Tập trung các giải pháp phục hồi du lịch Đà Nẵng

Thứ ba, 15/06/2021 09:55
(ĐCSVN) – Đại dịch COVID-19 kéo dài đã khiến cho hàng nghìn doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) ngành du lịch tại TP Đà Nẵng bị ảnh hưởng nặng nề. Để khắc phục những khó khăn do đại dịch, TP Đà Nẵng đang tập trung triển khai nhiều giải pháp để sớm khôi phục lại hoạt động du lịch.

Du lịch Đà Nẵng lao đao vì đại dịch

Du lịch Đà Nẵng lao đao vì dịch bệnh. (Ảnh: K.N) 

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, ngành du lịch tại TP Đà Nẵng tiếp tục rơi vào thế khó. Hàng loạt khách sạn đóng cửa, các đơn vị lữ hành bị khách hủy tour khiến hàng nghìn lao động rơi vào cảnh nghỉ việc tạm thời.

Lãnh đạo Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, hiện tất cả khu, điểm du lịch trên địa bàn đã thông báo tạm dừng hoạt động để đảm bảo trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Trong số hơn 5.000 DN hoạt động ở lĩnh vực du lịch tại TP Đà Nẵng, có hơn 90% DN đóng cửa do ảnh hưởng của COVID-19. Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, có đến 1/10 DN là hội viên (tương ứng 1.000 DN) đã giải thể, số còn lại tiếp tục đóng cửa vì dịch bệnh.

Sau thời gian cố gắng cầm cố, thanh lý để trả nợ ngân hàng, nhiều DN mảng lữ hành, du lịch tại Đà Nẵng cũng đang tìm kiếm nguồn vốn hỗ trợ để có thể tồn tại và giữ chân đội ngũ lao động nòng cốt. Nhiều DN muốn chuyển lĩnh vực kinh doanh nhưng đã cạn vốn. Khó chồng khó khi phần lớn số DN này đều đã có khoản nợ với ngân hàng, gần như mất khả năng chi trả trong giai đoạn hiện tại.

Ông Huỳnh Tấn Pháp, Giám đốc Khu du lịch sinh thái Suối Hoa (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) cho biết đã vay mượn, tái đầu tư rất nhiều hạng mục trước viễn cảnh hồi sinh của ngành du lịch. Đợt lễ 30/4, 1/5 vừa qua, lượng khách đến khu du lịch tương đối ổn. Tuy nhiên, dịch bệnh tái bùng phát khiến mọi hoạt động kinh doanh bị ngưng trệ. "Tạm thời, khu du lịch vẫn giữ nhân viên nòng cốt làm việc để duy trì hoạt động. Phải nói là chúng tôi kiệt sức vì dịch, do vậy rất cần nhà nước hỗ trợ mới mong cầm cự nổi", ông Pháp cho hay.

Tập trung triển khai giải pháp phục hồi du lịch

Mùa dịch các cơ sở lưu trú du lịch bất đắc dĩ trở thành các cơ sở phục vụ du khách cách ly.
(Ảnh: Đình Tăng) 

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, mới đây, UBND TP Đà Nẵng đồng ý chủ trương giao cho các sở, ngành nghiên cứu cho người lao động (NLĐ) ngành du lịch vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Theo đó, mỗi lao động dự kiến được vay tối đa 100 triệu đồng trong thời gian 3-5 năm, lãi suất 7,92%/năm theo hình thức vay không thế chấp. Người vay phải có địa chỉ thường trú hợp pháp tại TP Đà Nẵng, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, với mục đích vay để tạo việc làm, vay mở rộng kinh doanh có xác nhận của cơ quan chức năng. Chính sách hỗ trợ này của TP Đà Nẵng được xem như chiếc phao cứu sinh để NLĐ ngành du lịch vượt qua khó khăn trước mắt.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết, hiện đã có khoảng 2.000 người làm việc trong ngành du lịch đăng ký vay vốn. “Hy vọng, sẽ được tiếp cận nguồn vốn vay này ngay trong tháng 6/2021, để cán bộ, công nhân viên trong ngành du lịch vượt qua được khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ cơ bản nhất của Hiệp hội Du lịch, Quỹ Xúc tiến phát triển Du lịch thành phố vừa giúp lao động vượt qua khó khăn vừa giúp doanh nghiệp có điều kiện giữ lao động phục hồi với tiến độ phòng chống dịch”, ông Dũng nói.

Chị C.X.T, hướng dẫn viên tiếng Trung cho biết đã điền thông tin vào phiếu khảo sát nhu cầu vay vốn của Hội Hướng dẫn viên du lịch TP Đà Nẵng cũng như đăng ký một suất vay vốn để trang trải nợ nần khi mất việc.

Theo anh Đ.H.P, nhân viên Công ty CP Việt Nam TravelMart (TP Đà Nẵng), TP cần cụ thể hóa các tiêu chí chọn lựa để gói vay hỗ trợ tiếp cận được đúng đối tượng. "Mong chính sách này được triển khai ngay trong tháng 6/2021 để NLĐ mảng du lịch như chúng tôi vượt qua được khó khăn và ổn định cuộc sống".

Ngày 1/4 vừa qua, Sở Du lịch Đà Nẵng đã phối hợp với Quỹ Xúc tiến Phát triển Du lịch (XTPTDL) thành phố tổ chức Tọa đàm "Giải pháp khôi phục và phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng 2021".  Điểm nhấn của tọa đàm là phiên thảo luận đối thoại chính sách nhằm giải đáp các vướng mắc của doanh nghiệp, đề xuất các giải pháp khôi phục và phát triển du lịch với sự tham gia của lãnh đạo thành phố, Tổng cục du lịch, Sở Du lịch và Quỹ XTPTDL Đà Nẵng.

Đa số các doanh nghiệp du lịch lữ hành đề xuất thành phố đẩy mạnh công tác truyền thông điểm đến Đà Nẵng; 76,8% doanh nghiệp kỳ vọng tiếp tục nhận các chính sách hỗ trợ cho người lao động trong ngành du lịch và  68,8% doanh nghiệp mong muốn tiếp tục được hỗ trợ tiền điện, nước và phí rác thải... Cùng với đó là cơ chế chính sách hoàn thuế, giảm thuế; giảm thuế VAT cân nhắc từ 5% giảm còn 0% trong 1 – 2 năm; giảm thuế doanh nghiệp, VAT, thuế đất; giảm 50% phí chuyển đổi biển số xe; miễn phí bãi đỗ xe cho các doanh nghiệp vận tải du lịch.

Trong thời gian vừa qua, trước tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp về tín dụng và lãi suất nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch, lữ hành, giao thông vận tải. Đồng thời, triển khai chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Tại buổi tọa đàm, đại diện doanh nghiệp du lịch cũng mong muốn thành phố tiếp tục hỗ trợ lao động thất nghiệp vay vốn cũng như cơ chế chính sách, hướng dẫn vay chuyển đổi ngành nghề cho các hướng dẫn viên du lịch...

Để thực hiện khôi phục hoạt động du lịch thành phố Đà Nẵng, bên cạnh hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục hoạt động kinh doanh, đẩy mạnh chuyển đổi số và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ... ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết ngành sẽ tập trung công tác xúc tiến truyền thông quảng bá Đà Nẵng - điểm đến an toàn, đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch mới, tổ chức các sự kiện hấp dẫn quy mô lớn để thu hút khách du lịch cũng như tăng cường liên kết hợp tác với các địa phương phát triển du lịch nội địa.

Đối với đơn vị hàng không, Sở Du lịch TP Đà Nẵng đã liên hệ làm việc với các hãng Hàng không về việc miễn phí các chính sách về hoàn đổi vé cụ thể. Đồng thời, Sở cũng đã thông báo cho các khách sạn cách ly được biết để thông tin cho khách từ ngày 05/5/2021. Ngoài ra, Sở Du lịch TP Đà Nẵng cũng ban hành Công văn số 730/SDL-QLCSLT ngày 08/5/2021 về việc nghiêm túc triển khai các nội dung liên quan đến bàn giao người hoàn thành cách ly tập trung.

Cùng với đó, đến nay Sở Du lịch TP Đà Nẵng cũng đã có văn bản gửi các khách sạn cách ly về việc yêu cầu tiếp tục thực hiện hỗ trợ khách ở lại do quy định phòng chống dịch, đồng thời yêu cầu hỗ trợ người hoàn thành cách ly trong thời gian nếu có thay đổi lịch bay, tàu hoặc các trường hợp buộc phải kéo dài hơn 21 ngày. Các chi phí do khách sạn tự thỏa thuận với khách, đảm bảo hỗ trợ đầy đủ.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ./.

Lan Chi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực