Nâng cao chất lượng xét xử, hạn chế tối đa nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo

Thứ ba, 13/09/2022 18:47
(ĐCSVN) – Ủy ban Tư pháp đề nghị TANDTC tiếp tục có những giải pháp quyết liệt, đột phá; nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án, vụ việc ngay từ cấp sơ thẩm để hạn chế tối đa nguyên nhân làm phát sinh khiếu nại, tố cáo.

Chiều ngày 13/9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành Tòa án nhân dân năm 2022.

Tình hình khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp đã được kiềm chế

Trình bày báo cáo, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) Nguyễn Hòa Bình cho biết: Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, TANDTC đã chỉ đạo các Tòa án tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các văn bản chỉ đạo của Ban cán sự đảng, lãnh đạo Tòa án nhân tối cao về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Quy định số 11-QĐ/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong công tác tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân nhằm nâng cao chất lượng công tác, phục vụ nhân dân, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nhất là các chức danh tư pháp liêm chính, chuyên nghiệp, xây dựng Tòa án trong sạch, vững mạnh.

 Toàn cảnh Phiên họp. (Ảnh: QH)

Trong 10 tháng năm 2022 (từ ngày 1/10/2021 đến ngày 31/8/2022), tình hình khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp đã được kiềm chế. Các Tòa án đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, triển khai các giải pháp quyết liệt để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các Tòa án đã nhận được tổng số 20.663 đơn thư các loại; qua phân loại, số đơn mới đủ điều kiện thụ lý có 5.244 đơn/vụ đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; 3.911 đơn khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính; 235 đơn khiếu nại, tố cáo theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo.

Các đơn khiếu nại, tố cáo chủ yếu là trong lĩnh vực dân sự, thường là các vụ án tranh chấp về đất đai, yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, yêu cầu khảo sát, định giá lại đất đang tranh chấp; yêu cầu trả lại đất do chính quyền quản lý qua các thời kỳ, thừa kế, tranh chấp về hợp đồng, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại...

Cần nâng cao chất lượng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm

Thẩm tra báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội Lê Thị Nga cho hay: UBTP nhận thấy, báo cáo của Chánh án TANDTC đã phản ánh cơ bản đầy đủ tình hình khiếu nại, tố cáo trong năm 2022; kết quả đạt được và những hạn chế, khó khăn; nguyên nhân của hạn chế; dự báo tình hình khiếu nại, tố cáo và đề ra các giải pháp khắc phục, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới.

Tuy nhiên, báo cáo của TANDTC chưa phân tách rõ số đơn tố cáo đúng, đúng một phần, tố cáo sai trong tổng số đơn tố cáo đã giải quyết xong trong hoạt động tố tụng (291/316 đơn); chưa đánh giá về chất lượng kháng nghị giám đốc thẩm.

Bên cạnh đó, công tác tiếp công dân được các Tòa án thực hiện nghiêm túc, theo đúng quy định của Luật Tiếp công dân, quy chế, quy định về tiếp công dân của TANDTC; bố trí thời gian thỏa đáng để đối thoại, lắng nghe ý kiến của công dân; gắn việc tiếp công dân với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Số lượt lãnh đạo các Tòa án trực tiếp tiếp công dân đạt cao (6.356 lượt).

Về công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm: UBTP nhận thấy, công tác này tiếp tục được TANDTC chỉ đạo quyết liệt với nhiều giải pháp đồng bộ, theo đó, yêu cầu Tòa án và đơn vị có thẩm quyền rà soát, phân loại đơn, ưu tiên tập trung giải quyết các đơn đối với các bản án, quyết định sắp hết thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, các đơn có nội dung bức xúc, kéo dài, bảo đảm việc giải quyết đơn trong thời hạn luật định.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga chỉ ra, mặc dù TANDTC đã chú trọng triển khai nhiều giải pháp nhưng tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trong 10 tháng qua mới đạt 41,5%, chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao (từ 60% trở lên), giảm so cùng kỳ năm trước 1,3% .

Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính: Trong số 3.598 đơn khiếu nại đã giải quyết, có 160 đơn khiếu nại đúng (chiếm 4,4%), 164 đơn khiếu nại đúng một phần (chiếm 4,5%) trên tổng số đơn đã giải quyết.

“Đề nghị, TANDTC tiếp tục có các giải pháp quyết liệt để nâng cao hơn nữa chất lượng các quyết định tố tụng và hành vi tố tụng của người tiến hành tố tụng trong các vụ án, vụ việc”, Chủ nhiệm Lê Thị Nga nói.

Theo báo cáo của TANDTC, trong 10 tháng qua, các Tòa án phải giải quyết 11.646 đơn/vụ  giám đốc thẩm, tái thẩm; đã giải quyết 4.836 đơn, đạt 41,5% . Trong tổng số 4.836 đơn đã giải quyết: trả lời cho đương sự không có căn cứ kháng nghị 4.540 đơn do việc xét xử, giải quyết đã đúng pháp luật; kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm 296 vụ để giải quyết lại vụ án vì có vi phạm nghiêm trọng hoặc có tình tiết mới.

Trong 10 tháng qua, các Tòa án đã nhận được 231 đơn khiếu nại; qua phân loại các Tòa án phải giải quyết 112 đơn; đã giải quyết 109 đơn, đạt tỷ lệ 97,3%. Các Tòa án đã nhận được 281 đơn tố cáo; qua phân loại các Tòa án phải giải quyết 123 đơn, đã giải quyết 115 đơn, đạt tỷ lệ 93,5%.

Các Tòa án nhân dân đã tiếp 159.810 lượt công dân, tăng 62.514 so với cùng kỳ năm trước (trong đó, Tòa án nhân dân tối cao tiếp 1.238 lượt; Tòa án nhân dân cấp cao tiếp 5.204 lượt và các Tòa án nhân dân cấp tỉnh tiếp 153.368 lượt; lãnh đạo các Tòa án nhân dân trực tiếp tiếp 6.356 lượt).

Vy Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực