Theo đại biểu (ĐB) Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước), báo cáo của Chính phủ về chống tham nhũng, lãng phí chỉ mới nói công tác này được “chú trọng” và “đẩy mạnh”, nhưng theo ĐB Bùi Mạnh Hùng, dùng từ như trên là chưa tích cực, không đủ mạnh.
ĐB Bùi Mạnh Hùng cho hay: Trong nhiệm kỳ 2011 - 2016, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng nhưng việc triển khai chưa như mong muốn. Tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. Tham nhũng không dừng lại ở lĩnh vực kinh tế mà cả tham nhũng chính sách. Tham nhũng không còn đơn lẻ mà đã có sự cấu kết, không chỉ một cấp, không chỉ một ngành mà ở nhiều bộ phận...”
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước). (Ảnh: Việt Dũng).
ĐB Bùi Mạnh Hùng đánh giá, tham nhũng ở một khía cạnh nào đó đã trở thành việc bình thường, trở thành một thông lệ ở một số ngành, thật nguy hiểm cho quốc gia!. Việc chống tham nhũng chưa đủ mạnh, còn nể nang, né tránh. Chống tham nhũng đã có một số kết quả, nhưng chống lãng phí thì kết quả và giải pháp hầu như rất yếu. “Tôi chưa thấy ai bị kỷ luật, bị sa thải vì lãng phí”, ĐB phản ánh.
ĐB Bùi Mạnh Hùng cho rằng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phải xem đây là nhiệm vụ hàng đầu. ĐB Bùi Mạnh Hùng kiến nghị, cần phải nhận thức rõ hơn tham nhũng, lãng phí là mối nguy hiểm ảnh hưởng đến sự hưng thịnh của quốc gia.
“Trong kỳ họp này,Thủ tướng Chính phủ mới khi nhậm chức cần có lời tuyên thệ thể hiện quyết tâm chống tham nhũng, lãng phí một cách mạnh mẽ. Lời tuyên thệ này cũng giống như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có lần tuyên bố rõ ràng, mạnh mẽ về Biển Đông. Có nghĩa là nói cách khác, "hãy coi việc phòng, chống tham nhũng lãng phí là giặc nội xâm và quyết tâm phòng, chống tham nhũng lãng phí như quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của cả dân tộc”, ĐB Bùi Mạnh Hùng kiến nghị.
Đồng quan điểm, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng: "Cán bộ công chức cần giảm bớt lãng phí và tuyên thệ không tham nhũng khi nhậm chức. Trước mắt, cố gắng giảm bớt tham nhũng trong quan hệ với dân, doanh nghiệp".
ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) tỏ ra bức xúc khi nhiều người thi hành công vụ chưa coi mình là công bộc của dân; người dân, doanh nghiệp vẫn còn bị nhũng nhiễu bởi cơ chế “xin-cho”; tham nhũng lớn, tham nhũng vặt diễn biễn phức tạp…
“Đại biểu Quốc hội đầy lo âu quốc nạn có nguy cơ hạ đo ván quốc sách”, ĐB Lê Như Tiến bày tỏ.
Nhấn mạnh cần có biện pháp quyết liệt hơn, mạnh tay hơn trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, ĐB Vũ Công Tiến (Lâm Đồng) cho rằng, bên cạnh việc tinh giảm bộ máy, tăng chế độ chính sách, nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức, nhất là trách nhiệm người đứng đầu các cấp, cần phải tính toán lại để có cơ chế và tổ chức lực lượng giám sát thiết thực, hiệu quả hơn. “Khắc phục tình trạng hình thức, chồng chéo, kém hiệu quả, người làm thì ít mà người giám sát nhiều như hiện nay”, ĐB kiến nghị./.