Sửa luật Sở hữu trí tuệ để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội

Thứ ba, 14/09/2021 19:56
(ĐCSVN) - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ lần này là yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Chiều 14/9, tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trình bày tờ trình (Ảnh: QH) 

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ lần này là yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 93 điều (trong đó bổ sung 12 điều, sửa đổi 81 điều) và bãi bỏ 1 điều, nâng tổng số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sau khi sửa đổi lên 233 điều, thuộc 7 nhóm chính sách đã được thông qua. Do số lượng điều khoản sửa đổi, bổ sung chiếm 41% tổng số điều khoản tại Luật hiện hành, cũng như bổ sung nhiều nội dung, số lượng các điều dẫn chiếu lớn dẫn đến không thuận lợi cho việc phổ biến, tuyên truyền và áp dụng pháp luật trong thực tiễn. Do vậy, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định đổi tên dự án Luật từ "sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ" thành “Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi)”.

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành với các lý do đã nêu trong Tờ trình. Tuy nhiên Thường trực Ủy ban Pháp luật không nhất trí với đề xuất đổi tên gọi dự án Luật của Chính phủ. Bởi 7 chính sách tại dự thảo Luật lần này đã được thể hiện trong hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ khi đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. Lý do đề nghị đổi tên là “việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung lần thứ ba với nhiều nội dung và số lượng điều lớn sẽ dẫn đến những bất cập nhất định trong tuyên truyền, phổ biến, thi hành và áp dụng pháp luật” là không thuyết phục vì chất lượng thi hành, áp dụng pháp luật phụ thuộc vào công tác tổ chức thi hành. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều sẽ được hợp nhất theo quy định do đó, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, sẽ không có vướng mắc.

Nếu đổi tên gọi như đề xuất của Chính phủ thì phải nghiên cứu toàn bộ 222 điều của Luật hiện hành để có phương án sửa đổi, bổ sung toàn diện, đáp ứng tối đa yêu cầu thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về sở hữu trí tuệ ngoài 7 chính sách nêu trong Tờ trình. Nhấn mạnh yêu cầu này, song với quỹ thời gian còn lại của quá trình xây dựng Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật lo ngại, sẽ là thách thức không nhỏ cho việc hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ vì khi sửa đổi toàn diện thì phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, thay thế 44 văn bản hướng dẫn thi hành Luật hiện hành, 39 văn bản pháp luật khác có quy định liên quan đến sở hữu trí tuệ cũng phải rà soát, sửa đổi để bảo đảm đồng bộ.

Đồng tình với ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhất trí cần giữ nguyên tên gọi của dự án Luật như chương trình. 

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao sự chuẩn bị của ban soạn thảo, báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Pháp luật công phu, kỹ lưỡng. Theo Chủ tịch Quốc hội, dự thảo Luật cơ bản thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về sở hữu trí tuệ, phù hợp với Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 khóa XII về hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về định hướng, giải pháp đối với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phù hợp với văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Mặt khác, dự án Luật đã đề cập trực tiếp, khắc phục được nhiều hạn chế, bất cập về quyền tác giả và các quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp, bảo hộ giống cây trồng thời gian qua, có những sửa đổi, bổ sung tương thích với cam kết và điều ước quốc tế.

Để tiếp tục hoàn thiện, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát về các điều cấm. Tiếp tục rà soát và cân nhắc kỹ việc thu hẹp đáng kể quyền khai thác tác phẩm được trả phí của người làm sáng tạo bởi dự thảo đã mở rộng khá nhiều ngoại lệ sử dụng tác phẩm mà không phải trả phí. Điều này sẽ gây xung đột giữa bản quyền với quyền khai thác mà không phải trả phí.

Đồng thời, tiếp tục rà soát để hoàn thiện hơn quy định về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí… là kết quả nhiệm vụ khoa học, công nghệ từ ngân sách nhà nước. Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tán thành với báo cáo thẩm tra, nhất trí với phương án quy định việc giao quyền đăng ký cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, tổ chức chủ trì có quyền sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí khi được cấp văn bằng bảo hộ.

Mặt khác, tiếp tục nghiên cứu lập luận kỹ lưỡng việc dự thảo quy định thu hẹp các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mà bị xử phạt về hành chính. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, quy định hiện hành không có vướng mắc. Quan hệ pháp luật dân sự và quan hệ pháp luật hành chính không loại trừ nhau. Hơn nữa, vi phạm được xử lý hành chính sẽ được thực hiện nhanh, giảm chi phí tuân thủ của các bên, điều này cũng ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cân nhắc thêm một số nội dung cụ thể, xem xét bổ sung các quy định về các nội dung chuyển đổi số cần phải được quy định trong Luật như: Đăng ký, xác lập quyền sở hữu công nghiệp trực tuyến, tra cứu khả năng bảo hộ trực tuyến và tra cứu cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu hàng hóa hoặc kiểu dáng công nghiệp trực tuyến...

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên tên luật là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ như đã xác định trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và tên gọi này phù hợp với nội dung Chính phủ đang trình.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát các nhóm quy định cụ thể, lưu ý các nhóm nội dung Chủ tịch Quốc hội đã nêu; đồng thời làm rõ thêm vấn đề tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký quyền sở hữu công nghiệp; rà soát thêm các nội dung về chuyển đổi số, về tài sản trí tuệ, trí tuệ nhân tạo, kiểm soát an ninh khi chuyển giao công nghệ ra nước ngoài.

Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến thẩm tra, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Luật cụ thể các điều khoản, hoàn chỉnh Tờ trình và Hồ sơ dự án Luật để gửi Ủy ban Pháp luật thẩm tra chính thức đảm bảo tiến độ và thời gian theo đúng quy định./.

Tú Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực