Quy hoạch, sử dụng đất phải làm cơ sở cho quy hoạch ngành, quy hoạch vùng

Thứ tư, 13/10/2021 19:33
(ĐCSVN) – Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, quy hoạch sử dụng đất phải đi trước một bước làm cơ sở cho quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Do đó, quy hoạch vừa phải cụ thể để thực hiện nhưng phải bao quát, có tầm nhìn.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn 

Tiếp tục Phiên họp thứ 4, chiều ngày 13/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).

Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TM&MT) Trần Hồng Hà cho rằng việc lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) phải gắn với mục tiêu của Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhanh, bền vững, tính liên kết liên vùng, liên tỉnh, gắn kết hữu cơ giữa đô thị và nông thôn và thống nhất, đồng bộ giữ các địa phương.

Theo Bộtrưởng Trần Hồng Hà, mục tiêu của Quy hoạch là nhằm bố trí quỹ đất đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đảm bảo kết nối không gian phát triển liên ngành, liên vùng, các hành lang kinh tế và các vùng động lực phát triển của quốc gia; giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa; đảm bảo độ che phủ rừng ổn định ở mức 42 - 43%. Mục tiêu tiếp theo là khai hoang, phục hóa, đưa diện tích đất chưa sử dụng vào sử dụng; hạn chế tình trạng suy thoái đất, cải tạo, phục hồi diện tích đất bị thoái hóa.

Theo đề xuất của Chính phủ, trong số 3,57 triệu ha đất trồng lúa, có thể cho phép quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng linh hoạt với diện tích khoảng 300 nghìn ha, nhưng được bảo vệ, không làm thay đổi tính chất, các điều kiện phù hợp để khi cần thiết vẫn trồng lúa trở lại.

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiêm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, đại diên Cơ quan thẩm tra, nêu rõ: Trên thực tế ở một số nơi, việc sử dụng đất trồng lúa để trồng các cây khác hoặc nuôi trồng thủy sản đang diễn ra và về mặt kinh tế có thể hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, đất chuyên trồng lúa là loại đất đặc biệt, có đặc trưng riêng về thành phần lý hóa tính, cùng với hệ thống thủy lợi được đầu tư rất lớn, trong thời gian dài. Do đó, việc chuyển đổi đất chuyên trồng lúa sang sử dụng cho các mục đích nông nghiệp khác phải đi kèm điều kiện không hủy hoại các đặc trưng cơ bản nhất của đất lúa. Khi đã sử dụng đất lúa cho mục đích phi nông nghiệp hoặc đất nông nghiệp khác cũng không dễ chuyển lại thành đất lúa. Để có cơ sở xem xét đề xuất cho phép quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Chính phủ cần báo cáo Quốc hội về tình hình chuyển đổi trở lại đất trồng lúa sau khi đã chuyển sang cây trồng khác giai đoạn 2011 - 2020, đồng thời cần xác định nguyên tắc, tiêu chí cho phép chuyển đổi, khu vực có thể chuyển đổi, khu vực không cho chuyển đổi.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, quy hoạch sử dụng đất phải đi trước một bước làm cơ sở cho quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Do đó, quy hoạch vừa phải cụ thể để thực hiện nhưng phải bao quát, có tầm nhìn để tạo không gian phát triển, đồng thời phải rà soát, trao đổi thông tin thống nhất với các bộ, ngành, địa phương để hạn chế tối đa mâu thuẫn, chồng chéo với quy hoạch ngành, vùng, các quy hoạch có liên quan và phù hợp với yêu cầu phát triển của từng vùng, từng ngành, từng địa phương.

Bên cạnh đó, gắn kết quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với phát triển kinh tế từ nguồn lực đất, tài chính đất đai để khai thác có hiệu quả, phòng chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực và lợi ích nhóm trong sử dụng đất.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý đến việc đảm bảo số lượng, chất lượng của chỉ tiêu trồng lúa, nhằm đảm bảo thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về an ninh lương thực, quản lý chặt chẽ diện tích đất trồng lúa chuyển đổi sang sử dụng cho mục đích đất nông nghiệp khác để không hủy hoại các đặc trưng cơ bản nhất của đất lúa; khi cần thiết có thể quay lại trồng lúa, hạn chế tối đa việc chuyển đất lúa tại các vùng có tiềm năng trồng lúa sang các mục đích phi nông nghiệp.

Trong phiên họp chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét, quyết định việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 cho tỉnh Quảng Nam./.

BL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực