Việt Nam - Đức tăng cường hợp tác đối thoại nhà nước pháp quyền giai đoạn 2022 - 2025

Thứ sáu, 07/10/2022 17:52
(ĐCSVN) - Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Liên bang CHLB Đức mong muốn và hy vọng “Chương trình hợp tác 3 năm giai đoạn 2022 - 2025” sẽ đáp ứng được kỳ vọng của cả hai bên, góp phần mở rộng quan hệ và tăng cường sự hiểu biết giữa Chính phủ và người dân hai nước.

Chiều ngày 7/10, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam Nguyễn Khánh Ngọc và bà Angelika Schlunck, Quốc vụ khanh Bộ Tư pháp Liên bang CHLB Đức đã ký trực tuyến “Chương trình hợp tác 3 năm giai đoạn 2022 – 2025” trong khuôn khổ đối thoại Nhà nước pháp quyền giữa 2 Bộ Tư pháp với sự chứng kiến của ông Chu Tuấn Đức, Phó Đại sứ Việt Nam tại CHLB Đức.

 Toàn cảnh buổi Lễ ký kết. (Ảnh: TH)

Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc vui mừng cho biết, kể từ khi Chính phủ hai nước ký Tuyên bố chung về hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ CHLB Đức năm 2008, Bộ Tư pháp hai nước đã cùng phối hợp với các cơ quan, tổ chức của Việt Nam và CHLB Đức xây dựng và tổ chức thực hiện thành công 4 Chương trình hợp tác 3 năm với nhiều kết quả tích cực. Theo đó, nhiều kinh nghiệm tốt, cách làm hay và cả những khó khăn, thách thức trong công tác pháp luật và tư pháp đã được các cơ quan, tổ chức của Việt Nam và CHLB Đức là các đối tác tham gia Chương trình chia sẻ, thu hút ngày càng nhiều hơn các cơ quan, tổ chức của cả hai phía cùng tham gia, số lượng các hoạt động hợp tác được đề xuất luôn lớn và ngày càng đa dạng.

Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Liên bang CHLB Đức mong muốn và hy vọng “Chương trình hợp tác 3 năm giai đoạn 2022 - 2025” sẽ đáp ứng được kỳ vọng của cả hai bên, góp phần mở rộng quan hệ và tăng cường sự hiểu biết giữa Chính phủ và người dân hai nước.

Kế thừa những kết quả đạt được, “Chương trình hợp tác 3 năm giai đoạn 2022 - 2025” được xây dựng trên cơ sở đồng thuận giữa hai bên với nhiều điểm mới phù hợp với nhu cầu, chức năng nhiệm vụ của các đối tác tham gia Chương trình. Nội dung của hoạt động tập trung vào trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực thi pháp luật trong một số lĩnh vực chính như: pháp luật hình sự, dân sự; pháp luật tố tụng hình sự, dân sự; pháp luật kinh tế, hành chính; thực thi một số điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế; hợp tác đào tạo, tập huấn./.

TH

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực