Sàn thương mại điện tử - hướng đi hiệu quả cho nông sản thời COVID-19

Thứ sáu, 04/06/2021 16:12
(ĐCSVN) – Từ đầu năm đến nay, tình hình tiêu thụ nông sản tại nhiều địa phương gặp khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Để tìm đầu ra cho sản phẩm, sàn thương mại điện tử được coi là hướng đi hiệu quả cho nông sản thời COVID-19.

Vấn đề này được nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ vướng mắc kỹ thuật thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 được tổ chức ngày 3/6, do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam chủ trì.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, tháo gỡ vướng mắc kỹ thuật thúc đẩy tiêu thụ nông sản là nhiệm vụ trọng tâm của ngành để thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ vừa chống dịch COVID-19 vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, các đơn vị thuộc bộ tiếp tục duy trì và phát triển các liên kết chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với nông dân thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác. Phối hợp theo ngành dọc với các địa phương trong bảo đảm sản xuất an toàn dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm. Tăng cường triển khai các quy trình, thủ tục theo hình thức trực tuyến, khai báo điện tử để vừa đẩy nhanh tiến độ, giảm chi phí cho doanh nghiệp, vừa bảo đảm yêu cầu hiệu quả phòng chống dịch bệnh COVID-19.

 Nông sản Sơn La được bán trên sàn thương mại điện tử Shopee (Ảnh chụp màn hình: KG)

Nhận thấy những ưu điểm của hướng đi này, tỉnh Sơn La đã nhanh chóng triển khai việc đưa nông sản lên sàn điện tử, nhằm tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ cho người nông dân; khẳng định chất lượng, thương hiệu sản phẩm trái cây Sơn La, góp phần quảng bá, đẩy mạnh kích cầu tiêu thụ nông sản trong thời gian phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Theo đó, tỉnh Sơn La đã phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương và các đơn vị chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu, như: Công ty cổ phần nông sản xuất khẩu Đồng Giao; Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam; đại diện sàn thương mại điện tử Shopee tổ chức bàn giao sản phẩm xoài Sơn La theo thỏa thuận tiêu thụ với các đơn vị chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu và thương mại điện tử năm 2021. Đồng thời, mận hậu và xoài tròn Yên Châu của tỉnh Sơn La đã chính thức lên sàn thương mại điện tử Shopee, được phân phối tại thị trường Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Các sản phẩm lên sàn đều được Cục Xúc tiến thương mại hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, gắn tem nhãn.

Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vnpost) triển khai Chương trình hỗ trợ bà con nông dân, chủ trang trại trên cả nước bán nông sản hàng hóa, nông sản thực phẩm an toàn theo hình thức trực tuyến (livestream). Hiện, Bưu điện Việt Nam đã phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại và chính quyền địa phương đẩy mạnh tập huấn chuyển giao các kĩ năng giúp doanh nghiệp, HTX, nông dân Sơn La đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử; hỗ trợ và ưu đãi cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực logistic, vận chuyển hàng hóa từ tỉnh Sơn La đi các tỉnh, thành phố trên cả nước. Lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại đã cam kết giúp tỉnh Sơn La đẩy mạnh hợp tác với các sàn thương mại điện tử để vừa kết hợp nâng cao năng lực chuyên môn của các HTX, hộ sản xuất, vừa từng bước hỗ trợ tiêu thụ hiệu quả nông sản của địa phương thông qua các trang thương mại điện tử.

Trong bước đi tiếp theo, tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản, nâng cao năng lực, thiết lập các kênh tiêu thụ nông sản mang tính chiến lược, bền vững; áp dụng công nghệ 4.0 để đưa các sản phẩm nông sản an toàn lên giao dịch tại các sàn thương mại điện tử, giúp nông dân Sơn La vượt qua những khó khăn trước tình hình dịch bệnh COVID-19.

 Vải thiều Bắc Giang được bán trên trang voso.vn (Ảnh chụp màn hình: KG)

Trong khi đó, tại Bắc Giang, hàng năm có đến 70% sản lượng vải Bắc Giang được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay, thương nhân Trung Quốc không thể nhập cảnh vào vùng vải để thu mua khiến cho vải Bắc Giang có thể rơi vào tình trạng ứ đọng, khó tìm đầu ra.

Dưới sự chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Công Thương, sàn thương mại điện tử Vò sò (Voso.vn) của Viettel Post đã đưa sản phẩm vải đặc sản Bắc Giang lên sàn vào ngày 28/5/2021, với mục tiêu tiêu thụ 100 tấn vải/ngày. Đồng thời, sàn thương mại điện tử Vỏ Sò cũng đã hỗ trợ, hướng dẫn, đào tạo và đồng hành cùng bà con nông dân tại Bắc Giang tạo gian hàng và chủ động đăng bán các sản phẩm trên sàn.

Như vậy, có thể thấy trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, việc tiêu thụ nông sản thông qua một phương thức mới không chỉ tạo thói quen bán hàng qua sàn thương mại điện tử cho người dân, mà còn là chìa khóa quan trọng để nâng tầm giá trị và sản phẩm. Ngoài ra, thông tin về sản phẩm cũng minh bạch hơn từ người bán đến người mua, qua đó góp phần làm giảm bớt sự lũng đoạn ở khâu trung gian.

Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ./.

 
Song Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực