Thể chế đi trước mở đường cho đột phá phát triển

Thứ sáu, 08/01/2021 06:24
(ĐCSVN) – Đây là yêu cầu của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn tại hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2021 do UBND TP Hà Nội tổ chức ngày 7/1.
 Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn phát biểu tại hội nghị
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn nhấn mạnh chủ đề năm 2021 của thành phố là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, vì vậy, đề nghị các sở, ngành, quận, huyện triển khai thực hiện một cách toàn diện nhiệm vụ công tác Tư pháp năm 2021. Trong đó, tập trung cao độ vào công tác hoàn thiện thể chế, theo phương châm “thể chế phải đi trước một bước”, mở đường cho các đột phá về kinh tế, khoa học kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phát triển con người.

Đồng chí Lê Hồng Sơn yêu cầu các đơn vị phải nghiên cứu, đề xuất, xác định lĩnh vực, vấn đề ưu tiên hoàn thiện thể chế để chủ động kiến nghị sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập, xử lý tốt hơn nữa những vấn đề phát sinh trong công tác quản lý điều hành. Đáng chú ý, phải tập trung vào các nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô, thể chế hóa các cơ chế đặc thù để thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị.

Đồng chí Lê Hồng Sơn cho rằng, đây là những cơ sở, tiền đề quan trọng để Thủ đô có hệ thống thể chế thông thoáng, hiệu lực, nâng cao hiệu quả quản trị, tiếp tục đổi mới, sáng tạo, nhằm tiếp tục phát huy thế mạnh, tiềm năng để phát triển.

Cùng với việc hoàn thiện thể chế, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Lê Hồng Sơn yêu cầu công tác Tư pháp của thành phố phải xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, thúc đẩy đầu tư phát triển, giải quyết những vấn đề an sinh xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân. Cùng với đó, tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát việc tổ chức thi hành pháp luật, phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc 

Giám đốc Sở Tư pháp Ngô Anh Tuấn cho biết, năm 2020, công tác Tư pháp của Hà Nội được triển khai thống nhất, đồng bộ và hoàn thành những nhiệm vụ đã đề ra. Nổi bật, 100% thủ tục hành chính lĩnh vực tư được thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo kế hoạch.

Cùng với đó, công tác hộ tịch, chứng thực, quốc tịch, nuôi con nuôi có nhiều chuyển biến tích cực. Hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật được chú trọng tổ chức với hơn 2.110 cuộc với 231 nghìn lượt người dự, với 3,6 triệu tài liệu tuyên truyền.

Đáng chú ý năm 2020, công tác hòa giải ở cơ sở được triển khai thực hiện theo quy định, năm qua, thành phố đã tiếp nhận tổng số hơn 4.590 vụ việc hòa giải, giảm 467 vụ việc so với cùng kỳ năm 2019, đã tiến hành hòa giải thành 3.615/4.370 vụ việc, đạt tỷ lệ 82%, 226 vụ việc đang tiến hành hòa giải.

Hiện, trên địa bàn thành phố có 122 tổ chức hành nghề công chứng; 08 văn phòng với 85 thừa phát lại đang hành nghề, các văn phòng Thừa phát lại đã thực hiện tống đạt 61 nghìn văn bản, lập hơn 10 nghìn vi bằng, với tổng doanh thu gần 15 tỷ đồng…

Tại hội nghị, 5 tập thể, cá nhân được nhận tặng Bằng khen, Cờ thi đua của Bộ Tư pháp; 63 tập thể, cá nhân được UBND TP tặng bằng khen./.

 

 

Tin, ảnh: Phạm Cường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực