Nỗ lực nâng cao nhận thức về pháp luật cho đồng bào vùng cao

Thứ tư, 11/08/2021 23:51
(ĐCSVN) - Bám sát đặc điểm địa bàn, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác chuyên môn, những năm qua, đồng chí Phạm Thị Việt, Trưởng phòng Phổ biến giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp tỉnh Hà Giang) đã luôn cố gắng để đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến gần hơn với đồng bào dân tộc thiểu số nơi vùng cao biên giới...

Hà Giang là tỉnh biên giới cực Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Tỉnh có hơn 20 dân tộc cùng sinh sống; đời sống bà con còn nhiều khó khăn, nhận thức pháp luật của nhân dân vẫn còn hạn chế, môi trường tiếp xúc và sử dụng pháp luật hạn hẹp. Xuất phát từ những đặc điểm đó và từ cương vị công tác của mình, đồng chí Phạm Thị Việt đã luôn tâm niệm rằng cần giúp người dân hiểu biết pháp luật nhiều hơn, qua đó chấp hành tốt hơn các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, vươn lên làm giàu chính đáng cho bản thân và góp phần xây dựng quê hương.

Từ suy nghĩ đó, đồng chí Phạm Thị Việt đã cùng đồng nghiệp chủ động tham mưu cho UBND tỉnh Hà Giang ban hành nhiều đề án tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDLP) có chất lượng, đem lại hiệu quả thiết thực trong cuộc sống. Đó là các Đề án “Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới giai đoạn 2017-2021”; “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL giai đoạn 2019-2021”; “Xã hội hóa công tác PBGDPL và Trợ giúp pháp lý giai đoạn 2017-2021”; “Nâng cao chất lượng công tác PBGDPL trong Nhà trường giai đoạn 2017-2021”; “Tăng cường PBGDPL tại một số địa bàn trọng điểm vi phạm pháp luật”...

Đồng chí Phạm Thị Việt (thứ ba, phải sang) vinh dự được trao tặng danh hiệu “Cá nhân điển hình tiên tiến ngành Tư pháp”, giai đoạn 2015-2020. (Ảnh: T.O). 

Đồng thời, trên cơ sở am hiểu đời sống, phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Hà Giang, đồng chí Phạm Thị Việt còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, nhân rộng các mô hình, hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Nhiều mô hình phù hợp, hiệu quả đã được duy trì và nhân rộng như: Tuyên truyền “song ngữ” (tiếng phổ thông và tiếng dân tộc bản địa); tuyên truyền bằng loa kéo tay; tuyên truyền thông qua “Hội nghệ nhân dân gian” các cấp; tuyên truyền thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin...

Điển hình như tuyên truyền thông qua “Hội nghệ nhân dân gian”. Mô hình này là cách làm mới, có nhiều tín hiệu tích cực góp phần nâng cao chất lượng tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Hiện nay, hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh Hà Giang đều đã thành lập các Hội nghệ nhân dân gian, thông qua các tài liệu tuyên truyền pháp luật được triển khai, cán bộ các ngành, đoàn thể xã phối hợp cùng các nghệ nhân dân gian tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật trực tiếp tại các thôn bản.

Hay như việc tuyên truyền pháp luật gắn với các ứng dụng công nghệ thông tin, đến nay tỉnh Hà Giang đã xây dựng duy trì 309 trang thông tin điện tử, Fanpage, Facebook; youtube; 36 đường link truy cập phổ biến giáo dục pháp luật, đăng tải trên 20.000 tin, bài trên chuyên trang, chuyên mục phổ biến giáo dục pháp luật; xây dựng 18 mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật...

Chị Vàng Thị Mong ở xã Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc chia sẻ: “Tôi thấy việc ứng dụng tuyên truyền pháp luật thông qua các fanpage trên facebook rất hay và phù hợp. Mọi người có thể truy cập, cập nhật thông tin mọi lúc, mọi nơi từ đó nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong chấp hành các quy định của pháp luật”.

Với những cách làm sáng tạo và phù hợp, đồng chí Phạm Thị Việt đã trực tiếp đóng góp vào kết quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Tỷ lệ vi phạm pháp luật đều giảm xuống qua các năm; 100% cán bộ, công chức, viên chức được trang bị kiến thức pháp luật thuộc lĩnh vực hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của mình; đại bộ phận người dân đều tự giác chấp hành các quy định của pháp luật...

Ghi nhận những đóng góp nói trên, mới đây tại Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ V, đồng chí Phạm Thị Việt đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp trao tặng danh hiệu “Cá nhân điển hình tiên tiến ngành Tư pháp”, giai đoạn 2015-2020. Cùng với đó là hàng loạt Bằng khen của UBND tỉnh Hà Giang và danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và cấp tỉnh. Trước đó, năm 2020, đồng chí Phạm Thị Việt cũng được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen do đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ 2015 – 2019.

Với một tỉnh có gần 90% dân số là đồng bào dân tộc ít người như Hà Giang, những đóng góp của đồng chí Phạm Thị Việt thực sự đáng trân trọng. Nỗ lực trong công tác, đồng chí Phạm Thị Việt xứng đáng là tấm gương sáng về tinh thần trách nhiệm, ý thức vượt lên khó khăn để đem ánh sáng pháp luật đến với đồng bào ở nơi biên cương của Tổ quốc./.

Nguyễn Thị Hoàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực