Nghị định 64/2008/NĐ-CP: Cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn

Thứ ba, 30/03/2021 18:07
(ĐCSVN) – Hơn 10 năm qua, Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ đã tạo ra khuôn khổ pháp lý giúp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan liên quan huy động, phân phối và sử dụng các nguồn lực để hỗ trợ cho người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống sau thiên tai, sự cố; đồng thời khuyến khích sự chung tay đóng góp của cộng đồng cho các hoạt động thiện nguyện, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, quá trình thực hiện cho thấy Nghị định này cũng đã bộc lộ một số bất cập cần sửa đổi.

Hội thảo thu hút đông đảo đại biểu tham dự (Ảnh: HNV) 

Ngày 23/10/2020, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 8876/VPCP-QHĐP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 64 nhằm đảm bảo việc tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện bảo đảm hiệu quả, kịp thời. Đồng thời khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, nhanh chóng hỗ trợ nhằm ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Ngày 25/12/2020, Bộ Tài chính đã công bố dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 64 trên cổng thông tin của Bộ để thu thập ý kiến đóng góp từ các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Theo thông tin từ Ban soạn thảo Bộ Tài chính thì hiện Ban soạn thảo đang tiếp thu và chỉnh lý dự thảo.

Ngày 30/3/2021, tại Hà Nội, Hội thảo “đóng góp ý kiến cho dự thảo sửa đổi Nghị định 64/2008/NĐ-CP” về “Vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo” đã thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu là các nhà quản lý, các chuyên gia đến từ các cơ quan: Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ Thập đỏ cùng một số đại diện địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt lũ tháng 10/2020 vừa qua như: Quảng Bình, Huế...

Hội thảo này được tổ chức nhằm góp tiếng nói đối với thảo luận trong công chúng và đóng góp thêm ý kiến cho Ban soạn thảo trong quá trình soạn thảo Nghị định sửa đổi.

Một mô hình thiện nguyện áp dụng hình thức tiền mặt có điều kiện (Lao động đổi công) tại Cao Quảng, Tuyên Hóa, Quảng Bình (Ảnh: HNV) 

Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc quốc gia tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho biết, trong nhiều thập kỷ trước đây, Việt Nam là một quốc gia nằm trong đới khí hậu khắc nghiệt về bão, lũ và biến đổi khí hậu – cùng với việc là một nước nghèo nên nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ, cứu trợ của cộng đồng quốc tế. Cộng với truyền thống “lá lành, đùm lá rách” của Việt Nam đã góp phần hỗ trợ được nhiều cá nhân và cộng đồng mỗi khi gặp khó khăn, thiên tai và dịch bệnh. Thực tiễn từ mùa bão lũ cuối 2020 đã nảy sinh một số bất cập khi so sánh, đối chiếu với quy định pháp luật, đó là, công tác phê duyệt dự án cứu trợ của nước ngoài còn chậm, chồng chéo trong việc thực hiện giữa Nghị định 64, Nghị định số 50/2020/NĐ-CP ngày 20/4/2020 quy định về tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai và Nghị định số 80/2020/NĐ-CP ngày 8/7/2020 quy định vể quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam.

Thêm nữa, việc tham gia cứu trợ của các cá nhân, tổ chức thiếu chuyên nghiệp nên dẫn đến chồng chéo, lãng phí, chưa công bằng nên gây mất đoàn kết trong dân, người làm cứu trợ bị dèm pha, thậm chí bắt đầu xuất hiện hiện tượng lợi dụng cứu trợ để trục lợi...

Cũng theo ông Phạm Quang Tú, mặc dù Việt Nam đã đạt ngưỡng phát triển trung bình nhưng vẫn còn nhiều người nghèo cần hỗ trợ, cộng với đặc thù địa lý khiến cho Việt Nam luôn đối mặt với thiên tai khắc nghiệt, do đó, công tác cứu trợ từ thiện – nhân đạo vẫn là hoạt động phổ biến và luôn được quan tâm. Vì lẽ đó, quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định cần tính đến việc mở rộng đối tượng tham gia cứu trợ, thiện nguyện đến mọi tổ chức, cá nhân; tăng cường sự chuyên nghiệp và phối hợp trong công tác cứu trợ để đảm bảo hiệu quả và an toàn; thay đổi tư duy của chính quyền và đoàn thể trong công tác cứu trợ - từ “quản lý” cứu trợ đến “điều phối và hỗ trợ” nhằm đảm bảo hoạt động cứu trợ hiệu quả.

Tại Hội thảo, Luật sư Nguyễn Tiến Lập (Hà Nội) cho rằng, khi sửa đổi Nghị định 64, có hai vấn đề pháp luật cần giải quyết, đó là: Điều 11, Luật Phòng chống thiên tai 2013 quy định vận động, quyên góp, phân bổ nguồn lực từ cộng đồng … theo quy định của pháp luật trong khi đó, Điều 457 và 671, Bộ luật dân sự 2015 lại quy định, hành động thiện nguyện là quyền dân sự theo Bộ luật Dân sự.

Diễn giả trình bày tham luận tại Hội thảo (Ảnh: HNV) 

Hiện tại, khi đối chiếu so sánh dễ dàng nhận thấy Nghị định 64 không tương thích với: Luật Mặt trận TQVN 1999 (không có quy định); Pháp lệnh phòng chống lụt bão 1993 (UBND là đầu mối tiếp nhận); Nghị định 148/2007 về Quỹ từ thiện, Quỹ xã hội (Hội đồng quỹ quyết định và báo cáo cơ quan có thẩm quyền); Quyết định 64/2001 về viện trợ phi chính phủ (đầu mối là Thủ tướng, các Bộ và UBND, không có Mặt trận Tổ quốc).

Theo Luật sư Lập, hoạt động cứu trợ tự nguyện có tổ chức cao của người dân từ đợt bão lũ tháng 10/2020 của miền Trung vừa rồi đã đặt ra các vấn đề về chính sách và pháp luật cần giải quyết, trong đó, bao gồm: tính hợp pháp; bảo đảm công khai minh bạch; bảo đảm phân phối hợp lý, công bằng; hỗ trợ hậu cần; cơ chế phối hợp; ứng xử thống nhất của chính quyền địa phương; bảo đảm an ninh, an toàn cho tài sản và người tham gia; có chính sách nhất quán, ổn định để khuyến khích và hỗ trợ. 

Do đó, Luật sư Lập kiến nghị, quy định chung phải phân biệt với tài trợ trực tiếp, riêng tư, có địa chỉ cụ thể; là hoạt động công khai, có tính đại chúng; quy định quyền chính đáng của các tổ chức, cá nhân, được Nhà nước khuyến khích, phối hợp và bảo trợ; quy định các quyền pháp lý và các lợi ích tinh thần, vật chất mà bên tổ chức hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối cứu trợ và bên tài trợ, đóng góp được hưởng. Đặc biệt, cần quy định chi tiết về các mô hình tổ chức hoạt động theo hướng quy định nghĩa vụ của Bên tổ chức có đề án hoạt động và văn bản cam kết, đăng ký với chính quyền; công khai hoá và trách nhiệm báo cáo, giải trình; Bên đóng góp, tài trợ có nghĩa vụ sử dụng tài sản hợp pháp của mình để đóng góp, tài trợ; Bên nhận tài trợ có nghĩa vụ sử dụng các khoản đóng góp đúng mục đích của Nhà tài trợ và cam kết của cá nhân; Bên giám sát, phối hợp, hỗ trợ có chương trình phối hợp; hỗ trợ, không gây phiền hà; giải quyết các khiếu nại, tranh chấp; xử lý quan hệ quốc tế.

Tính tới phương án lâu dài hơn, cần quy định bao quát cả hoạt động thiện nguyện thường xuyên cho các nhóm yếu thế cũng như bao quát cả hoạt động phi lợi nhuận khác trong mọi lĩnh vực, khẳng định quyền dân sự chính đáng của tổ chức, cá nhân trong mưu cầu hạnh phúc, bảo đảm đời sống, phát triển cộng đồng và giải quyết các vấn đề xã hội.

TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định, hoạt động từ thiện, cứu trợ là rất cần thiết: giúp giảm thiểu khó khăn, tái phân phối thu nhập và gắn kết xã hội. Tuy nhiên, các vấn đề đặt ra trong hoạt động thiện nguyện và cứu trợ không phải là ít. Vấn đề là chúng ta phải đối mặt và tìm cách xử lý hiệu quả. Thực tế, nhiều giải pháp lập pháp là quan trọng và cần được triển khai. TS Dũng cũng nhấn mạnh, các giải pháp lập pháp sẽ phát huy tác dụng nếu chúng phù hợp với văn hóa của người Việt và đặc biệt cho rằng, các quy phạm pháp luật chỉ tốt ngang bằng với mức chúng được thực thi trong cuộc sống.

Hội thảo lần này cũng ghi nhận nhiều ý kiến của địa phương và tổ chức, trong đó nhấn mạnh tới nội dung về tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động từ thiện, cứu trợ; xóa bỏ những hạn chế pháp lý không cần thiết cản trở hoạt động này; có hình thức phù hợp để tôn vinh những cá nhân và tổ chức có thành tích trong hoạt động từ thiện, cứu trợ; giảm thuế cho những tổ chức và cá nhân làm từ thiện, cứu trợ; bảo vệ thiết thực những tổ chức cá nhân thiện tâm và tích cực làm từ thiện; lựa chọn tổ chức có năng lực chuyên môn để điều phối, hỗ trợ hoạt động cứu trợ; giao trách nhiệm cho chính quyền cơ sở trợ giúp và điều phối hoạt động từ thiện và cứu trợ ở địa phương; giao cơ quan điều phối viện trợ trợ giúp các cá nhân, chức nâng cao năng lực trong việc tổ chức chức và triển khai hoạt động từ thiện, cứu trợ. Đặc biệt, cần nghiêm cấm và xử lý nhanh chóng những hành vi lợi dụng hoạt động từ thiện, cứu trợ để trục lợi./.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực