Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thủy sản phía Nam

Thứ sáu, 17/09/2021 20:32
(ĐCSVN) - Dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất và nuôi trồng thủy sản cả nước nói chung và các tỉnh phía Nam nói riêng. Trước tình hình đó, Chính phủ cùng các Bộ, ngành liên quan và các địa phương đã ban hành, đề xuất nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong tình hình dịch bệnh.

Doanh nghiệp thủy sản chật vật duy trì sản xuất

 Ngành nuôi trồng thủy sản phía Nam chật vật duy trì sản xuất trong tình hình
đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. (Ảnh: TL)

Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, hiện tại 19 tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ là nơi tập trung tới 70% sản lượng nuôi trồng, chế biến thủy sản cả nước; trong đó, cá tra tập trung 100% tại Đồng bằng sông Cửu Long với sản lượng 1,55 triệu tấn, sản lượng tôm trên 780.000 tấn chiếm 85% sản lượng tôm cả nước; các sản phẩm khai thác là 1,74 triệu tấn, chiếm 47% sản lượng thủy sản khai thác toàn quốc.

Tuy nhiên, tính đến giữa tháng 8/2021, ở các tỉnh phía Nam chỉ còn 326/449 (chiếm 65%) cơ sở chế biến duy trì được sản xuất. Ở các nhà máy này, doanh nghiệp phải chia công nhân thay nhau làm ca nên công suất trung bình chỉ đạt khoảng 30 - 40% so với trước khi áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các chuyên gia dự báo, trong những tháng còn lại của năm 2021, ngành này sẽ còn đối diện với nhiều thách thức trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu.

Ông Nhữ Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thuỷ sản) cho biết, nuôi trồng và khai thác thủy sản của các tỉnh Nam bộ vẫn đáp ứng đủ nguồn cung cho tiêu dùng và xuất khẩu. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất đang phụ thuộc vào khâu chế biến và tiêu thụ. Qua khảo sát thực tế, các doanh nghiệp chế biến đang nỗ lực duy trì sản xuất để đảm bảo cung ứng sản phẩm cho tiêu thụ nội địa và cả các đơn hàng xuất khẩu nhưng cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn về vấn đề thu hoạch, vận chuyển, duy trì hoạt động chế biến trong điều kiện phòng chống dịch nghiêm ngặt.

Tại Công ty Nam Việt (An Giang), hiện một nhà máy chế biến của công ty này đặt tại Cần Thơ đã ngừng hoạt động. Nhà máy chế biến chính ở An Giang chỉ còn khoảng 15% công nhân (trong số 800 công nhân) còn làm việc tại chỗ, nhưng công suất chỉ đạt khoảng 15%.

Theo bà Đỗ Thị Thanh Thủy, Giám đốc kinh doanh Công ty Nam Việt, với công suất hiện tại, Nam Việt không thể hoàn thiện các đơn hàng đã ký kết cho các đối tác của mình trong thời gian tới. “Các hệ thống siêu thị ở châu Âu và Mỹ đòi hỏi thời gian giao hàng phải như cam kết. Trong khi đó với tình hình hiện tại, việc hoàn thành đơn hàng đúng thời điểm là gần như không thể. Chúng tôi đã tiến hành thương lượng lùi thời điểm giao, một số đối tác đồng ý nhưng một số khác dọa kiện và đòi bồi thường thiệt hại”, bà Thủy nói.

Cũng theo bà Thủy, Nam Việt đang đối mặt với nguy cơ mất thị trường ở châu Âu và Nam Mỹ, và khi đã mất thì việc kết nối lại với đối tác ở các thị trường này là vô cùng khó khăn. Nếu trong thời gian tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp không quay trở lại như bình thường thì việc mất thị trường không còn là nguy cơ mà sẽ trở thành hiện thực.

Tương tự, hoạt động xuất khẩu của Công ty thủy sản và thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) sụt giảm đáng kể từ giữa tháng 7/2021. Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty thủy sản và thương mại Thuận Phước, cho biết, trước thời điểm giãn cách xã hội trung bình mỗi tháng kim ngạch xuất khẩu của công ty đạt từ 25-30 triệu USD. Nhưng từ giữa tháng 7 trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu chỉ còn khoảng 5-7 triệu USD/tháng.

Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong hơn 1 tháng vừa qua, chỉ có 30 - 40% doanh nghiệp thủy sản tại phía Nam tổ chức sản xuất, nhưng cũng chỉ huy động được 40 - 50% người lao động, nên công suất sản xuất trung bình chỉ bằng 40 - 50% so với trước đây.

Sự bùng phát của COVID-19 đã làm giảm 30 - 50% đơn hàng xuất khẩu. VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản trong tháng 9 sẽ giảm ít nhất 20%, đạt khoảng 660 triệu USD. Với kịch bản từ sau tháng 9, hầu hết công nhân chế biến thủy sản được tiêm vaccine, các công ty trở lại sản xuất, thì xuất khẩu 3 tháng cuối năm sẽ hồi phục nhẹ và có thể đạt 8,5  -8,6 tỷ USD.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhận định, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước đang diễn ra phức tạp như hiện tại thì không thể nói trước được điều gì. Nếu trong tháng 9, dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp được nối lại thì việc duy trì đà tăng trưởng của ngành là không khó. Vì ở thời điểm này, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy hải sản tại các thị trường chính của Việt Nam như Mỹ, châu Âu… đang phục hồi rất tốt. Ngược lại, nếu tình trạng hiện tại vẫn không có sự chuyển biến sẽ khó ngăn được đà sụt giảm trong hoạt động xuất khẩu của ngành trong thời gian còn lại của năm 2021.

Gỡ khó cho doanh nghiệp thủy sản

 Chính phủ và các Bộ, ngành đã tích cực, chủ động ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh, nuôi trồng thủy sản vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19.
(Ảnh: vasep.com.vn)

Sau ngày 15/9/2021, nhiều tỉnh Nam Bộ đã có khả năng tiến tới kiểm soát dịch, đã có nhiều tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế tạo cơ hội để các ngành hàng, doanh nghiệp hồi phục, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu nông sản, thủy sản trong những tháng cuối năm 2021.

Tuy nhiên theo nhiều doanh nghiệp, lĩnh vực chế biến thuỷ sản sẽ tiếp tục gặp khó khăn do tình hình dịch bệnh chưa thể kết thúc, nhiều doanh nghiệp không thể đáp ứng điều kiện và chi phí cho mô hình sản xuất 3 tại chỗ, 1 cung đường 2 điểm đến trong dài hạn.

Ngày 4/9 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức cuộc họp trực tuyến với các địa phương, các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thủy sản.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, 8 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng thủy sản của cả nước đạt 5,692 triệu tấn (tăng 1,4% so với cùng kỳ 2020), trong đó khai thác 2,704 triệu tấn (tăng 0,8%), nuôi trồng thủy sản 2,987 triệu tấn (tăng 1,8%). Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 8 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 5,6 tỷ USD tăng 7,1% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tháng 8/2021, dịch COVID-19 đã tác động tới xuất khẩu thủy sản khiến nhiều mặt hàng chủ lực bị giảm mạnh như: Cá ngừ, cá tra và tôm giảm đến 29,7% so với tháng 7/2021.

Về sản xuất, cung ứng thức ăn thủy sản, cả nước hiện có 117 nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản. Hiện nay có 15 nhà máy ngừng hoạt động do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong tháng 8, các nhà máy còn gặp khó khăn khác như thiếu vật liệu đầu vào như bao bì, nhãn mác… vận chuyển thức ăn đến các địa phương chưa thực sự thông suốt.

Ngoài ra, hiện còn 17 cảng đang tạm dừng hoạt động do dịch COVID-19, việc bốc dỡ, mua bán, đặc biệt là khâu vận chuyển thủy sản với các tỉnh khác gặp khó khăn, dẫn đến tiêu thụ thủy sản khai thác chậm. Giá sản phẩm thủy sản giảm 15-20% so cùng kỳ. Các dịch vụ cung ứng hậu cần nghề cá (sửa chữa tàu, máy móc, cung cấp dầu, nước đá, thực phẩm) gặp nhiều khó khăn, không kịp thời và đáp ứng đầy đủ...

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho ngành thủy sản, tránh nguy cơ đứt gãy, ông Trần Đình Luân cho biết đã đề nghị Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương quan tâm rà soát và có chính sách hỗ trợ cho toàn bộ chuỗi sản xuất nuôi trồng và khai thác thủy sản, nhất là người dân trực tiếp sản xuất (thuế, điện, vốn…). Ưu tiên bổ sung tiêm vaccine đầy đủ cho lao động tham gia trong chuỗi và có cơ chế phù hợp để cho sản xuất trở lại trong điều kiện bình thường mới. Cung cấp thêm tín dụng với mức lãi suất hợp lý để cho người dân và doanh nghiệp tái đầu tư phục hồi sản xuất...

Bên cạnh đó, hỗ trợ giảm giá điện, hỗ trợ chi phí đầu tư hạ tầng… là hai trong nhiều giải pháp được Chính phủ và các bộ, ngành đưa ra, nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp thủy sản. Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 97/NQ-CP về hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện đối với doanh nghiệp chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản; doanh nghiệp chế biến và bảo quản rau quả; doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu có kim ngạch xuất khẩu năm 2020 trên 1 tỷ USD. Đối tượng được hỗ trợ giảm tiền điện là khách hàng đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg và đang duy trì sản xuất. Mức hỗ trợ là giảm 10% tiền điện trước thuế VAT trên hoá đơn tiền điện. Thời gian hỗ trợ là 3 tháng (từ tháng 9 đến hết tháng 11/2021).

Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đề xuất Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp có dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản tối đa 15 tỷ đồng/dự án để xây dựng kết cấu hạ tầng. Doanh nghiệp có tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển được đề nghị hỗ trợ với mức 30 triệu đồng/tấn tải trọng, tối đa 15 tỷ đồng/tàu.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhận định rằng, tình hình hoạt động của doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, hiệp hội ngành hàng để nắm bắt kịp thời tình hình sản xuất, chế biến, lưu thông, vận chuyển và tiêu thụ thủy sản; chỉ đạo các địa phương đảm bảo đủ con giống, thức ăn, nguyên liệu, vật tư đầu vào cho sản xuất thủy sản và duy trì hoạt động của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, tiêu thụ nội địa, tránh đứt gẫy chuỗi sản xuất. Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và thúc đẩy xuất khẩu thủy sản trong những tháng cuối năm.

Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ./.

 

 

 

Mai Khanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực