Bình tĩnh cũng là chống dịch

Thứ ba, 01/06/2021 08:00
(ĐCSVN) - Trưa ngày 30/5, sau khi TP Hồ Chí Minh thông báo quyết định thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 từ 0h ngày 31/5, riêng Q.Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (Q.12) bị phong tỏa 15 ngày theo chỉ thị 16, nhiều người dân đã ùn ùn đổ về các chợ và hệ thống siêu thị để mua thực phẩm và đồ dùng tích trữ đã làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
leftcenterrightdel
 Người dân TP.Hồ Chí Minh chen chân đi mua thực phẩm dự trữ trước giờ giãn cách.
(Ảnh: Vũ Phượng)

 Mặc dù TP Hồ Chí Minh đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa thiết yếu trong thời gian dài, song tâm lý lo lắng, muốn tích trữ thực phẩm vẫn khiến nhiều người dân bất chấp nguy cơ dịch bệnh đổ xô đi mua sắm.

Theo ghi nhận, những cửa hàng thực phẩm tươi sống, siêu thị nằm trong khu dân cư đông đúc bị quá tải khi phục vụ khách đến mua sắm. Tại các siêu thị này, nhiều kệ hàng hóa trống trơn, nhất là các tủ thịt, mì gói, trứng, rau củ.... Các siêu thị đã liên tục đẩy hàng hóa lên kệ, tăng cường nhân viên để đảm bảo sản phẩm luôn dồi dào, phục vụ đầy đủ nhu cầu mua sắm của người dân.

Cũng trong sáng 30/5, nhiều hệ thống bán lẻ, trang thương mại điện tử ghi nhận lượng đơn hàng đặt qua mạng tăng đột biến, chủ yếu là các nhu yếu phẩm. Nhiều người mua hàng phản ánh đã cố gắng hoàn thành đơn hàng ở một số siêu thị có bán hàng trên mạng, nhưng không thành công do hệ thống liên tục cập nhật tình trạng quá tải.

Chiều ngày 30/5, tại các siêu thị thuộc Q.Gò Vấp như Emart (P.5), siêu thị Lotte Mart (P.10) Q.Gò Vấp, từ ngoài cổng, người dân than vãn vì không tìm thấy chỗ trống để xe vào, nhiều người hối hả đi vào siêu thị vì sợ hết hàng hóa cần mua. Các siêu thị liên tục phát loa yêu cầu khách hàng thực hiện các quy định về phòng dịch, giữ khoảng cách an toàn.

Tại chợ Phú Lâm (Q.6), người đến chợ vào buổi chiều đông đúc, khác hẳn với nhiều buổi chợ chiều trước đây. Tại các chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), Chợ Căn cứ (Q.Gò Vấp), chợ Tân Định (Q.1)... cũng nhộn nhịp chợ chiều ngày 30/5.

TP Hồ Chí Minh yêu cầu người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang

leftcenterrightdel
 Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình chủ trì cuộc họp khẩn về COVID-19 tại
TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh: Minh Tâm)

Ngay trong chiều 30/5, trước sức mua gia tăng ở các chợ, siêu thị ở nhiều địa phương trong TP, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh đã ra thông báo khuyến cáo người dân không nên đổ xô đi mua sắm lúc này. Bởi hàng hóa, nhu yếu phẩm không thiếu, và siêu thị, chợ, cửa hàng điện máy vẫn hoạt động kể cả khi giãn cách xã hội; tại các khu vực phong tỏa như Q.Gò Vấp, P.Thạnh Lộc (Q.12) vẫn có cửa hàng bình ổn để phục vụ mọi người. Vì vậy, người dân không cần quá lo lắng đổ xô đi mua hàng hóa, tích trữ dẫn đến chen chúc, không tuân thủ các quy định chống dịch.

Theo thông báo của Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh, mỗi ngày có khoảng 8.000 tấn rau củ quả được nhập và tiêu thụ tại ba chợ đầu mối, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu tiêu dùng của người dân TP Hồ Chí Minh. Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và các doanh nghiệp phân phối lớn đảm nhiệm 30% còn lại.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị đã có kịch bản, kế hoạch đảm bảo hàng hóa phục vụ người dân trong mùa dịch. Cụ thể, các doanh nghiệp bình ổn đảm bảo nguồn hàng cung ứng trước và trong mùa dịch với lượng hàng cao gấp 2-3 lần so với bình thường. Hiện nay, các mặt hàng nhu yếu phẩm và các mặt hàng thực phẩm tại chợ đầu mối, siêu thị khá dồi dào; giá các mặt hàng thiết yếu còn đang giảm trong những ngày gần đây, vì vậy người dân yên tâm mua sắm, tránh tập trung đông người để đảm bảo công tác phòng chống dịch.

"Trước diễn biến mới của dịch COVID-19, người dân lo lắng là đúng nhưng không nên hoảng sợ, hoang mang quá mức. Đặc biệt, người dân không nên đổ xô đi mua hàng tích trữ, bởi hàng hóa hiện đang rất dồi dào. Việc người dân tụ tập đông người trong các siêu thị, trung tâm thương mại đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh và vi phạm quy định phòng dịch", ông Bùi Tà Hoàng Vũ nói.

Đại diện hệ thống các siêu thị Central Retail, Lottemart, Co.opmart khẳng định, với tinh thần cung ứng nhu yếu phẩm mùa dịch, các hệ thống có thể điều chuyển hàng hóa liên tục, đáp ứng nhu cầu của người dân trong giai đoạn cao điểm. Hàng hóa luôn tăng gấp đôi, thậm chí gấp 4 lần so với ngày thường. Lượng hàng dự trữ cũng đủ cho 4 tháng tới.

Bình tĩnh hơn cũng là chống dịch

Không chạy theo tâm lý hoang mang của đại đa số người dân, nhiều khách hàng cũng trấn an nhau rằng rút kinh nghiệm từ những đợt bùng phát dịch COVID-19  trước, người dân không cần tích trữ hàng hóa, đổ xô chen chúc nhau. 

Anh Hoàng Minh (P.10, Q.Gò Vấp) cho biết: “Biết thông tin Q.Gò Vấp sẽ áp dụng lệnh phong tỏa nhưng các siêu thị, cửa hàng thiết yếu không đóng cửa nên tôi và gia đình vẫn bình tĩnh sinh hoạt như hằng ngày, không cần phải lo lắng”.

Chị Đặng Thùy Trang, 30 tuổi, (Q.Gò Vấp) nói: “Bình tĩnh cũng là chống dịch. Vài ngày gần đây, cập nhật thông tin về ca nhiễm ngày càng tăng, nhiều nhất ở Q.Gò Vấp, nơi gia đình tôi đang ở, chúng tôi cũng rất lo sợ, tuy nhiên ngay sau đó trấn an nhau, thực hiện tốt 5K của Bộ Y tế. Do đó, sáng nay khi nhận thông báo về giãn cách toàn TP. Hồ Chí Minh theo chỉ thị 15, đặc biệt là phong tỏa Q. Gò Vấp, gia đình tôi vẫn bình tĩnh, kiên quyết không đổ xô đi siêu thị mua nhu yếu phẩm tích trữ nhằm đảm bảo cho chính mình và cả người xung quanh. Hiện tại, gia đình vẫn đang có đủ đồ ăn và cũng không có ý định tích trữ vì chúng tôi tin TP sẽ có phương án đảm bảo cuộc sống của người dân, sớm kiểm soát được ổ dịch, mọi thứ sẽ sớm trở về như cũ", chị Trang nói.

Anh Nguyễn Huy Long (Q.4) cũng cho rằng, hiện ổ dịch ở khắp nơi, chúng ta ngoài việc tuân thủ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế, cách tốt nhất để TP. Hồ Chí minh dập dịch là người dân hạn chế ra đường. Đây cũng là cách tối ưu để hạn chế nguy cơ lây nhiễm. "Tôi ủng hộ việc giãn cách của lãnh đạo thành phố", Anh Long cho biết thêm.

Kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện ở Việt Nam và lệnh giãn cách xã hội cũng đã được nhiều địa phương áp dụng để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, cùng với việc thực hiện lệnh giãn cách, chính phủ luôn yêu cầu người dân đề cao tinh thần cảnh giác, phòng chống dịch bệnh nhưng trên hết phải giữ được sự bình tĩnh, tránh lo âu, hoảng sợ. Và việc đơn giản nhất, là không nên đổ xô đi mua lương thực thực phẩm để tích trữ với tâm lý là giãn cách toàn thành phố thì không thể đi mua được đồ ăn.

Bởi lẽ, việc tập trung đông người tại một không gia chật hẹp sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Bình tĩnh trước mọi hoàn cảnh, không chỉ giúp chúng ta sáng suốt hơn, tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch tốt hơn mà còn là biểu hiện của tinh thần trách nhiệm, góp sức cùng toàn xã hội trong công cuộc đẩy lùi dịch bệnh.

Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 31/3/2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Chỉ thị 16 quy định địa phương thực hiện theo nguyên tắc: gia đình cách ly với gia đình; thôn bản cách ly với thôn bản; xã cách ly với xã; huyện cách ly với huyện; tỉnh cách ly với tỉnh; phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn; đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.

Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động...

Ngoài ra, người dân cần thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.

Chỉ thị 16 yêu cầu người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở mình, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động.

-------------

Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng ký ngày 27/3/2020 về việc quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo áp dụng biện pháp hạn chế tụ tập đông người (TP. Hồ Chí Minh đã áp dụng nhiều nội dung trong các văn bản chỉ đạo gần đây). Cụ thể như sau:

Dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng.

Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng.

Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cơ sở kinh doanh, dịch vụ cần đóng cửa.

Hạn chế việc di chuyển của người dân, nhất là từ các tỉnh, thành phố có dịch đến các địa phương khác. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo hạn chế các chuyến bay và các hoạt động vận chuyển hành khách từ TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đến các nơi khác trên toàn quốc. Tạm dừng hoặc tổ chức lại hoạt động giao thông công cộng để hạn chế đi lại, tập trung đông người trừ các phương tiện vận chuyển hàng hóa.

 Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ./.

Lan Chi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực