Quốc hội xem xét việc tổ chức phiên tòa trực tuyến

Chủ nhật, 24/10/2021 15:14
(ĐCSVN) - Các đại biểu Quốc hội cho rằng việc thực hiện phiên tòa trực tuyến là nhu cầu, xu hướng tất yếu, phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tư pháp không chậm trễ, tiết kiệm chi phí xã hội…

Sáng 24/10, tiếp tục Kỳ họp thứ hai, Quốc hội thảo luận trực tuyến về các báo cáo công tác của các cơ quan tư pháp, trong đó đa số tập trung ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Đại biểu Quốc hội Lã Thanh Tân (Đoàn TP Hải Phòng) tán thành về sự cần thiết ban hành nghị quyết như trong tờ trình và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, đồng thời nhận thấy đây là một trong những giải pháp đột phá nhằm nâng cao tính minh bạch trong hoạt động tố tụng của tòa án và là một trong những yếu tố đòn bẩy để thúc đẩy quá trình giải quyết công việc của tòa án được nhanh chóng hơn, thuận lợi hơn, đáp ứng đầy đủ các quyền công dân, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của công dân.

Theo ĐB Trần Đình Văn (Lâm Đồng): Từ thực tiễn, nhiều nước đã thực hiện xét xử trực tuyến và thực tế đại dịch COVID ảnh hưởng khiến nhiều hoạt động vốn trước đây diễn ra dưới hình thức trực tiếp nay phải chuyển sang hình thức trực tuyến hoặc kết hợp giữa trực tiếp với trực tuyến. Việc Tòa án áp dụng xét xử trực tuyến là không trái với quy định của pháp luật và phù hợp với thực tiễn.

Tuy nhiên, theo ĐB Văn, để việc thực hiện phiên tòa trực tuyến cũng phải đảm bảo chặt chẽ về mặt pháp lý cũng như quyền công dân. Do đó, cần phải bảo đảm thuận lợi cho những người tham gia tố tụng không bị ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đương sự có liên quan, các chủ thể trong phiên tòa và bảo đảm nguyên tắc của tố tụng, bảo đảm an toàn, hiệu quả, bảo mật, chặt chẽ của quá trình tranh tụng tại phiên tòa, nhưng cũng được đảm bảo theo đúng Hiến pháp và pháp luật, đồng thời bảo đảm công tác xét xử đúng tiến độ.

“Đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến là xác hợp với tình hình, trạng thái mới hiện nay để các cơ quan tư pháp có cơ sở pháp lý vững chắc thực hiện phương thức xét xử trực tuyến trong bối cảnh đại dịch COVID-19 theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, ĐB đề xuất.

leftcenterrightdel

Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Ảnh: TL.

Để triển khai thực hiện tốt quy định khi dự thảo Nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực, ĐB Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị, cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng về điều kiện bảo đảm thực hiện tổ chức phiên tòa trực tuyến tại hơn 700 tòa án cấp huyện, tòa án dân sự và các cơ sở tạm giữ, tạm giam do ngành công an quản lý.

Thêm vào đó, nhất thiết phải có ngân sách đầu tư, chu cấp trang thiết bị điện tử, công nghệ cho hệ thống tòa án các ngành, các cấp tại các điểm cầu thành phần để bảo đảm liên kết thông qua môi trường mạng. Ngoài ra, cần có kinh phí tổ chức các phiên tòa trực tuyến. 

ĐB Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) cho rằng, trong phạm vi xét xử vụ án, cần bổ sung nguyên tắc xác định địa bàn ở các thành phố lớn, nơi có nhu cầu xét xử cao cơ sở vật chất, hạ tầng bảo đảm.

Do chưa được các Bộ luật và luật tố tụng hiện hành quy định, ĐB đề nghị cần thực hiện 3 năm và áp dụng thời gian thi hành từ 1/1/2022 đến 31/12/2024. Đồng thời, Tòa án nhân dân tối cao báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện phiên tòa trực tuyến và có lộ trình sửa đổi, bổ sung bộ luật và các luật tố tụng liên quan để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính pháp quyền của công tác xét xử.

Giải trình ý kiến cần cần thận trọng, chặt chẽ khi đưa vào dự thảo Nghị quyết những nội dung về phạm vi, điều kiện áp dụng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, ở nhiều tòa án quốc tế đã đưa vào hệ thống hạ tầng pháp lý cho việc tổ chức phiên tòa trực tuyến với nhiều cách thức khác nhau như: ban hành đạo luật về tố tụng hoặc ban hành đạo luật riêng về tố tụng điện tử; giao cho Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn.

Tham khảo kinh nghiệm của các tòa án quốc tế, Tòa án nhân dân tối cao đã đưa vào Dự thảo các quy chế và sự lựa chọn của Tòa án, cụ thể là ban hành một Thông tư liên ngành giữa Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng nhằm tạo hạ tầng pháp lý cho việc thực hiện phiên tòa trực tuyến. Mặc dù dự thảo Thông tư về việc thực hiện phiên tòa trực tuyến được soạn thảo đến lần thứ 4 nhưng vẫn chưa hoàn thiện và việc hoàn thiện Dự thảo vẫn đang được triển khai một cách kỹ lưỡng, thận trọng.

Về nguồn lực đảm bảo cho việc thực hiện phiên tòa trực tuyến, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, hiện các tỉnh Bắc Giang, Tuyên Quang, thành phố Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác đã hỗ trợ Tòa án nhân dân tối cao để triển khai hình thức xét xử này. Việc triển khai phiên tòa trực tuyến sẽ được triển khai ở các địa phương đã được chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, về lâu dài, các địa phương cần được bố trí nguồn lực hợp lý cho việc triển khai nên cần được đưa vào Nghị quyết của Quốc hội./.

Vy Thảo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực