Xử lý tài sản bảo đảm theo hướng hiệu quả, thống nhất, ít rủi ro

Thứ sáu, 23/10/2020 00:46
(ĐCSVN) - Xử lý tài sản bảo đảm đang là vấn đề rất lớn và cần tìm ra giải pháp để xử lý mà không xung đột với các văn bản pháp luật khác, cũng như tạo điều kiện thuận lợi, ít rủi ro, đồng thời có sự đồng bộ với các quy định của pháp luật…

Ngày 22/10, tại Hà Nội,  Bộ Tư pháp phối hợp với Dự án Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Tọa đàm lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, Tọa đàm này rất có ý nghĩa để xây dựng Nghị định mới nhằm thay thế Nghị định 163/2006/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự về việc xác lập, thực hiện giao dịch bảo đảm để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự và xử lý tài sản bảo đảm.

 Thứ trưởng cho hay, để có thể xây dựng các chính sách trình Chính phủ, trong năm 2018-2019, Bộ Tư pháp đã cùng với các bộ, ngành, địa phương tổng kết việc thi hành Nghị định số 163, cũng như đánh giá, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và quy định mới của Bộ luật dân sự năm 2015. Trên cơ sở đó Bộ Tư pháp đã đề xuất các chính sách lớn để xây dựng dự thảo Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đó là các chính sách: hoàn thiện cơ chế pháp lý về xác định bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm; tài sản dùng để bảo đảm; xác lập, thực hiện giao dịch bảo đảm, biện pháp bảo đảm; xử lý tài sản bảo đảm theo hướng thuận lợi, hiệu quả, thống nhất, ít rủi ro và tác động tiêu cực.

Tọa đàm lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

Ảnh: TH.

Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, xử lý tài sản bảo đảm đang là vấn đề rất lớn và cần tìm ra giải pháp để xử lý mà không xung đột với các văn bản pháp luật khác, cũng như tạo điều kiện thuận lợi, ít rủi ro, đồng thời có sự đồng bộ với các quy định của pháp luật, tháo gỡ được các khó khăn, phù hợp với các chính sách đã được Chính phủ thông qua.

Dự thảo Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hiện nay đã được lấy ý kiến của các Bộ, ngành, cơ quan và đã đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp để lấy ý kiến rộng rãi.

Đại diện Dự án JICA, ông Yokomaku Kosuke, Cố vấn trưởng Dự án đánh giá cao Ban soạn thảo, Tổ biên tập trong việc xây dựng dự thảo Nghị định - đây là nhiệm vụ cấp bách đối với Bộ Tư pháp cũng như Việt Nam. Theo ông, trong tình hình phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, vấn đề vốn đối với các doanh nghiệp và khối tư nhân ngày càng lớn, do vậy việc sửa đổi Nghị định lần này là cơ sở quan trọng giúp mở nút thắt trong thị trường vốn và tạo điều kiện phát triển các hoạt động kinh doanh ở Việt Nam.

Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung phân tích, thảo luận nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong quá trình xây dựng dự thảo. Trên cơ sở đó, kiến nghị các vấn đề cần được hoàn thiện trong quy định xử lý tài sản bảo đảm và những vấn đề khác có liên quan…/.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực