Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp

Thứ tư, 16/10/2019 16:14
(ĐCSVN) – Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khoá IX), công tác cải cách tư pháp ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần phát triển, bảo vệ đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ngày 16/10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW tổ chức Hội thảo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khoá IX) về chiến lược cải cách tư pháp (CCTP) đến năm 2020; phương hướng, nhiệm vụ CCTP giai đoạn sau năm 2020.

Các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Phan Đình Trạc - Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án; Nguyễn Hòa Bình - Chánh án TAND tối cao, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án chủ trì hội thảo.

 Đồng chí Phan Đình Trạc phát biểu khai mạc hội thảo. (Ảnh: TH)

Phát biểu khai mạc, đồng chí Phan Đình Trạc nhấn mạnh: Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khoá IX) là chủ trương lớn của Đảng, xác định rõ mục tiêu của Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 là: “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam XHCN; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao”, đồng thời đề ra 5 quan điểm, 4 phương hướng và 8 nhiệm vụ cải cách tư pháp.

Qua 15 năm thực hiện nghị quyết, có thể nói công tác cải cách tư pháp của nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần phát triển, bảo vệ đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.

Tuy nhiên, qua khảo sát tại 13 cơ quan, đơn vị ở Trung ương, địa phương và báo cáo tổng kết của các cấp uỷ, tổ chức đảng thì vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cần đánh giá, làm rõ, từ đó đề ra mục tiêu, quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ CCTP trong thời gian tới.

Đồng chí Phan Đình Trạc đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá về ưu điểm, kết quả sau 15 thực hiện Nghị quyết; phân tích hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu giải quyết. Trên cơ sở đó, kiến nghị các phương hướng, nhiệm vụ CCTP giai đoạn 2020-2035 nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay.

Tại hội thảo, các ý kiến của các đại biểu đã nêu bật những kết quả đạt được trong công tác CCTP, nổi bật là thể chế tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp được củng cố và phát triển trên một cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ và vững chắc. Các nguyên tắc đặc thù của tổ chức và hoạt động tư pháp với tư cách là những giá trị văn minh tư pháp nhân loại được áp dụng ở nước ta. Đội ngũ cán bộ tư pháp phát triển mạnh về số lượng và chất lượng, tính chuyên nghiệp ngày càng được nâng cao…

Theo PGS, TS Nguyễn Tất Viễn, nguyên Uỷ viên chuyên trách, Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương, bên cạnh những kết quả đạt được, CCTP còn chậm hơn so với cải cách hành chính. Còn những nhiệm vụ chưa đạt như: Tổ chức toà án theo khu vực, giao Bộ Tư pháp thống nhất quản lý công tác thi hành án; chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát ... hay những vấn đề mới đặt trong bối cảnh công nghệ 4.0, thôi thúc cần tiếp tục thực hiện CCTP sau năm 2020.

PGS, TS Nguyễn Tất Viễn cũng cho rằng, vấn đề liêm chính tư pháp đang được xã hội quan tâm, do vậy cần nghiên cứu đưa vào trong chiến lược CCTP giai đoạn tới; đồng thời  tăng cường vai trò của cơ quan tư pháp trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Sau năm 2020, CCTP cần tiếp tục hướng vào tổ chức hoạt động của TAND; tổ chức lại cơ quan điều tra theo hướng thu gọn đầu mối; xã hội hoá hoạt động thi hành án dân sự (THADS), công chứng, giám định tư pháp; đấu gía tài sản...

 

Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: TH)


PGS,TS Tô Văn Hoà, Chủ nhiệm khoa Hành chính – Nhà nước, Đại học Luật Hà Nội khẳng định cần tiếp tục CCTP để hướng tới nền tư pháp thực hiện vai trò trong xã hội pháp quyền thời bình. Trong đó, cần nâng cao vị trí, vai trò toà án, bảo đảm sự khách quan, độc lập của toà án và quyền con người trong lĩnh vực tư pháp.

GS,TS Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhận định: Nguyên tắc tranh tụng tuy đã được ghi nhận nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc dẫn tới chất lượng xét xử chưa cao, quyền bào chữa của bị can, bị cáo ở một số vụ chưa được thực hiện thực chất; tố tụng hình sự vẫn chưa khắc phục hết tình trạng cắt khúc, chưa tạo ra cơ chế kiểm soát quyền lực lẫn nhau trong hoạt động tố tụng.

“Nội dung Nghị quyết số 49-NQ/TW vẫn còn nguyên giá trị, cần có kết luận để tiếp tục thực hiện trong thời gian trước mắt”, GS, TS  Hoàng Thế Liên đề nghị.

Tuy nhiên, theo GS.TS  Hoàng Thế Liên, do việc thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW liên quan trực tiếp đến cải cách pháp luật, cải cách bộ máy nhà nước nói chung trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN nên lâu dài cần tính đến việc xây dựng một Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN…/.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực