Quảng Ninh sẵn sàng cho ngày hội non sông

Thứ ba, 13/04/2021 14:37
(ĐCSVN) - Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã được tỉnh Quảng Ninh thực hiện nghiêm túc, bài bản, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, hoàn thành sớm hơn so với yêu cầu đề ra.

Đồng chí Nguyễn Tường Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Quảng Ninh khẳng định nội dung trên khi trả lời phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về kế hoạch triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Công tác chuẩn bị được thực hiện bài bản, hoàn thành sớm hơn so với yêu cầu

PV: Xin đồng chí cho biết việc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay đã được triển khai như thế nào?

Đồng chí Nguyễn Tường Văn: Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra vào ngày 23/5/2021 là sự kiện chính trị trọng đại, để nhân dân toàn tỉnh thực hiện quyền làm chủ thông qua lựa chọn bầu những đại biểu tiêu biểu, có trình độ, năng lực, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp.

Bám sát Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị và các kế hoạch của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Kế hoạch số 01/KH-UBBC ngày 20/01/2021 của Ủy ban bầu cử tỉnh, tỉnh Quảng Ninh đã sớm thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch của các cấp, thành lập tổ chức phụ trách bầu cử các cấp (Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử) đúng thành phần, số lượng và trước thời gian luật định.

leftcenterrightdel
Đồng chí Nguyễn Tường Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo, Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Quảng Ninh kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại TP. Móng Cái. Ảnh: TL. 

Ủy ban bầu cử các cấp của tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành các nội dung công việc của bước 1 như: Tổ chức quán triệt, triển khai, phổ biến các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác bầu cử đến tận cấp xã, thôn, khu phố; Tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác bầu cử đến 13 huyện, thị xã, thành phố và 177 xã, phường, thị trấn; Tổ chức hội nghị hiệp thương thứ nhất để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; Thường trực HĐND các cấp đã điều chỉnh lần thứ nhất cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử địa biểu HĐND các cấp; Lựa chọn, giới thiệu người ứng cử; Ấn định và công bố danh sách các đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp; số lượng đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử; Ủy ban bầu cử tỉnh đã tổ chức Hội nghị Sơ kết và đánh giá kết quả thực hiện công tác bầu cử bước 1.

Đến thời điểm hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục triển nội dung các công việc bước 2 công tác bầu cử và đã hoàn thành một số nội dung công việc như: Tiếp nhận hồ sơ người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp; Lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Có thể khẳng định, công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã được tỉnh Quảng Ninh thực hiện nghiêm túc, bài bản, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, các bước chuẩn bị đảm bảo hoàn thành sớm hơn so với yêu cầu đề ra; đồng thời xây dựng phương án khi có tình huống nảy sinh do dịch bệnh COVID-19.

PV: Thưa đồng chí, Chỉ thị của Bộ Chính trị lần này đã chỉ rõ “Không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn” đại biểu Quốc hội. Vậy tỉnh Quảng Ninh đã triển khai Chỉ thị của Bộ Chính trị như nào để đạt được mục tiêu đảm bảo cơ cấu đại biểu đi cùng đó là nâng cao chất lượng đại biểu?

Đồng chí Nguyễn Tường Văn: Thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 1185/NQ-UBTVQH14 ngày 11/01/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỉnh Quảng Ninh đã làm tốt công tác hiệp thương lựa chọn, giới thiệu những người có đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội đảm bảo theo quy định tại Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội, Hướng dẫn số 36-HD/BTCTW ngày 20/01/2021 của Ban Tổ chức Trung ương và Hướng dẫn số 01-HD/TU ngày 03/02/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2021-2026. Ngoài ra, người được lựa chọn giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội chuyên trách phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn như có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, có trình độ đại học trở lên, có năng lực phân tích, hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, có chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với vị trí dự kiến; đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ từ Vụ trưởng và tương đương, chức vụ giám đốc Sở, ngành và tương đương trở lên và đã được quy hoạch đại biểu Quốc hội chuyên trách; độ tuổi ứng cử đại biểu Quốc hội chuyên trách đảm bảo quy định.

Ngay sau khi hoàn thành Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, tỉnh Quảng Ninh đã lập danh sách sơ bộ người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV nhiệm kỳ 2021 - 2026 là 16 người cư trú và làm việc tại Quảng Ninh. Trong đó, đại biểu là nữ chiếm 37,50% (6 người); ngoài Đảng chiếm 18,75% (3 người); tôn giáo chiếm 18,75% (3 người); tái cử chiếm 25,00% (2 người); trên đại học chiếm 75,00% (12 người); đại học chiếm 25% (4 người). Theo đó, các đại biểu được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV là những đại biểu có đủ năng lực, phẩm chất, đảm bảo các tiêu chuẩn về chính trị, đạo đức để thực hiện có hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất trong bối cảnh phát triển mới của đất nước.

PV: Từ nay đến Hội nghị Hiệp thương lần thứ 3 thời gian không còn nhiều, trong khi đó tình hình đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Tỉnh Quảng Ninh đã có kế hoạch cụ thể gì để đảm bảo lộ trình, kế hoạch đã đề ra?

Đồng chí Nguyễn Tường Văn:  Sau Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh cùng với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp đã tiến hành tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với những người ứng cử có tên trong danh sách sơ bộ và ý kiến cử tri nơi công tác (nếu có) đối với người tự ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp và người được thôn, tổ dân phố giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND cấp xã.

Trước tình hình đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo đúng chỉ đạo của Trung ương và của Tỉnh theo phương châm “3 trước” và “4 tại chỗ”, giữ vững thành quả phòng, chống dịch bệnh, giữ vững địa bàn an toàn, ổn định trong trạng thái bình thường mới, yếu tố tiên quyết để chuẩn bị tốt và tổ chức thành công, an toàn cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Chủ động xây dựng các phương án, kịch bản, biện pháp sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả các tình huống, phù hợp với các cấp độ diễn biến của tình hình dịch bệnh COVID-19, kể cả các tình huống xấu nhất; tại các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 bố trí phòng họp trực tuyến để phục vụ cử tri và người ứng cử là các trường hợp F0, F1 thực hiện quyền và nghĩa vụ về bầu cử. Đồng thời, bám sát quy định của Luật, Kế hoạch bầu cử của tỉnh để triển khai các nội dung công việc đảm bảo tiến độ và yêu cầu, quyết tâm tổ chức cuộc bầu cử chu đáo, an toàn và thành công.

leftcenterrightdel
Đồng chí Nguyễn Tường Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh, Quảng Ninh trò chuyện với cử tri, nhân dân khu 3, phường Hồng Hà, TP Hạ Long. Ảnh: TL. 

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử

PV:  Để công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2021 - 2026 được diễn ra thuận lợi, thành công, theo đồng chí cần tiếp tục chuẩn bị các bước tiếp theo như thế nào, đặc biệt là công tác tuyên truyền tới cán bộ, đảng viên và cử tri trong toàn tỉnh?

Đồng chí Nguyễn Tường Văn: Để công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2021 - 2026 được diễn ra thuận lợi, thành công, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động, xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định rõ nội dung, nhiệm vụ, lộ trình thực hiện, tiếp tục triển khai tốt các bước sau:

Tổ chức hội nghị cử tri lấy ý kiến nơi công tác (đối với người tự ứng cử) và nơi cư trú của những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Tiếp nhận, tổng hợp ý kiến nhận xét của cử tri trước ngày 14/4.

Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND và gửi lấy ý kiến cử tri nơi công tác, nơi cư trú.

Kịp thời tổng hợp số liệu về việc tổ chức các hội nghị giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã; các hội nghị hiệp thương; hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, gửi Ủy ban bầu cử tỉnh để tổng hợp, báo cáo Hội đồng bầu cử Quốc gia theo yêu cầu.

Trên cơ sở Kế hoạch số 24/KH-UBBC ngày 04/3/2021 của Ủy ban bầu cử tỉnh; Ủy ban bầu cử cấp huyện xây dựng Kế hoạch tập huấn nghiệp vụ công tác bầu cử cho thành viên các Tổ bầu cử.

Tỉnh Quảng Ninh dự kiến sẽ tổ chức sơ kết bước 1 và bước 2 trước ngày 18/4.

Ngoài ra, trong thời gian tới, trên cơ sở những kết quả đạt được, tỉnh Quảng Ninh đã và đang tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử trên các phương tiện thông tin phát thanh, truyền hình, các loại hình báo chí, tuyên truyền cổ động trực quan tại các địa phương, đơn vị; triển khai chương trình triển lãm, trưng bày sách, báo, tài liệu hiện vật tuyên truyền về cuộc bầu cử; tổ chức chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật kết hợp tuyên truyền cuộc bầu cử trên địa bàn tỉnh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa trong thời gian trước, trong và sau Ngày bầu cử; tuyên truyền đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch liên quan đến cuộc bầu cử trên không gian mạng.

Cùng với đó, thường xuyên nắm tình hình tư tưởng, dư luận xã hội liên quan đến cuộc bầu cử; phản ánh kịp thời vướng mắc, khó khăn từ cơ sở để các cơ quan liên quan tập trung giải quyết nhằm bảo đảm môi trường tư tưởng, dư luận thật tốt chuẩn bị cho cuộc bầu cử. Tổ chức các hoạt động chào mừng cuộc bầu cử gắn với các hoạt động chào mừng 60 năm Ngày Bác Hồ ra thăm quân và Nhân dân đảo Cô Tô, Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4)...

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Thu Hằng (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực