Sửa đổi Luật Đất đai phải đảm bảo sự thống nhất

Thứ năm, 19/05/2022 10:18
(ĐCSVN) – Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân đề nghị cần hoàn thiện trong Luật Đất đai sửa đổi lần này, không chỉ giải quyết vấn đề quan hệ đất đai mà phải bảo đảm sự thống nhất.
 
 Ảnh minh họa. Nguồn: TL

Ngày 17/5, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Long An tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đối với các tỉnh, thành phố phía Nam.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau hơn 7 năm thi hành Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ và khả thi cho việc khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai. Chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã bảo đảm tốt hơn quyền lợi cho người có đất thu hồi. Chính sách tài chính về đất đai được hoàn thiện, góp phần tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách. Những quy định đổi mới về giá đất đã tạo sự chuyển biến tích cực trong quản lý nhà nước về đất đai bằng biện pháp kinh tế...

Tuy nhiên, quá trình thực thi Luật vẫn còn tồn tại những hạn chế như: Nguồn lực về đất đai chưa thực sự được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; việc tiếp cận đất đai của tổ chức, cá nhân có những nơi còn khó khăn do chưa thực hiện đúng quy định. Bảng giá đất tại một số địa phương mới bằng khoảng 65% so với giá thị trường, công tác định giá đất cụ thể ở một số nơi chưa kịp thời, chưa có cơ chế.

Bên cạnh đó, vi phạm pháp luật về đất đai còn xảy ra nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời; tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp; tỷ lệ đơn thư khiếu nại vẫn chiếm tỷ lệ cao (trên 60%) trong tổng số đơn thư gửi đến các cơ quan nhà nước, nhiều vụ việc kéo dài, khó giải quyết dứt điểm; số vụ án liên quan đất đai chiếm trên 70% số vụ án được xét xử hằng năm. Ngoài ra, xu thế thoái hóa, ô nhiễm đất, xâm nhập mặn diễn ra ở nhiều nơi, diễn biến phức tạp, dẫn đến mất đất, giảm độ màu mỡ, thoái hóa đất, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông, lâm nghiệp và đời sống của người dân…

Tại hội thảo, đại diện các tỉnh, thành phố phía Nam đóng góp ý kiến về các vấn đề như: Giao đất, cho thuê đất đối với các khu đất đối ứng của các công trình dự án theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT), xây dựng – vận hành – chuyển giao (BOT); việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để xây dựng các cơ sở tôn giáo hiện nay không có trình tự thủ tục trong Luật Đất đai hoặc các nghị định, trong khi đó việc này cần thiết nhằm đảm bảo quản lý về mặt an ninh trật tự và chính sách tôn giáo.

Các địa phương cũng đề nghị cần có quy định tích hợp quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn… đồng bộ nhất, bởi vì hiện nay đang có bất cập giữa các quy hoạch này; ý kiến về bồi thường hỗ trợ tái định cư; cần nghiên cứu tiến tới bỏ việc thu tiền sử dụng đất chuyển thành thu thuế bất động sản. Luật Đất đai 2013 chưa quy định cụ thể đối với việc sử dụng đất của các trường hợp đang sử dụng đất là tổ chức mà khu đất đó không phù hợp với quy hoạch nhưng chưa có kế hoạch thu hồi hoặc tổ chức chưa di dời dẫn đến lúng túng trong việc quản lý…

Ghi nhận ý kiến của các địa phương, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân tổng hợp ý kiến tại hội thảo: Thứ nhất đề nghị các điều khoản chương mục trong Luật Đất đai phải bảo đảm sự thống nhất, và đây là vấn đề còn tồn tại của Luật Đất đai 2013, do đó cần hoàn thiện trong Luật Đất đai sửa đổi lần này, không chỉ giải quyết vấn đề quan hệ đất đai mà phải bảo đảm sự thống nhất. Thứ hai, cần xác định vai trò vị trí của Luật Đất đai trong các mối quan hệ về đất đai. Thứ ba, những khái niệm, nội dung đưa vào Luật Đất đai phải rõ, không được phép suy diễn, hiểu theo cách nào cũng được mà phải thống nhất để thực hiện…

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết sẽ ghi nhận và tổng hợp các ý kiến đóng góp để chuyển tới ban soạn thảo Luật./.

Đức Hạnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực