Phối hợp tuyên truyền để Luật Bảo vệ môi trường vào cuộc sống

Thứ hai, 21/12/2020 18:46
(ĐCSVN) – Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đề nghị: Thời gian tới cần tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa hệ thống các cơ quan quản lý ngành TN&MT, Hội Nông dân Trung ương và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, thực hiện đúng các quy định pháp luật và đưa Luật BVMT vào cuộc sống.
Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Thương Huế) 

Ngày 21/12, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội thảo “Tăng cường sự phối hợp giữa Trung ương Hội Nông dân các cấp với ngành Tài nguyên và Môi trường trong việc đưa Luật Bảo vệ môi trường vào cuộc sống”.

Theo ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, các chính sách về quản lý chất lượng môi trường, nhất là chính sách về BVMT nông thôn đã được quy định rất cụ thể.

Trong đó, chất lượng môi trường nói chung bao gồm chất lượng môi trường nông thôn được coi là nền tảng, là mục tiêu để bảo vệ trên cơ sở điều tiết các hoạt động dân sinh, kinh tế có tác động đến chất lượng môi trường nông thôn thông qua công tác kiểm kê, thống kê, theo dõi và quản lý bằng các công cụ phù hợp (như quy hoạch vùng sản xuất tập trung và đầu tư hạ tầng phù hợp; thực hành sản xuất sạch và an toàn; tận thu quay vòng tái sử dụng các sản phẩm phụ, vật chất thải bỏ, chất thải...); các khu vực có nguy cơ bị ô nhiễm (đặc biệt là các nguồn nước) được theo dõi, ngăn chặn ô nhiễm, cải thiện và phục hồi chất lượng môi trường.

Luật BVMT năm 2020 cũng quy định trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội: Hội Nông dân trong việc vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, giám sát việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân; tham gia các hoạt động BVMT, tư vấn, phản biện, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BVMT.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc BVMT, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết: Hội Nông dân Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc huy động hội viên và nông dân tham gia BVMT trong hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư, nghiệp, vệ sinh và giữ gìn cảnh quan, BVMT nông thôn và làng nghề; phát triển mô hình BVMT gắn với xây dựng nông thôn mới; tổ chức hỗ trợ, đào tạo nghề và chuyển giao khoa học công nghệ giúp nông dân phát triển sản xuất thân thiện với môi trường và phát triển bền vững.

Vì vậy, thời gian tới cần tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa hệ thống các cơ quan quản lý ngành TN&MT, Hội Nông dân ở Trung ương và địa phương; Trung ương Hội Nông dân và các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật BVMT năm 2020 nói chung; các biện pháp BVMT nông thôn, bảo vệ sức khỏe người dân nói riêng tới các hội viên, tổ chức, hộ gia đình nông dân để nâng cao nhận thức và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về BVMT.

Bên cạnh đó, xây dựng các cơ chế chính sách cụ thể hóa các phong trào, mô hình tiên tiến để dẫn dắt người nông dân từng vùng miền tham gia đưa nền nông nghiệp gắn liền với môi trường, hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế hữu cơ trong nông nghiệp. Có cơ chế thu hút các nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân tham gia, từ đó, tạo ra nguồn lực mạnh mẽ, phát triển bền vững để bảo vệ môi trường.

Bộ trưởng cũng đề nghị, trong thời gian tới, Hội Nông dân Việt Nam sẽ phối hợp với Bộ TN&MT xây dựng các nội dung để phát triển mục tiêu 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng. Đây là chương trình quan trọng mà Hội Nông dân với các hội viên là người thực hiện chính, Bộ TN&MT sẽ rà soát lại các quy hoạch sử dụng đất, rừng để hai bên cùng thực hiện.

Ngoài ra, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Hội Nông dân các cấp cần phát huy hơn nữa vai trò tư vấn, phản biện, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BVMT để góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi các quy định của Luật BVMT năm 2020; tiếp tục tổng hợp, đề xuất với Chính phủ để ban hành, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ nông dân thực hiện công tác BVMT cho phù hợp với thực tế.

Tại Hội thảo, đồng chí Thào Xuân Sùng - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch  Hội Nông dân Việt Nam cho biết, nhằm đẩy mạnh phát triển gắn với bảo vệ môi trường để phát triển bền vững, từ 2015 - 2020, Trung ương Hội đã hướng dẫn, chỉ đạo Hội Nông dân các tỉnh, thành xây dựng thành công hàng trăm mô hình điểm về thu gom, phân loại và xử lý rác thải trong sinh hoạt, xử lý chất thải trong làng nghề, hầm khí Biogas bảo vệ môi trường nông thôn, sử dụng kiến thức bản địa trong bảo vệ môi trường.

Thông qua các mô hình điểm đã góp phần tuyên truyền, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cho các cấp Hội Nông dân, từ đó, có hành động cụ thể bảo vệ môi trường. Tiêu biểu như mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại nguồn ở tỉnh Hải Dương, Nam Định, Hòa Bình, An Giang, Long An; mô hình “xử lý nước thải làng nghề” tại tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang,Thái Bình; mô hình “đệm lót sinh học trong chăn nuôi giảm thiểu ô nhiễm môi trường” góp phần giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước cung cấp nhiên liệu trong sinh hoạt như Vĩnh Phúc, Hà Nội, Quảng Trị...

Đồng quan điểm trên, các chuyên gia cũng chỉ ra môi trường nông thôn hiện vẫn còn tồn tại nhiều bức xúc và sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm ẩn trước mắt và lâu dài; xu thế dịch chuyển các hoạt động sản xuất từ đô thị về khu vực nông thôn, đặc biệt là các loại hình có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao; các dòng chất thải dịch chuyển từ đô thị về nông thôn để tái chế, xử lý; nhu cầu hàng hóa gia tăng, nên khu vực nông thôn bị gánh chịu nhiều hậu quả của tình trạng lạm dụng hóa chất dùng trong nông nghiệp.

BL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực