen thưởng", "Vì sự nghiệp Quản lý nhà nước về Tín ngưỡng, Tôn giáo", "Vì sự nghiệp Văn thư, Lưu trữ": 02 bộ. Đồng thời gửi kèm hồ sơ điện tử (ở định dạng “.doc” hoặc “.docx” đối với Tờ trình, danh sách; ở định dạng “.pdf” đối với báo cáo thành tích và các hồ sơ khác có liên quan; trừ văn bản có nội dung thuộc bí mật Nhà nước).

Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với một số viên chức

3 Thông tư 12/2022/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thông tư 07/2022/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Thông tư 14/2022/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ có hiệu lực trong tháng 12/2022, quy định về việc bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với nhiều chức danh như:

Viên chức ngành Tài nguyên và môi trường gồm: Địa chính viên, Điều tra viên tài nguyên môi trường, Dự báo viên khí tượng thủy văn, Kiểm soát viên khí tượng thủy văn, Quan trắc viên tài nguyên môi và Đo đạc bản đồ viên.

Viên chức chuyên ngành thể dục thể thao là Huấn luyện viên và Hướng dẫn viên. Viên chức chuyên ngành khoa học và công nghệ  là Nghiên cứu viên, Trợ lý nghiên cứu, Kỹ sư và kỹ thuật viên.

 Ảnh minh họa. Nguồn: TL.

Dùng văn bằng, chứng chỉ của người khác bị phạt 10-20 triệu đồng

Nghị định 88/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ ngày 12/12.

Nghị định mới đã tăng mạnh mức phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp của người khác hoặc cho người khác sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp của mình sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng (trước đó chỉ phạt từ 03 - 05 triệu đồng).

Hay như hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung trước đó chỉ phạt từ 05 - 07 triệu đồng nay tăng lên thành từ 10 - 20 triệu đồng.

Ngoài ra, Nghị định 88 cũng bổ sung một số hành vi mới bị xử phạt hành chính như:

Phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với hành vi gian lận để được cấp văn bằng, chứng chỉ hoặc bản sao văn bằng, chứng chỉ nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, nhân viên, người lao động trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự…

Ưu đãi cho cơ quan ngoại giao thuê nhà, đất

Nghị định 90/2022/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng nhà, đất do Bộ Ngoại giao quản lý để phục vụ hoạt động đối ngoại của Nhà nước có hiệu lực từ ngày 15/12.

Theo đó, Bộ trưởng Ngoại giao xem xét, quyết định cho tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, văn phòng nước ngoài được thuê nhà, đất theo chính sách ưu đãi đặc biệt của Nhà nước, phù hợp với quan hệ đối ngoại, đảm bảo lợi ích của Nhà nước theo nguyên tắc "có đi có lại". Giá cho thuê nhà, đất đảm bảo theo giá thị trường, bù đắp chi phí, có tích lũy để bảo tồn và phát triển nhà phục vụ đối ngoại.

Việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu của Nhà nước để phục vụ hoạt động đối ngoại thực hiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm toàn diện về quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại theo nhiệm vụ được giao; quản lý nguồn thu, các khoản chi theo quy định./.

Vy Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực