Hiệu quả từ chủ trương khám chữa bệnh từ xa, tiết kiệm chi phí

Chủ nhật, 20/12/2020 16:03
(ĐCSVN) - Chương trình tư vấn khám chữa bệnh từ xa là hình thức tư vấn trực tuyến cho tuyến dưới về trường hợp bệnh nhân cụ thể nhưng cũng là hình thức hỗ trợ, bổ sung kiến thức cho tuyến dưới. Đây là một chủ trương rất lớn của Bộ Y tế.
 Ảnh minh họa (Nguồn: T.P)

Đi đầu trong thực hiện chủ trương phải kể đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương (BVNTTW), được biết đến là một trong những bệnh viện đầu tiên trong cả nước triển khai, thực hiện Đề án “Khám chữa bệnh từ xa, giai đoạn 2020-2025” của Bộ Y tế. Trong 4 tháng qua, vào chiều thứ 4 hằng tuần, Trung tâm Khám chữa bệnh từ xa (KCBTX) - BVNTTW kết nối với các điểm cầu để hội chẩn, cập nhật kiến thức chuyên môn cho đội ngũ các y bác sĩ tuyến cơ  sở. Theo đó, tính đến nay đã thực hiện thành công 20 buổi hội chẩn, cập nhật kiến thức chuyên môn cho đội ngũ các y bác sĩ từ các điểm cầu cơ sở.

TS.BS.Phan Hướng Dương  - Phó giám đốc BVNTTW  cho biết: Chương trình tư vấn khám chữa bệnh từ xa là hình thức tư vấn cho tuyến dưới về trường hợp bệnh nhân cụ thể nhưng cũng là hình thức hỗ trợ, bổ sung kiến thức cho tuyến dưới. Đây là một chủ trương rất lớn của Bộ Y tế.

Chương trình này nhằm mục đích: trực tiếp cùng tuyến dưới hội chẩn khẩn cấp trong những ca bệnh nặng hoặc trong những trường hợp đang điều trị gặp phải  vấn đề mà tuyến dưới chưa xử lý được. Như vậy chương trình  mang lại rất nhiều lợi ích cùng lúc. Đó là, người bệnh ở tuyến dưới không cần thiết phải lên tuyến trên mà sẽ được tư vấn trực tuyến qua chương  trình  khám chữa bệnh từ xa trong những tình huống cụ thể và sẽ được xử  lý ngay tại hỗ.

Qua chương trình này sẽ kết hợp đào tạo từ xa cho các đồng nghiệp ở tuyến dưới rất hiệu quả. Thực tế các bác sĩ, nhân viên y tế ở tuyến dưới rất khó để cùng một lúc lên được tuyến trên để học các kỹ thuật cao. Nhưng qua chương trình khám chữa bệnh trực tuyến này, qua các chương trình giảng dạy từ tình huống cụ thể, kết hợp với hình ảnh và video… thì bệnh viện tuyến trên sẽ chuyển tải kiến thức, kinh nghiệm điều trị cũng như giải đáp thắc mắc của đồng nghiệp tuyến dưới.

Bên cạnh đó, chương trình giáo dục từ xa không giới hạn số lượng bác sĩ hoặc bệnh viện tuyến dưới. Cùng một buổi trực tuyến thì hàng chục, hàng trăm đầu cầu có thể tham gia. Đây là một lợi thế rất lớn của đào tạo trực tuyến so với đào tạo trực  tiếp. Bởi nếu đào tạo trực tiếp thì chỉ có một nhóm nhân viên y tế tham gia học tập được và cần có kinh phí lớn (chi phí đi lại, ăn ở  cho các học viên…).

Ngoài ra, với cùng một ca bệnh khó nhưng hàng chục các bệnh viện khác có thể tham gia học hỏi kinh nghiệm. Điều này mang lại ý nghĩa rất lớn trong thực tiễn hành nghề của người thầy thuốc cũng như nâng cao công tác khám chữa bệnh của tuyến dưới.

Vì thế, theo TS.Phan Hướng Dương, đây là một chương trình mang lại hiệu quả kép, với chi phí mà lợi ích thu được thì rất lớn.

Tỉnh Đồng Nai hiện cũng có gần 20 cơ sở y tế thực hiện kết nối khám, chữa bệnh từ xa với các bệnh viện tuyến trung ương và các bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội, TP.HCM. Việc kết nối khám, chữa bệnh từ xa đem lại nhiều ích lợi cho đội ngũ y, bác sĩ, cơ sở y tế, đặc biệt là bệnh nhân. Nhiều ca bệnh phức tạp đã được các bác sĩ hội chẩn thống nhất phương án điều trị và cứu sống bệnh nhân kịp thời, không phải chuyển lên tuyến trên, tiết kiệm được thời gian, chi phí, công sức.

Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Đặng Hà Hữu Phước cho biết, bệnh viện thường xuyên hội chẩn từ xa với các bệnh viện tuyến trên để đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất cho người bệnh, đặc biệt ở lĩnh vực can thiệp tim mạch, ngoại khoa.

Mới đây, khi lần đầu tiên tiếp nhận 3 trường hợp bị ngộ độc Botulinum do ăn pate Minh Chay, bệnh viện đã nhiều lần hội chẩn với các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện 115, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Tại mỗi cuộc hội chẩn, sau khi bệnh viện thông tin về tình hình sức khỏe của bệnh nhân, kết quả các xét nghiệm…, các bác sĩ bệnh viện tuyến trên sẽ cùng thảo luận và đưa ra những hướng giải quyết, xử lý nhằm điều trị tốt nhất cho người bệnh. Qua hội chẩn, Bệnh viện Bạch Mai đã chuyển cho Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai một lọ thuốc kháng độc tố Botulinum để điều trị cho bệnh nhân N.T.T. (ngụ TT.Hiệp Phước, H.Nhơn Trạch - bệnh nhân bị ngộ độc mức độ nặng nhất trong 3 bệnh nhân). Bên cạnh đó, thực hiện điều trị rối loạn tri giác khả năng, tập vật lý trị liệu, ngưng thuốc kháng sinh với bệnh nhân này. Đến nay, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc được, cải thiện hoàn toàn về sụp mi và vận nhãn, giơ được cẳng tay, vận động được bàn tay và ngón tay, cử động được bàn chân và ngón chân, có thể sẽ cai máy thở trong những ngày tới.

Đối với 2 bệnh nhân còn lại, sau khi hội chẩn với các bác sĩ của các bệnh viện tuyến trên, bệnh viện cũng tiến hành rút ống nội khí quản, tập vật lý trị liệu, theo dõi xác định các cơ động kinh thật sự, nếu có thì xem xét chọc dò dịch não tủy, tiến hành xét nghiệm, chụp X- quang…

Theo BS Toàn, quá trình làm việc tại bệnh viện, những ca nào mà bác sĩ có hướng xử trí chắc chắn thành công thì  không cần hội chẩn với các bác sĩ ở tuyến trên. Những ca nào các bác sĩ tuyến dưới còn lấn cấn trong hướng xử trí hoặc bệnh lý bệnh nhân mắc phải không có trong phác đồ điều trị thì sẽ tiến hành hội chẩn với các bác sĩ tuyến trên. “Việc tham vấn những người có kinh nghiệm hơn mình để đưa ra hướng xử lý giúp bác sĩ tuyến dưới an tâm, mạnh dạn thực hiện” - BS Toàn nói.

Được biết, mục tiêu của đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025 là mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh; hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến trung ương; giúp người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, góp phần phòng chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân.

 

 

Như Ý
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực