"Thượng vàng hạ cám" với các loại hóa mỹ phẩm nhập lậu

Thứ hai, 07/06/2021 20:09
(ĐCSVN)) - Với mức sống được nâng cao, ngày càng nhiều chị em, phụ nữ Việt Nam lựa chọn hóa mỹ phẩm nhập khẩu hoặc xách tay đến từ các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Bên cạnh đó cũng xuất hiện nhiều dòng sản phẩm giả trà trộn khiến cho các chị em phải đau đầu trong việc lựa chọn mua mỹ phẩm.

Cẩn trọng với hàng "fake"

Nhu cầu làm đẹp của chị em phụ nữ ngày càng gia tăng, kéo theo sự “nhộn nhịp” của thị trường hóa mỹ phẩm. Một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh chạy theo lợi nhuận, coi thường sức khỏe của người tiêu dùng, vẫn bất chấp nhập lậu, bán hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không những thế còn khiến các doanh nghiệp làm ăn chân chính gặp nhiều khó khăn.

Sự phát triển của ngành mỹ phẩm như hiện nay, các cửa hàng kinh doanh cùng các cá nhân bán hàng online mọc như nấm. Rất nhiều cơ sở kinh doanh mỹ phẩm trái phép đã lợi dụng tên tuổi của thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng để bán hàng kiếm lời bất chính. Không chỉ có vậy, hàng loại mỹ phẩm giả kém chất lượng đội lốt hàng xách tay, xuất khẩu được bày bán tràn lan và công khai ở khắp mọi nơi từ chợ đầu mối, các khu chợ sinh viên rồi đến cửa hàng lớn tại các trung tâm thành phố.

Các mặt hàng hóa mỹ phẩm được bày bán tràn lan không rõ nguồn gốc. Ảnh ND 

Ngoài ra, rất nhiều loại mỹ phẩm đến từ thương hiệu lớn lại không có store chính hãng ở Việt Nam, chính vì thế nguồn hàng mua xách tay tại các cửa hàng bán online hay mua order qua trung gian ngày càng được chị em ưa chuộng. Tuy nhiên mua hàng xách tay lại gặp phải vấn đề đó là nguồn gốc hàng hóa chỉ được khẳng định duy nhất qua lời giới thiệu của người bán. Vậy cũng không có gì chắc chắn sản phẩm được chuyển tới tay bạn là hàng chính hãng.

Khó có thể kiểm soát mỹ phẩm giả trên thị trường

Các mặt hàng hóa mỹ phẩm được nhập lậu qua những phương thức, thủ đoạn ngày càng phức tạp, tinh vi, bằng cách giả mạo giấy tờ để hợp thức hóa hàng hóa. Thực chất hàng hóa này được thu gom từ các nước thứ 3 không đảm bảo chất lượng, thường là hàng thanh lý, tồn kho, sắp hết hạn sử dụng; không có tem nhãn hoặc dùng tem nước ngoài, làm giả tem phụ; đặt tem chống hàng giả giống hệt sản phẩm chính hãng để dán lên sản phẩm, lừa người tiêu dùng. Nguy hiểm hơn, các loại mỹ phẩm giả, nhái thương hiệu phần lớn lại được nhập lậu từ nước ngoài, nên bao bì được in rất sắc nét, khiến người khó có thể phân biệt được sản phẩm thật - giả.

Thực tế cho thấy, dù lực lượng chức năng đã vào cuộc quyết liệt nhưng khó có thể kiểm soát mỹ phẩm giả trên thị trường do nhu cầu sử dụng tăng cao, lợi nhuận bất chính thu về từ việc kinh doanh mặt hàng này rất lớn. Đối với hàng xách tay, nhập lậu, theo lực lượng chức năng, việc đối phó với đối tượng kinh doanh các mặt hàng này không dễ, do sản phẩm được người bán để trong nhà, lực lượng chức năng muốn kiểm tra trường hợp này phải có quyết định khám nơi ở được chủ tịch quận ký. 

Ngoài ra, cái khó với hàng xách tay, nhập lậu là phải làm rõ yếu tố biên giới (bắt hàng tại cửa khẩu, biên giới) mới khởi tố được, còn khi hàng chở về lưu trong kho thì hầu như chỉ xử phạt hành chính. Tuy nhiên, việc xử phạt hành chính cũng gặp không ít khó khăn, bởi người bán hàng xách tay, nhập lậu thường thuê điểm kinh doanh, nên khi ra quyết định xử phạt hành chính thì các cá nhân, tổ chức vi phạm dễ dàng đi trốn.

Lực lượng chức năng kiểm tra các mặt hàng hóa mỹ phẩm có dấu hiệu vi phạm. Ảnh ND

Một nguyên nhân phải kể đến nữa là do một số người tiêu dùng nhẹ dạ, tâm lý chủ quan, cùng thói quen chọn mua hàng giá rẻ, không rõ nguồn gốc, đã vô tình tiếp tay cho những mặt hàng này có cơ hội lộng hành.

Sử dụng mỹ phẩm nhái có thể gây các bệnh nguy hiểm

Các loại mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, được rao bán tràn lan trên thị trường hiện nay. Nhiều người biết rõ rằng, sử dụng các mỹ phẩm không rõ nguồn gốc có thể gây ra những hậu họa khôn lường đối với sức khỏe. Tuy nhiên, với tâm lý ham rẻ, nhiều người tiêu dùng vẫn bất chấp các nguy cơ, vẫn tìm mua các mỹ phẩm trôi nổi trên thị trường. 

Được biết, bạn Nguyễn Thị Hoa, sinh viên trường Đại học Kiến trúc chia sẻ: "Những sản phẩm bán ngoài chợ sinh viên hay trên một số trang thương mại điện tử, chúng em biết là hàng fake nhưng vẫn mua, vì nó phù hợp túi tiền, trong khi giá sản phẩm chính hãng lại rất đắt". 

Bạn Nguyễn Phương Linh, nhân viên công ty chuyên về nhập liệu cũng cho rằng: "Do nhu cầu làm đẹp của các bạn gái khá cao nên việc sử dụng mỹ phẩm là chuyện bình thường, tuy nhiên, để sở hữu một thỏi son Mac mà chỉ có giá 120.000 đồng thì không thể là hàng chính hãng được. Chúng em biết nó là hàng fake,  nhưng thú thật là: Em chỉ quan tâm đến màu son hơn là chất lượng”, Linh nói.

Theo các chuyên gia về mỹ phẩm: Các sản phẩm giá rẻ luôn đi liền với chất lượng sản phẩm kém chất lượng và hậu quả cũng khôn lường từ việc dùng sản phẩm kém chất lượng đó.

Ghi nhận từ nhiều vụ việc “tiền mất tật mang” từ sử dụng mỹ phẩm giá rẻ, bác sỹ (BS) Nguyễn Lan Anh, Bệnh viện Da liễu Hà Nội nhắc nhở: Mỹ phẩm nhái, giá rẻ tuy đẹp nhưng ngược lại nó độc hại vô cùng với da, nhiều chị em đến viện khám da liễu, 100 bệnh nhân có đến 70 người đến điều trị vì dị ứng với mỹ phẩm.

Đồng tình với quan điểm của BS Lan, BS Nguyễn Đức Thắng, khoa Da liễu, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương cảnh báo: Các loại mỹ phẩm đạt chuẩn với những thành phần đã được kiểm định và nghiên cứu sẽ có tác dụng tốt cho người dùng. Không nên dùng các loại mỹ phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, có thể gây biến dạng cũng như tạo ra các bệnh liên quan, rất nguy hiểm cho bản thân. Đồng thời, các chất độc hại có trong mỹ phẩm fake này cũng là nguyên nhân gây ra những căn bệnh về nội tiết tố gan, các bệnh về tim mạch, các bệnh về thần kinh và não, cực kỳ nguy hiểm./.

ND

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực