Phê bình Chi cục trưởng có sai phạm trong đấu giá biệt thự của “Bầu Kiên”

Thứ ba, 21/01/2020 20:10
(ĐCSVN) - Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự thông tin nội dung trên tại cuộc họp báo về tình hình công tác tư pháp năm 2019, chiều 21/1.

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Sơn cho biết trên cơ sở kết luận thanh tra, cơ quan này đã chỉ đạo Cục Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh xem xét xử lý đối với cán bộ có sai phạm trong vụ tổ chức đấu giá biệt thự số 5 Hồ Biểu Chánh (phường 12, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh) của bà Đặng Ngọc Lan và ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB (còn được gọi là “Bầu Kiên").

 Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự thông tin tại cuộc họp báo. Ảnh: TH.

Trên cơ sở chỉ đạo, Cục Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh đã có kiểm điểm. 

“Căn cứ quy định pháp luật thì chưa tới mức thi hành kỷ luật nên Cục Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh đã có công văn phê bình Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án Quận 10 và Chấp hành viên trên toàn thành phố”, ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, về việc thi hành án có sai sót dẫn tới xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, nếu sai phạm đó do lỗi của cơ quan nhà nước thì phải có trách nhiệm bồi thường theo quy định; khi có đầy đủ yếu tố sẽ có chỉ đạo để đảm bảo nghiêm túc minh bạch, công khai, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho công dân.

Trước đó, như đã đưa tin, trong vụ thi hành án, bán đấu giá nhà đất tại số 5 Hồ Biểu Chánh, Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND)Tối cao đã có văn bản số 4849/VKSTC-V11 gửi VKSND TP. Hồ Chí Minh khẳng định, trình tự, thủ tục thi hành án trong việc tổ chức thi hành Bản án số 570/2014 liên quan đến ông Nguyễn Đức Kiên của cơ quan thi hành án dân sự có nhiều vi phạm. VKSND Tối cao yêu cầu VKSND TP.Hồ Chí Minh xem xét, đánh giá tính chất, mức độ vi phạm, ban hành kháng nghị (nếu còn thời hạn) hoặc kiến nghị yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự huỷ bỏ kết quả bán đấu giá, tổ chức lại việc thi hành án đúng quy định của pháp luật.

Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, năm 2019, bộ, ngành tư pháp đã có nhiều nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đã được Quốc hội, Chính phủ giao. Vai trò, vị thế của ngành tư pháp ngày càng được đề cao trong đời sống chính trị, pháp lý cũng như đời sống kinh tế-xã hội.

“Những thành công của bộ, ngành tư pháp có được trong năm qua không thể không kể đến những đóng góp của các cơ quan báo chí, truyền thông”, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nói.

Năm 2019, ngành tư pháp đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó có một số kết quả nổi bật. Bộ, ngành tư pháp đã tập trung nguồn lực tham mưu trong công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật, được Đảng, Nhà nước tín nhiệm giao chủ trì tham mưu tổng kết, sơ kết nhiều nghị quyết, văn bản quan trọng; bảo vệ thành công báo cáo quốc gia về thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Công ước ICCPR) trước Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc; tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân” - dấu ấn về sự chuyển biến mạnh mẽ của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần xây dựng, quản lý nhà nước bằng Hiến pháp và pháp luật; chủ trì và chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ nâng xếp hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật (chỉ số B1) nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, giúp chỉ số B1 của nước ta tăng 17 bậc so với năm 2018; kết nối liên thông dữ liệu đăng ký khai sinh – cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; công tác thi hành án dân sự đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay với 579.000 việc thi hành xong, tương ứng với số tiền hơn 52.000 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu đề ra và tăng gấp 2 lần số tiền tuyệt đối thi hành trong năm 2018; phát triển hợp tác quốc tế về pháp luật đi vào chiều sâu, ngày càng thực chất, hiệu quả hơn…/.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực