|
Thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. (Ảnh: Hoàng Tuấn). |
Thông tin tại Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển kinh tế xanh - lý luận và thực tiễn” diễn ra mới đây, đại diện thành phố Nam Định cho biết: Thành phố hiện có diện tích 46,4 km2, dân số trên 28 vạn người, có 22 phường và 3 xã ngoại thành. Sau khi huyện Mỹ Lộc sáp nhập vào và hoàn thành “Đề án nhập huyện Mỹ Lộc vào thành phố Nam Định và thành lập, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc thành phố Nam Định”, thành phố Nam Định sẽ có diện tích hơn 120 km2, dân số trên 36 vạn người, có 14 phường và 7 xã.
Trong những năm vừa qua, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố đã và đang tập trung triển khai xây dựng các công trình trọng điểm trên địa bàn như: dự án “Xây dựng cầu qua sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi” và dự án “Xây dựng đường trục phía Nam thành phố (đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến quốc lộ 21B)”, kết nối thành phố Nam Định với tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển. Khi các dự án này hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống mạng lưới giao thông của tỉnh và thành phố Nam Định, tháo gỡ điểm nghẽn về giao thông đường bộ; là cửa ngõ, tăng khả năng kết nối giữa thành phố Nam Định và các huyện phía nam; tạo tiền đề cho việc khai thác và sử dụng có hiệu quả quỹ đất, tài nguyên tại khu vực dự án đi qua, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thu hút đầu tư, phát triển đô thị, từng bước hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 18/6/2021 của Tỉnh ủy về tập trung xây dựng, phát triển thành phố Nam Định giai đoạn 2021 - 2025.
Đặc biệt, với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự đồng thuận của nhân dân, thành phố đã hoàn thành các nhiệm vụ liên quan đến “Đề án nhập huyện Mỹ Lộc vào thành phố Nam Định và thành lập, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc thành phố Nam Định” là tiền đề cho mở rộng phát triển không gian thành phố Nam Định, tạo động lực thu hút đầu tư tiếp tục phát triển thành phố.
Bên cạnh đó, thành phố đã tập trung cải tạo, chỉnh trang đô thị như cải tạo, nâng cấp đường, hè phố, các vòng xuyến giao thông, cảnh quan các tuyến phố, các vườn hoa, công viên...; tập trung nạo vét, cải tạo các tuyến cống chính trên địa bàn đã góp phần nâng cao năng lực thoát nước tại các tuyến đường, giải quyết nhiều điểm ngập, úng cục bộ tồn tại từ lâu.
Việc hoàn thành các dự án trên đã góp phần bảo đảm và nâng cao các tiêu chí xanh - sạch - đẹp trên địa bàn thành phố Nam Định đã được Hiệp hội các đô thị Việt Nam công nhận.
Công tác quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng được thành phố quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Thành phố và các phường, xã thường xuyên tổ chức ra quân lập lại trật tự an toàn giao thông và trật tự đô thị.
Nhiều phong trào thi đua xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp được phát động như: phong trào thi đua “Đô thị xanh - sạch - đẹp gắn với tăng trưởng xanh”; Vận động nhân dân xuống đường tổng vệ sinh, dọn dẹp môi trường vào chủ nhật hằng tuần; Ban hành Kế hoạch phát động phong trào thi đua năm 2024 với chủ đề “Đô thị xanh - thông minh - bền vững”. Việc bảo vệ môi trường gắn liền với hoạt động hằng ngày như: hạn chế việc sử dụng túi nilong khó phân hủy, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, có lối sống xanh.
Các hoạt động tuyên truyền, vận động thực hiện hương ước, quy ước gắn với thực hiện nếp sống văn minh đô thị được tổ chức thường xuyên và nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ nhất trí cao của cộng đồng. Hằng năm, có trên 90% hộ gia đình trên địa bàn thành phố được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, trên 60% các tổ dân phố, thôn, xóm được công nhận danh hiệu “Tổ dân phố, thôn, xóm văn hóa”. Năm 2023, thành phố Nam Định được Hiệp hội các đô thị Việt Nam khen thưởng, tặng danh hiệu “Đô thị xuất sắc trong phong trào thi đua xây dựng đô thị xanh - sạch - đẹp”.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển đô thị xanh của cả nước nói chung và thành phố Nam Định nói riêng còn nhiều vấn đề đặt ra cần phải giải quyết như: hệ thống pháp luật đang trong quá trình tiếp tục xây dựng và hoàn thiện, nên việc cập nhật và bổ sung các quy định làm căn cứ cho việc triển khai đầu tư đô thị theo hướng xanh và bền vững còn chưa đồng bộ. Hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn cho công tác quy hoạch, xây dựng và các tiêu chí đánh giá công nhận một dự án xanh còn chưa rõ ràng.
Ngoài ra, thành phố Nam Định có diện tích nhỏ, hẹp do đó việc bố trí quỹ đất để xây dựng các công trình xanh còn hạn chế. Phát triển đô thị xanh và bền vững đòi hỏi nguồn đầu tư lớn trong bối cảnh ngân sách địa phương còn hạn hẹp. Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và những thách thức về bảo đảm an ninh năng lượng và nguồn nước dẫn đến lộ trình phát triển đô thị xanh và bền vững trong bối cảnh hiện nay đặt ra nhiều khó khăn và thách thức…
Để phát triển thành phố Nam Định tiến tới đô thị xanh, một số giải pháp đã được các đại biểu tham dự đề xuất tại Hội thảo. Theo đó, cần hoàn thành rà soát, điều chỉnh các định hướng chiến lược về quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị. Nhất quán quan điểm phát triển đô thị xanh, thông minh, hài hoà với không gian từ khâu tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch; các quy hoạch phải bảo đảm hài hòa hiệu quả kinh tế - sinh thái, tôn trọng địa hình cảnh quan tự nhiên, thân thiện môi trường; bảo đảm sự phát triển bền vững của hệ sinh thái trong đô thị với nhiều không gian cây xanh, mặt nước, vành đai xanh và bảo đảm các khu vực chức năng thỏa mãn các tiêu chí về chất lượng môi trường. Xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật xã hội đô thị như: cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, rác thải, cung cấp năng lượng, viễn thông, mạng lưới giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao bảo đảm hài hòa tạo không gian xanh đô thị.
Lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển đô thị được định hướng và quy định trong các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu xây dựng đô thị và các quy hoạch chi tiết của các dự án, thiết kế công trình và quy chế quản lý kiến trúc đô thị, được công bố công khai để tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và người dân nắm bắt, thực hiện.
Xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng (hạ tầng xã hội và kỹ thuật) các đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, hướng tới tiêu chí đô thị xanh, đô thị văn minh. Sử dụng các yếu tố xanh, tự nhiên và nhân tạo phục vụ hạ tầng đô thị, kết hợp cải thiện về khí hậu, giảm hiện tượng ngập úng trong đô thị. Nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Xây dựng bộ máy chính quyền đô thị vững mạnh. Quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng yêu cầu công tác quy hoạch, quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch, có nhận thức đầy đủ về phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh, giàu bản sắc.
Công bố, công khai các đồ án quy hoạch; chương trình phát triển đô thị nhằm phát huy vai trò tham gia quản lý, giám sát của nhân dân đối với việc thực hiện quy hoạch, các hoạt động xây dựng, phát triển đô thị. Tăng cường công tác kiểm tra,thanh tra, giám sát và xử lý các vi phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng, việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở, hạ tầng đô thị.
Thu hút đầu tư, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho phát triển đô thị; nâng cao năng lực quản lý đô thị; đổi mới, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về chủ trương của Đảng, nghị quyết, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị xanh thân thiện với môi trường, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, bảo vệ môi trường, thu hút các nhà đầu tư tham gia xây dựng và phát triển đô thị xanh…/.