Tăng cường tiếp cận pháp lý cho nhóm yếu thế về bảo vệ dữ liệu cá nhân

Thứ tư, 09/12/2020 22:12
(ĐCSVN)– Đây là vấn đề được đặt ra tại hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm về bảo vệ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng tập trung vào nhóm đối tượng yếu thế” do Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) phối hợp với Bộ Tư pháp và Chương trình phát triển Liên hiệp quốc tổ chức ngày 9/12, tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại tá Trương Sơn Lâm, Phó cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết: Tại Việt Nam, thời gian qua Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ban hành và lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách nền tảng, tạo cơ sở cho nước ta tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thúc đẩy phát triển kinh tế số thông qua quá trình trao đổi số hiệu quả, an toàn. Chính phủ Việt Nam cũng đang tích cực triển khai “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025”, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử và ban hành Nghị quyết về phát triển Chính phủ điện tử và ban hành Nghị quyết về phát triển Chính phủ điện tử. 

Trong đó, giao cho Bộ Công an chủ trì, xây dựng Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Nhiệm vụ này hết sức quan trọng và cấp bách trong bối cảnh Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng Internet cao nhất thế giới với hơn 68 triệu người sử dụng Internet (chiếm khoảng 70 % dân số); 145 triệu thiết bị di động kết nối Internet đứng đầu khu vực Đông Nam Á về số lượng tên miền quốc gia; ngành công nghiệp công nghệ thông tin có thứ hạng cao trong khu vực và trên thế giới....

leftcenterrightdel
 Đại tá Trương Sơn Lâm, Phó cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an. Ảnh: Xuân Mai.

Tại Việt Nam, nhận thức về vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng còn chưa thống nhất, đặc biệt trong khi thực trạng các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân trên không gian mạng còn diễn ra tràn lan, nhất là đối với nhóm đối tượng yếu thế như trẻ em, người cao tuổi, người dân tộc miền núi, vùng dâu, vùng xa... mà chưa có hành lang pháp lý đầy đủ và các biện pháp xử lý hiệu quả. 

Báo cáo của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho thấy: Đến nay Việt Nam có hơn 68 triệu người sử dụng Internet (chiếm 70% dân số), 145 triệu thiết bị di động kết nối internet; tỷ lệ người dân dùng điện thoại thông minh và sử dụng các ứng dụng, dịch vụ trên không gian mạng, nhất là mạng xã hội ở mức cao và thành phần đa dạng, trong đó có nhiều đối tượng thuộc nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương trong xã hội như trẻ em, người ca tuổi, người dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đó là chưa kể tại Việt Nam hiện có hơn 400 mạng xã hội trong nước và hàng chục mạng xã hội nước ngoài, trong đó riêng mạng xã hội Facebook đã có hơn 66 triệu tài khoản. Trong khi đó, nhận thức và thực tiễn công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, bất cập; các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa có các biện pháp bảo mật thông tin đồng bộ, hiệu quả; hệ thống lưu trữ và xử lý thông tin cá nhân còn tồn tại những lỗ hổng bảo mật dễ bị tin tặc khai thác, tấn công, gây thiệt hại lớn...

Tại Hội thảo, các ý kiến cho rằng đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân cần nâng cao ý thức vai trò, tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các nguy cơ, tác động xấu từ mạng xã hội đến quyền bảo vệ thông tin dữ liệu cá nhân.

Cùng với đó, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và xây dựng các cơ chế quản lý toàn diện để bảo vệ dữ liệu cá nhân; tăng cường phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp để nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân sở hữu dữ liệu, đặc biệt là nhóm đối tượng yếu thế khi tham gia sử dụng các dịch vụ trên không gian mạng.

Thông qua Hội thảo, Bộ Công an, Bộ Tư pháp sẽ có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn để nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân nhằm tăng cường nhận thức pháp luật và tiếp cận pháp lý cho người dân và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này./.

Vy Thảo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực