Chủ động thích ứng linh hoạt trong phòng chống COVID

Thứ năm, 21/10/2021 13:57
(ĐCSVN) - Báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế nhận định, trong bối cảnh dịch COVID-19 lần thứ 4 tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động kinh tế xã hội, an sinh, phúc lợi xã hội, sức khỏe, thể chất và tinh thần của người dân, bức tranh kinh tế xã hội vẫn có một số điểm sáng, nổi bật như kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh  

Trong báo cáo thẩm tra của Quốc hội về  thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội đã đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong phòng chống dịch và một số điểm sáng, nổi bật trong điều hành kinh tế vĩ mô năm 2021 của Chính phủ. Các báo cáo thẩm tra cũng thẳng thắn phân tích những khó khăn, thách thức, đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề để vừa chủ động thích ứng linh hoạt trong phòng chống Covid, vừa thực hiện phục hồi, phát triển kinh tế xã hội. 

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế nhận định, trong bối cảnh dịch COVID-19 lần thứ 4 tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động kinh tế xã hội, an sinh, phúc lợi xã hội, sức khỏe, thể chất và tinh thần của người dân, bức tranh kinh tế xã hội vẫn có một số điểm sáng, nổi bật như kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Công tác quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; các hoạt động đối ngoại song phương và đa phương, cấp cao được triển khai chủ động, kịp thời, hiệu quả; "ngoại giao vắc-xin" tiếp tục đạt kết quả tích cực.

Đến nay, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc; kịch bản ứng phó đối với từng mức độ diễn biến của dịch bệnh được ban hành và bắt đầu chuyển sang giai đoạn thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh với mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đưa đất nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể.

Báo cáo thẩm tra đề nghị, Chính phủ cần lưu tâm, đánh giá kỹ thêm một số vấn đề, đặc biệt là tình trạng lơ là, chủ quan, sợ chịu trách nhiệm ở một số nơi. Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh: Chiến lược ứng phó dịch bệnh gắn với hỗ trợ, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế ở cấp độ quốc gia và địa phương còn hạn chế; chưa chuẩn bị đầy đủ năng lực cho kịch bản dịch bùng phát nhanh, quy mô lớn. Một số chính sách ban hành, thực hiện chưa tương xứng với tính chất phức tạp, dài hạn và quy mô tác động lớn của dịch COVID-19, tiếp cận chính sách còn khó khăn, tỷ lệ giải ngân một số gói hỗ trợ đạt thấp; còn hạn chế, bất cập và chưa kịp thời với một số đối tượng. Các gói hỗ trợ về tài khóa và tiền tệ từ năm 2020 tới nay ước đạt khoảng 4% GDP; cần báo cáo bổ sung đầy đủ hơn các nguồn lực từ ngân sách trung ương, các khoản đóng góp xã hội khác cho công tác phòng, chống dịch để phân tích, đánh giá kỹ hơn quy mô, mức độ phù hợp của các gói hỗ trợ, làm cơ sở hoạch định chính sách cho giai đoạn tới.

Cho rằng, trong bối cảnh dịch COVID-19 khó có thể kiểm soát và chấm dứt được hoàn toàn, báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế nhấn mạnh, Chính phủ cần kiểm soát dịch bệnh gắn với duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh để xây dựng các phương án, kịch bản phù hợp, khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới; không chủ quan, nóng vội nhưng cũng không để lỡ nhịp trong xu hướng hồi phục của kinh tế thế giới.

Báo cáo thẩm tra của Quốc hội về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội  đánh giá cao Chính phủ đã chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt, chủ động, khẩn trương, kịp thời ban hành trên 100 văn bản chỉ đạo, điều hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch.

Bà Nguyễn Thuý Anh, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo ngành y tế, phối với các bộ, ngành khác để triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo có đủ nguồn vaccine tiêm cho nhân dân trong điều kiện nguồn cung cấp vaccine rất khan hiếm. Tuy nhiên, việc ứng phó với đợt dịch lần thứ 4 bộc lộ những hạn chế của hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, y tế dự phòng. Ngoài ra, công tác đánh giá nguy cơ, dự báo tình hình dịch bệnh chưa sát; chưa thực hiện nguyên tắc cách ly tạm thời ngay từ đầu để làm xét nghiệm rộng, căn cứ vào kết quả xét nghiệm để thu hẹp phạm vi cách ly; việc tổ chức thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch còn lúng túng, có lúc, có nơi còn chưa kịp thời.

Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Xã hội của Quốc hội cũng đã kiến nghị Quốc hội xem xét, đưa vào Nghị quyết Kỳ họp Quốc hội hoặc Nghị quyết về kinh tế - xã hội giao Chính phủ thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời đề nghị Chính phủ 12 vấn đề cụ thể, trong đó cần đẩy mạnh rà soát, sửa đổi các văn bản, quy định về phòng, chống dịch đảm bảo chặt chẽ, khả thi, thống nhất, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn, phát huy hiệu lực, hiệu quả; khẩn trương ban hành Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế để thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh; nâng cao năng lực dự báo, kịp thời ban hành hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, ứng phó với dịch Covid-19 trong phạm vi phụ trách; có biện pháp để bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính; đánh giá hiệu quả của các gói hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 để có giải pháp trong những năm tiếp theo; tiếp tục kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội cho người dân tại các địa phương.

Tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ./.
PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực