Tăng cường giám sát dự án hạ tầng giao thông trọng điểm

Thứ ba, 27/07/2021 18:57
(ĐCSVN)- Theo đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh), cần xử lý nghiêm tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, gây khó khăn đối với người dân và doanh nghiệp, minh bạch hoá tối đa các dự án đầu tư công; tăng cường giám sát các dự án đầu tư nguồn vốn nhà nước, các dự án trọng điểm quốc gia, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa XV, chiều ngày 27/7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) phát biểu tại hội trường Quốc hội chiều ngày 27/7. Ảnh: quochoi.vn

Giám sát các dự án đầu tư trọng điểm

Cho ý kiến về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho biết: Việc thu chi ngân sách, tốc độ giải ngân, những bất cập và giải pháp đầu tư công đã làm nóng nghị trường tại các phiên họp Quốc hội và các phiên thảo luận tổ của Kỳ họp thứ nhất. Trong đó, điều mà cử tri và nhân dân quan tâm hơn cả là hiệu quả huy động, sử dụng ngân sách và những điểm đổi mới cơ chế phù hợp đối với việc thực thi.

Theo đại biểu, thời gian qua Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ ngành, địa phương giải ngân vốn đầu tư công, nhưng tỉ lệ giải ngân vẫn thấp; nhiều công trình, dự án lớn đã được phê duyệt nhưng nhiều năm chưa triển khai, thực hiện hoặc chậm tiến độ, chất lượng chưa đảm bảo, gây lãng phí thất thoát, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân.

“Vẫn còn nhiều địa phương chưa cân đối được ngân sách, nhất là nơi có số thu ngân sách nhà nước khó khăn như nguồn thu thấp, việc chi thường xuyên tương đối cao, nguồn lực dành cho đầu tư phát triển hạn chế; vẫn còn tình trạng mua sắm, sử dụng tài sản công chưa đúng quy định của pháp luật, gây lãng phí ngân sách.”, đại biểu nêu rõ.

Trước thực tế trên, đại biểu cho rằng, việc siết chặt kỷ luật ngân sách không chỉ là quản lý chặt thu chi, mà cần nhấn mạnh đến kỷ luật, thời gian, tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đối với những dự án trọng điểm, cấp bách, đảm bảo chất lượng hiệu quả chống lãng phí thất thoát.

Từ đó, đại biểu đề xuất cần xử lý nghiêm tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, gây khó khăn đối với người dân và doanh nghiệp, minh bạch hoá tối đa các dự án đầu tư công; thực hiện phân cấp, giao quyền, đảm bảo trách nhiệm người đứng đầu. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát các dự án đầu tư nguồn vốn nhà nước, các dự án trọng điểm quốc gia, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông.

Để khắc phục những bất cập trong đầu tư công, đại biểu Thạch Phước Bình cũng nêu rõ, cần dứt khoát, phải nhanh chóng đổi mới từ cơ chế, chính sách, cho đến tầm nhìn làm sao để xoá bỏ những rào cản, vướng mắc trước tiên là từ câu chuyện giải ngân vốn.

Đại biểu cũng nhấn mạnh, thực trạng chậm giao vốn, chậm điều chỉnh vốn đầu tư phát triển trong đó có vốn ODA vẫn chưa được khắc phục; thủ tục giao vốn vẫn còn phức tạp, chưa xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công, khiến nhiều dự án quan trọng tác động đến phát triển kinh tế - xã hội chậm được triển khai, dở dang, kéo dài.

Trước thực trạng trên đại biểu đề nghị, trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách Chính phủ cần có kế hoạch về khâu tổ chức thực hiện; quy định pháp luật về tài chính, ngân sách, trong đó có Luật Đầu tư công được quản lý nợ công; đồng thời khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công năm 2019, tránh thực trạng chậm trễ khả năng huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước.

Hoàn thiện thủ tục với dự án chưa quyết định chủ trương đầu tư

Cho ý kiến về dự kiến phương án phân bổ vốn kế hoạch trong lĩnh vực giao thông, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho biết, trong Tờ trình phát triển kinh tế-xã hội có nêu một số vấn đề tồn tại hạn chế, đó là liên kết, phát triển vùng còn lỏng lẻo.

Đại biểu cho rằng, việc liên kết phát triển vùng còn lỏng lẻo một phần do hạ tầng giao thông, nhất là hạ tầng giao thông đường  bộ chưa thực sự thuận lợi để tạo điều kiện kết nối vùng, làm cho vùng chưa phát huy được lợi thế. Do đó, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tới cần đẩy mạnh xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại để đến năm 2025 cơ bàn hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông kết nối khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ.

Đối với số vốn chưa trình phương án phân bổ và số vốn dự kiến phân bổ cho các dự án chưa có quyết định chủ trương đầu tư, đại biểu cho hay, vấn đề này chưa tuân thủ đúng quy định theo Luật đầu tư công. Tuy nhiên, theo đại biểu việc hoàn thiện các thủ tục này tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa XV là rất khó khăn. Do vậy, đại biểu cơ bản tán thành việc ủy quyền lại cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét cho ý kiến đối với số vốn này.

“Để đảm bảo chặt chẽ, tôi đề nghị giao cho Chính phủ rà soát, khẩn trương hoàn thiện thủ tục đối với dự án chưa quyết định chủ trương đầu tư; đối với số vốn chưa có phương án phân bổ bổ sung danh mục dự án, mức vốn, bố trí cụ thể trên từng dự án theo quy định Luật Đầu tư công báo cáo UBTVQH xem xét cho ý kiến trước tháng ngày 30/10/2021. Trường hợp chưa hoàn thiện thủ tục đề nghị kiên quyết thực hiện đúng quy định của Luật Đầu tư công, không bố trí kế hoạch vốn đối với số vốn này trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025”, đại biểu đề xuất.

Quan tâm, đến kế hoạch đầu tư công trung hạn, đại biểu đề nghị việc xây dựng đầu tư công trung hạn cần sắp xếp thứ tự ưu tiên, lựa chọn các danh mục dự án và mức bố trí vốn cụ thể cho từng dự án phù hợp với khả năng cân đối vốn đầu tư công và khả năng huy động vốn khác để thực hiện. Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền cần nghiêm túc thực hiện đúng nguyên tắc tiêu chí phân bổ, khắc phục triệt để tồn tại, hạn chế trong khâu bố trí vốn khi thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước.

Cho ý kiến về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) phân tích: Hiện nay theo báo cáo của Chính phủ có tổng số 3476 dự án thuộc diện chuyển tiếp, tuy nhiên trong số đó còn lại hơn 1000 dự án chưa phân bổ cụ thể . Điều này có thể dẫn đến lãng phí nguồn lực, tính kỷ luật tài chính chưa nghiêm…

Từ thực tế trên, đại biểu kiến nghị đề cao hơn nữa tính công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện, bên cạnh động viên những trường hợp đã thực hiện tốt cần xử lý nghiêm đối với trường hợp vi phạm đạo đức công vụ.

Đại biểu Mai cũng kiến nghị Chính phủ rà soát, chỉ đạo hệ thống pháp luật về kinh tế trong trường hợp có hạn chế cần đề xuất phương án kịp thời sửa đổi. Còn đối với Quốc hội kịp thời  rà soát điều chỉnh đưa vào chương trình phối hợp hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo điều kiện cho Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện, sớm đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa hệ thống pháp luật, nhất là trong lĩnh vực kinh tế./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực