Nâng cao năng lực đội ngũ giám định viên tư pháp

Thứ năm, 05/09/2019 15:25
(ĐCSVN) - Thực tế cho thấy, công tác giám định theo vụ việc hiện nay chưa có tổ chức chuyên môn mà chia về các bộ, ngành, đòi hỏi đội ngũ giám định viên phải có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng…

Sáng ngày 5/9, tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 13, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội giám sát “Việc thực hiện chấp hành pháp luật về giám định tư pháp trong tố tụng hình sự”.

Giám định tư pháp theo vụ việc tăng nhanh

Trình bày tóm tắt kết quả giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha, Phó trưởng đoàn giám sát cho biết, thời gian qua trên cơ sở Luật Giám định tư pháp và các văn bản pháp luật có liên quan, công tác giám định tư pháp trong tố tụng hình sự cơ bản đáp ứng yêu cầu của công tác điều tra, truy tố, xét xử, góp phần tích cực vào công cuộc đấu tranh, phòng, chống tội phạm.

 Ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 13. ( Ảnh: TH).

Các tổ chức giám định tư pháp công lập đã được củng cố, hoàn thiện ở 3 lĩnh vực giám định chuyên trách (pháp ý, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự) cơ bản đáp ứng yêu cẩu của luật.

Bên cạnh đó, giám định tư pháp theo vụ việc tăng nhanh trong những năm gần đây, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, đất đai cơ bản đáp ứng công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng.

Trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự trong Công an nhân dân, trung bình mỗi năm tiến hành giám định gần 75.000 vụ, giám định pháp y trong Công an nhân dân trung bình mỗi năm thực hiện khoảng 12.811 vụ việc, Viện pháp y quốc gia của Bộ Y tế tiến hành giám định 14.821 vụ việc.

Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy nhiều tồn tại hạn chế phát sinh chủ yếu do quá trình tổ chức triển khai thực hiện mà không phải do các quy định của luật.

Trong đó, nhiều bộ, ngành chưa ban hành đủ quy chuẩn chuyên môn theo yêu cầu và đặc thù của ngành, lĩnh vực của mình hoặc một số quy chuẩn chuyên môn chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung để phục vụ giám định tư pháp. Đa số các bộ ngành chưa ban hành được quy trình giám định chuẩn ở một số lĩnh vực. Công tác phối hợp giữa cơ quan trưng cầu giám định với cá nhân, tổ chức giám định tư pháp trong một số trường hợp chưa chặt chẽ thường xuyên, còn có tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm…

Nâng cao chất lượng giám định viên trong một số lĩnh vực chuyên môn

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng, Ủy viên Ủy ban Tư pháp nêu thực trạng gần đây nổi lên hiện tượng dường như cơ quan điều tra ở một số địa phương dựa vào kết luận giám định đưa ra kết luận điều tra thay cho hoạt động điều tra chuyên môn. Điều này cần được quan tâm, lưu ý xem xét trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Quang Dũng (đoàn ĐBQH Quảng Nam) chỉ ra, tình trạng còn thiếu giám định viên trong một số lĩnh vực chuyên môn, một số cơ quan không cử người, không có danh sách giám định viên, xuất phát từ sự thiếu quan tâm của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.

Đáng chú ý, vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm và phối hợp chưa chặt chẽ giữa cơ quan trưng cầu với người thực hiện, cơ quan thực hiện giám định dẫn đến thời gian giám định kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết các vụ án.

Thứ trưởng Bộ Công an Thượng tướng Lê Quý Vương cho hay: Công tác giám định theo vụ việc hiện nay chưa có tổ chức chuyên môn mà chia về các bộ, ngành, đòi hỏi các giám định viên phải có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng…nhiều khi vượt quá khả năng thực tế của các bộ. Trên cơ sở đó,  kiến nghị các bộ, ngành xây dựng tổ chức giám định trong cơ quan mình, bồi dưỡng nâng cao chất lượng giám định viên, xây dựng quy chuẩn thực hiện….

Một số ý kiến đại biểu cũng cho rằng vướng mắc nhiều nhất là về kinh phí phục vụ công tác giám định và đào tạo giám định viên và đề nghị Quốc hội cần quan tâm hỗ trợ về vấn đề này…/.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực