Sốt ruột với bội chi ngân sách, nợ công tăng

Thứ sáu, 01/04/2016 13:09
(ĐCSVN) – Một trong những vấn đề được các đại biểu Quốc hội đề cập khi thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội là bội chi ngân sách luôn ở mức cao, nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ ngày càng khó khăn...


Đại biểu Trần Ngọc Vinh. Ảnh: vov.vn

Sáng 1/4, tiếp tục Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015; kết quả thực hiện nhiệm vụ 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020; kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020.

Bội chi cao, nợ công tăng, áp lực trả nợ lớn

Phát biểu tại Hội trường Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) đề cập đến nhiều vấn đề Chính phủ cần quan tâm để phát triển kinh tế, đó là bội chi ngân sách luôn ở mức cao, nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ ngày càng khó khăn. Đại biểu dẫn chứng: “Chỉ riêng năm 2015, kế hoạch vay nợ đã lên tới 436 nghìn tỷ đồng, trong đó kế hoạch phát hành trái phiếu là 250 nghìn tỷ đồng. Ngân sách nhà nước đã trở thành đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp trong huy động vốn. Việc giảm lãi suất ngân hàng càng khó khăn thêm”.

Đại biểu cũng đề nghị, Chính phủ cần quan tâm giải thích rõ cho cử tri về việc nợ Chính phủ vượt trần 50,3% và số doanh nghiệp giải thể hoạt động ngày càng tăng mặc dù số doanh ngiệp đăng ký cũng nhiều.

Về các giải pháp để thực hiện mục tiêu kinh tế- xã hội 2016, đại biểu cho rằng, Chính phủ cần đặt các giải pháp trong hai bối cảnh là hội nhập ngày càng sâu rộng và biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt. Đại biểu chỉ ra rằng, bối cảnh kinh tế thế giới đầu năm, cộng với tình hình rét đậm, rét hại, xâm nhập mặn... ở nước ta đã tác động tiêu cực tới đời sống nhân dân, cũng là nguyên nhân chính làm tốc độ tổng sản phẩm quốc nội quý 1/2016 tăng chậm lại, riêng khu vực nông, lâm, thủy sản thì -1,23%.

Nhấn mạnh điểm này, đại biểu nhận định, việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2016 là 6,7% là một thử thách lớn cho Chính phủ nhiệm kỳ mới. Đồng ý cơ bản với 8 giải pháp Chính phủ đã nêu trong báo cáo nhưng đại biểu cho rằng, cần tiếp tục kiên định mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội; việc nâng cao chất lượng đời sống người dân cần ưu tiên hơn nữa.

Theo đại biểu, lạm phát năm nay đang tăng trở lại và có thể tăng cao trong năm tới, nên việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu như: Điện, nước, xăng dầu... cần hết sức thận trọng, tránh tình trạng điều chỉnh dồn dập.

Về nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, đại biểu cho rằng cần giám sát thận trọng, kết hợp với chính sách tài khóa thắt chặt, kéo bội chi ngân sách về dưới 4% tổng sản phẩm quốc nội. Đại biểu đồng tình với kiến nghị của Bộ Tài chính, cần kiểm soát chặt chẽ các khoản vay ODA, chỉ ưu tiên cho các dự áp “cấp thiết” chứ không phải là “cần thiết”. Hạn chế cấp phát, tăng vay và trả nợ, nâng cao trách nhiệm của các địa phương và HĐND các cấp...

Cũng bàn về vấn đề này, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cũng cho rằng, hiện nay nợ công đã ở mức báo động cao, sự tích lũy nợ công tăng chóng mặt những năm gần đây cho thấy sự liên quan lớn giữa tốc độ tăng trưởng kinh tế và mức nợ công của Chính phủ. Trung bình mỗi năm tổng số nợ công tăng thêm 2%/GDP và tăng 4% trong năm 2015. Tất cả các khoản trả nợ gốc và lãi đang bào mòn ngân sách với tốc độ rất lớn. Đây là hệ quả của việc sau một thời gian dài liên tục đi vay một cách tràn lan, song đầu tư không đem lại hiệu quả.

Cũng theo đại biểu, bên cạnh những vấn đề như: Lãng phí đầu tư công, rút ruột công trình và nợ công không được xử lý hiệu quả,.. về lâu dài, tình trạng ngân sách cạn kiệt và việc chi tiêu không được quản lý chặt chẽ sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho tình hình kinh tế, tài chính của Việt Nam. Khi nguồn thu không đủ chi sẽ dẫn đến bội chi năm này qua năm khác. Không kìm hãm được đương nhiên sẽ không có tiền để trả nợ mà còn phải tiếp tục vay để trả nợ cũ. Điều đó cho thấy, vấn đề quản lý ngân sách của Nhà nước đang có vấn đề. Ngân sách không có tiền để đầu tư là rất nguy hiểm. 

Để kìm hãm tốc độ phi mã của nợ công hiện nay, đại biểu Trần Ngọc Vinh đề nghị, Chính phủ kiểm soát chặt chẽ việc phân bổ và sử dụng nguồn vốn vay của các địa phương và các dự án lớn, cải thiện cơ chế, chính sách nhằm giải phóng tiềm lực kinh doanh của doanh nghiệp trong nước và thu hút vốn nhàn rỗi trong nhân dân; thay đổi cơ cấu nợ công, xây dựng một cơ chế quản lý nợ công hiệu quả hơn.

Sản xuất nông nghiệp đang rất mong manh

Một câu chuyện luôn được các đại biểu Quốc hội đề cập khi nói về nông nghiệp là tình trạng bị động tiêu thụ nông sản đã tồn tại nhiều năm, hay điệp khúc “được mùa, mất giá”.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) đánh giá, những năm qua, Chính phủ, các bộ, ngành đã rất quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, nhất là đã thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nhưng chuyển biến chưa thực sự nhiều. Tuy nhiên, theo đại biểu, vấn đề luôn được cử tri quan tâm, đề cập là sản xuất, tiêu thụ hàng nông sản luẩn quẩn, "được mùa, mất giá". Thương hiệu sản phẩm chủ lực vẫn chưa có nên tính cạnh tranh chưa cao, giá trị xuất khẩu thấp. Vật tư nguyên liệu đầu vào biến động và quản lý chưa hiệu quả, tổ chức sản xuất chưa định hình được các mô hình hay...

Thực trạng trên cho thấy, nông nghiệp còn rất "mong manh" trước tình hình hội nhập. Đại biểu cũng nhấn mạnh, đầu năm 2016, thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu xảy ra tại một số vùng càng làm cho sản xuất nông nghiệp "mong manh" hơn. Từ đó, đại biểu đề nghị Chính phủ trong kế hoạch năm 2016 và trong kế hoạch 2016-2020 cần có những chính sách điều hành đột phá hơn, đầu tư nhiều hơn, chú ý hơn tới sản xuất, tiêu thụ nông nghiệp; đồng thời tiếp tục coi trọng nông nghiệp để làm chuyển biến căn bản nền nông nghiệp Việt Nam.

Tương tự, đại biểu Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) cho rằng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang là xu hướng khách quan cần thiết để người nông dân có thể sống trên chính mảnh đất của mình. Trong khi đó, chính sách đầu tư cho lĩnh vực này gần như chưa được quan tâm nhiều. “Chính sách hỗ trợ của Nhà nước còn hạn chế... nên câu chuyện được mùa mất giá là lẽ đương nhiên. Tình trạng này kéo dài tới bao giờ là câu hỏi mà người lãnh đạo, quản lý phải có câu trả lời” – đại biểu nhấn mạnh.

Dành phần lớn thời gian phát biểu về vấn đề nông nghiệp, ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắc Nông) nêu: Với điều kiện tự nhiên phù hợp, ở Tây Nguyên đã hình thành nhiều vùng chuyên canh cây công nghiệp lâu năm. Nông thôn ở Tây Nguyên gắn chủ yếu với cây cà phê, cây tiêu, sản phẩm làm ra chủ yếu để xuất khẩu.

Tuy nhiên, đại biểu lo lắng, đến nay, chúng ta vẫn còn chật vật, xoay sở bị động trên thị trường đầu ra trong nước cũng như trên thế giới. “Tình trạng thị trường nông nghiệp của Tây Nguyên hiện nay không  khác gì 5, 10, thậm chí là mấy chục năm trước. Chúng ta cứ than trách về phát triển cây trồng tự phát  nhưng chúng ta chưa có những đầu ra nông sản mang tính bền vững để người dân yên tâm sản xuất” – đại biểu bức xúc.

Với những trải nghiệm thực tiễn, đại biểu cho rằng, những nội dung khác như: Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để tăng thu nhập hay sản xuất theo tiêu chuẩn xanh hữu cơ hoặc liên kết sản xuất, người dân vẫn tích cực hưởng ứng tự giác. Tuy nhiên, về chính sách điều tiết thị trường với tầm nhìn chiến lược thì trách nhiệm thuộc về Nhà nước, chính phủ. “Nghĩa là chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhưng trọng tâm vẫn là thị trường nông nghiệp trong và ngoài nước”.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cũng đề nghị, Chính phủ nhiệm kỳ tới cần ưu tiên phát triển mạnh mẽ hơn nữa cho đầu tư nông nghiệp, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, hướng tới mục tiêu nông nghiệp phát triển bền vững, khắc phục tình trạng được mùa mất giá, góp phần nâng cao đời sống nông dân, để họ vững chí yên tâm bám ruộng xây dựng nông thôn mới./.

 

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực