Phấn đấu sớm hoàn thành giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Thứ hai, 10/01/2022 19:53
(ĐCSVN) – Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết, việc giải phóng mặt bằng sẽ tập trung làm trong 1 năm rưỡi, đến cuối năm 2023 phải xong toàn bộ.
 Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể  phát biểu tại hội trường Quốc hội chiều 10/1. Ảnh: QH

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường, chiều 10/1, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.

Thảo luận tại hội trường, đa số các đại biểu đều thống nhất với sự cần thiết ban hành nghị quyết để sớm hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc- Nam phía Đông, tạo động lực, sức lan tỏa để phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.Hồ Chí Minh) nêu rõ, hiện Bộ GTVT đang gánh một trọng trách rất lớn trên vai liên quan đến đầu tư hạ tầng và cần nỗ lực để đầu tư. Vì vậy đại biểu mong rằng Bộ trưởng, ngành GTVT và đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, các địa phương cùng quan tâm phối hợp để sớm kết nối khép kín đường cao tốc Bắc –Nam phía Đông.

Đại biểu Ngân cũng đề nghị Bộ GTVT cần đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng công trình, hạn chế việc đầu tư dở dàng và kéo dài.

Đại biểu này cũng cho hay, ngành GTVT đã đưa tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào khai thác sử dụng, góp phần thuận tiện đi lại của người dân. Tuy nhiên, tuyến cao tốc Bến Lức- Long Thành có ý nghĩa quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cho đến nay chưa hoàn thành và đại biểu đề nghị ngành giao thông quan tâm. “Ngoài ra, việc đấu nối các tuyến kết nối và đặc biệt là đường vành đai 3, vành đai 4 của TP.Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ cũng cần được Chính phủ quan tâm để hỗ trợ cho vùng được liên kết và phát triển phát triển bền vững”, đại biểu đề xuất.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), Tờ trình của Chính phủ đã phân tích, lý giải việc chọn hình thức đầu tư công trên cơ sở những kinh nghiệm rút ra từ triển khai thực hiện từ giai đoạn trước. Bên cạnh đó, với tính cấp bách của dự án trong tổ chức thực hiện, sự cần thiết đầu tư theo hình thức này là đúng. Mặc dù Nhà nước đã dùng ngân sách để đầu tư nhưng Chính phủ đã đưa ra giải pháp thu hồi vốn bằng cách sau khi dự án hoàn thành sẽ tổ chức chuyển nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn. Đây là một hình thức xã hội hóa trong đầu tư.

Đại biểu cho rằng, phương án Chính phủ đưa ra là phù hợp. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cần đảm bảo minh bạch trong tổ chức thực hiện để không thất thoát nguồn lực đầu tư của Nhà nước.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề xuất, nên đầu tư công toàn bộ dự án vì dự án có mức tổng đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài nên kêu gọi đầu tư PPP trong thời điểm hiện nay sẽ rất khó cho nhà đầu tư. “Nếu tiếp tục kêu gọi sẽ kéo dài thời gian, khó hoàn thành mục tiêu dự án đề ra. Nếu không kêu gọi thì lại không đúng theo tinh thần Nghị quyết của Quốc hội về xã hội hóa trong kế hoạch đầu tư”, đại biểu Hòa cho biết.

Cũng theo đại biểu Phạm Văn Hòa, để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, việc Chính phủ đề xuất triển khai đầu tư công toàn bộ 12 dự án thành phần; sau khi hoàn thành nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn cho Nhà nước là ý tưởng có thể làm được dù chưa có tiền lệ, chưa có cơ chế về chính sách này.

"Tôi đề nghị Quốc hội đồng tình để Chính phủ triển khai thực hiện, qua đó các bộ, ngành còn chuẩn bị hồ sơ, thủ tục cần thiết để triển khai ngay nhưng với điều kiện các dự án này chủ đầu tư chuyển nhượng phải thực hiện thu phí không dừng", đại biểu nói.

Giải trình làm rõ ý kiến của các đại biểu về tổng mức đầu tư, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nêu rõ, đã tính toán suất đầu tư của từng cây cầu, từng ki lô mét hầm, từng cống, kể cả địa chất thủy văn và tính toán của tư vấn là có căn cứ cơ sở.

Tuy nhiên, để tiến tới đấu thầu hoặc chỉ định thầu, Bộ trưởng cho hay còn phải thuê tư vấn lập dự án, khi đó sẽ xác định cụ thể hướng tuyến, xác định cụ thể các công trình, sau đó là bước thiết kế kỹ thuật và dự toán, cuối cùng mới là chỉ định thầu hoặc đấu thầu. “Trong quá trình làm chúng tôi sẽ hết sức thận trọng để làm sao đảm bảo đúng quy định và tiết kiệm nhất”, Bộ trưởng nêu rõ.

Liên quan công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư để triển khai dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chia sẻ, công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện một lần theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt. Cao tốc Bắc Nam phía Đông, đã nằm trong quy hoạch giao thông đường bộ đã được Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt tháng 9, theo đó sẽ tiến hành thu hồi một lần, làm hàng rào bảo vệ đối với toàn bộ phần đất thu hồi. Vì vậy, không phải giải phóng nhiều lần và cũng không sợ lấn chiếm phần đất đã thực hiện thu hồi.

Bộ trưởng GTVT cũng đề nghị chính quyền các địa phương, đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh hỗ trợ chỉ đạo đôn đốc, để tới tháng 6/2022 sau khi phê duyệt dự án sẽ bàn giao mặt bằng cho địa phương, việc giải phóng mặt bằng tập trung làm trong 1 năm rưỡi, đến cuối năm 2023 phải xong toàn bộ./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực