Thuận Châu ( Sơn La): Đổi mới hình thức tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc

Thứ tư, 06/01/2021 15:17
(ĐCSVN) – Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc ở huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đã mang lại hiệu quả thiết thực, nhờ việc đổi mới hình thức tuyên truyền...
leftcenterrightdel
 Phối hợp tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc tại huyện Thuận Châu, Sơ La. (Ảnh: TS).

Thuận Châu là huyện vùng cao còn nhiều khó khăn của tỉnh miền núi Sơn La. Đây đồng thời cũng là địa bàn có điều kiện hạ tầng cơ sở, giao thông đi lại còn nhiều hạn chế, trình độ dân trí không đồng đều. Trước đây, không ít người dân còn hạn chế trong nhận thức pháp luật, vi phạm các chính sách của Đảng, Nhà nước, gây mất trật tự xã hội. Mặt khác, một trong những vấn đề khó khăn nhất khi đưa luật về với đồng bào dân tộc là việc bà con thường coi trọng và làm theo tập quán, luật lệ của dân tộc mình, nên khó tiếp nhận và thực hiện theo các quy định mới. Trong khi đó, các bộ luật với nhiều chương, điều dẫn đến tình trạng người dân ngại đọc, ngại tìm hiểu; việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật thường cứng nhắc, chưa thực sự hấp dẫn. Vì vậy, hệ quả là nhiều hộ đồng bào dân tộc hiểu rất mơ hồ về pháp luật, từ đó chưa có ý thức cao trong chấp hành pháp luật.

Trước thực tế đó, hằng năm, Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) huyện Thuận Châu đã chủ động xây dựng kế hoạch, xác định mục tiêu tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, tuyên truyền phổ biến pháp luật dựa trên rà soát nhu cầu hiểu biết pháp luật đối với cán bộ, nhân dân, đặc biệt trong đồng bào dân tộc. Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, huyện Thuận Châu đã tổ chức hơn 550 hoạt động tuyên truyền, PBGDPL tại các xã, thị trấn, với sự tham gia của gần 6,5 vạn lượt người. Nội dung tuyên truyền chủ yếu về các lĩnh vực pháp luật: hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, đất đai, an toàn vệ sinh lao động, lâm nghiệp, thủy sản, tín ngưỡng tôn giáo, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống ma túy...

Không chỉ dừng lại ở những phương pháp truyền thông tại các hội nghị, trên cơ sở đặc điểm địa bàn và đối tượng tuyên truyền, Hội đồng PBGDPL huyện Thuận Châu còn chú trọng đổi mới hoạt động truyền thông để người dân dễ tiếp cận hơn. Thực tế chỉ ra, đối với đồng bào dân tộc vùng cao, vùng sâu, vùng xa, không thể giảng luật một cách thuần túy, mà phải theo hình thức mưa dầm thấm lâu, truyền thông theo nhóm hoặc được mắt thấy tai nghe, tận mắt chứng kiến. Chỉ khi đó, người dân mới thực sự hiểu và tự giác chấp hành. Do vậy, huyện Thuận Châu đã coi trọng việc phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín để giúp người dân tiếp cận luật. Bên cạnh đó, các nội dung tuyên truyền pháp luật còn được lồng ghép thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao. Đồng chí Bạc Cầm Cảm, Phó Chủ tịch UBND xã Co Mạ cho biết, vì nhiều nguyên nhân, để nhận thức về luật pháp thay thế được thói quen, tập quán của đồng bào dân tộc không phải là vấn đề ngày một, ngày hai. Như việc để bà con không sử dụng các loại súng săn tự chế hoặc không đánh bắt tận diệt thủy sản bằng các loại kích nổ, phóng điện, địa phương không chỉ phối hợp tuyên truyền các quy định của pháp luật, mà phải có sự vào cuộc của lực lượng Công an. Xuống tận xóm, bản tuyên truyền, ký cam kết; có trường hợp phải xử phạt tại chỗ, tịch thu máy móc, phương tiện thì bà con mới dần hiểu và chấp hành đúng quy định.

Tìm hiểu được biết, hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc ở huyện Thuận Châu còn được thực hiện thông qua các mô hình như câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật, thanh niên xung kích phòng, chống tội phạm, thanh niên với pháp luật, hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở, tủ sách pháp luật tại các cơ quan, đơn vị, địa phương...Đặc biệt, huyện cũng quan tâm thực hiện có hiệu quả chính sách về trợ giúp pháp lý. Thông qua các hoạt động phong phú đó đã giúp người nghèo, đồng bào dân tộc có thêm cơ hội được tiếp cận với pháp luật, nâng cao hiểu biết pháp luật, từ đó đảm bảo công bằng xã hội, phòng ngừa vi phạm pháp luật tại các khu dân cư. Tiêu biểu trong các hoạt động này là các xã như: Long Hẹ, Co Tòng, Pá Lông, Co Mạ, Bon Phặng, Mường Bám...

Thực tiễn ở Thuận Châu cũng cho thấy, tuy được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp nhưng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc trên địa bàn cũng đang gặp không ít khó khăn. Địa bàn rộng, giao thông đi lại hạn chế nhất là về mùa mưa lũ; nhận thức của người dân không đồng đều, một bộ phận bà con còn giữ thói quen hành động theo phong tục, tập quán; đội ngũ cán bộ chuyên trách và đội ngũ cộng tác viên tuyên truyền pháp luật còn mỏng; chi phí bảo đảm cho các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn hạn chế...

Thời gian tới, huyện Thuận Châu sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa; thực hiện đổi mới các hình thức tuyên truyền gắn với các hội thi, các hoạt động tuyên truyền lưu động; phát huy vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín ở địa phương; duy trì và nhân rộng các mô hình câu lạc bộ truyền thông pháp luật; tăng cường nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp...

Nhìn một cách tổng thể, với việc thực hiện đa dạng hóa các hình thức hoạt động, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc ở huyện Thuận Châu đã được triển khai sâu rộng đến cơ sở và từng người dân. Hiệu quả của công tác này đã giúp đồng bào dân tộc bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết, nhận thức pháp luật cũng như ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần thực hiện công bằng xã hội, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, phòng ngừa vi phạm pháp luật./.

Như Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực