TP. Hồ Chí Minh: Quan tâm người dân tộc thiểu số trong dịch bệnh COVID-19

Thứ hai, 20/09/2021 15:38
(ĐCSVN) - Tại TP. Hồ Chí Minh, đồng bào dân tộc thiểu số cũng đang chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Ban Dân tộc Thành phố cùng các ban, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức đã có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo an sinh cho bà con; đồng thời thực hiện chính sách truyền thông “an dân” để tạo sự an tâm, đồng thuận cho đồng bào chung sức, đồng lòng thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch.
Đại diện Ban Dân vận Thành ủy và Ban Dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh tặng quà cho Chùa Khmer tại quận 3 (ảnh: Ban Dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh)

 Chăm lo an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số

Theo số liệu của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Ủy ban Dân tộc, tính đến cuối ngày 16/9/2021, TP. Hồ Chí Minh có 2.156 ca nhiễm COVID-19 là người dân tộc thiểu số. 100% các ca F0 đều có hoàn cảnh hết sức khó khăn.

Ông Huỳnh Văn Hồng Ngọc - Trưởng ban Dân tộc TP. Hồ Chí Minh cho biết, quán triệt chỉ đạo của Chính phủ và Thành phố về việc tập trung chăm lo an sinh xã hội cho người dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số, với phương châm “không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc”, Ban đã kịp thời phối hợp với các quận, huyện và thành phố Thủ Đức rà soát, lập danh sách 2.156 trường hợp người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, diện hộ nghèo, hộ cận nghèo bị nhiễm COVID-19, trong đó có 404 trường hợp đã tử vong để báo cáo, đề xuất Ủy ban Dân tộc quan tâm, xem xét hỗ trợ, góp phần giảm bớt khó khăn trong quá trình điều trị, ổn định cuộc sống cho đồng bào dân tộc tại Thành phố.

Bên cạnh đó, Ban cùng các quận, huyện, thành phố Thủ Đức tiến hành rà soát, thống kê người lao động dân tộc thiểu số bị ngưng việc, mất việc, lao động tự do bị ảnh hưởng dịch COVID-19 để thực hiện chính sách hỗ trợ theo quy định.

Trong thời gian TP. Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội, Ban Dân tộc Thành phố cùng Ban Dân vận Thành ủy, UBND các huyện, thị, thành phố và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm chăm lo an sinh cho người dân tộc thiểu số. Nổi bật như: Phối hợp UBND Thành phố Thủ Đức, các quận, huyện và Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo Thành phố, Ban Trị sự Chùa Chantarangsay, Chùa Pothywong, Hội quán Ôn Lăng tổ chức trao tặng 22 tấn gạo giúp đỡ đồng bào.

Được biết, số gạo này do cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tỉnh Thanh Hoá thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố chuyển đến Ban Dân tộc để gửi tặng đồng bào. Món quà ấm áp tình nghĩa đó đã góp phần động viên, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số vượt qua khó khăn, quyết tâm, đồng lòng cùng Thành phố Hồ Chí Minh đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.

Ban Dân tộc cùng Ban Dân vận Thành ủy đã thăm và tặng 300 phần quà (trị giá 1.000.000 đồng/phần) đến đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong đó có 80 phần gửi đồng bào Khmer, 120 phần gửi đồng bào Chăm và 100 phần gửi đồng bào Hoa.

Tham gia cùng Quận ủy, UBND Quận 10 thăm và tặng quà tại thánh đường Hồi giáo trên địa bàn Phường 12; thăm, tặng quà cho đồng bào người Chăm và người Hoa trên địa bàn Quận 10; cùng với các hội quán người Hoa Thành phố trao tặng 160 phần quà (trị giá 500.000 đồng/phần) đến đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn tại Quận 8, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn.

Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động trong đồng bào dân tộc thiểu số

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 53 dân tộc thiểu số, với trên 468.000 người dân tộc thiểu số, chiếm 5,21% tổng dân số trên địa bàn. Ba dân tộc thiểu số chiếm số đông và hình thành cộng đồng là dân tộc Hoa với 382.825 người (chiếm 81,77% trong tổng số dân tộc thiểu số tại Thành phố), dân tộc Khmer với 50.442 người (chiếm 10,77%) và dân tộc Chăm với 10.499 người (chiếm 2,24%).

Khẳng định việc chấp hành tốt các chỉ đạo của Chính phủ, của Thành phố, các hướng dẫn của Bộ Y tế có vai trò đặc biệt quan trọng trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh COVID-19, ông Huỳnh Văn Hồng Ngọc - Trưởng ban Dân tộc TP. Hồ Chí Minh cho biết, Ban xác định phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Ban đã biên dịch tài liệu tuyên truyền tiếng Hoa hướng dẫn đối tượng F1 cách ly y tế tại nhà, chuyển file đến các quận, huyện và thành phố Thủ Đức để tuyên truyền trong đồng bào Hoa tại địa phương. Đăng tải trên Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc Thành phố các văn bản chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố về công tác phòng, chống dịch; các nội dung tuyên truyền phòng, chống dịch và khẩu hiệu “5K” trên các trang tin điện tử, trang facebook của các Trung tâm văn hóa quận, huyện, phường, xã, thị trấn.

Bên cạnh đó, Ban tập trung phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số, các chức sắc tôn giáo, đền thờ Họ, Hội quán tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND Thành phố và hướng dẫn của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch COVID-19; vận động đồng bào tích cực tham gia hoạt động của các tổ, nhóm tự quản ở khu dân cư; không tuyên truyền các thông tin không đúng về dịch bệnh; tham gia thiết lập và bảo vệ “vùng xanh” trong phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố; nhắc nhở cộng đồng bình tĩnh, chủ động phòng, chống dịch; đấu tranh với các tổ chức, cá nhân đưa các thông tin không chính xác, gây hoang mang, ảnh hưởng đến tư tưởng, đời sống nhân dân trên địa bàn…

Ông Huỳnh Văn Hồng Ngọc cho biết thêm, do tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn Thành phố còn diễn biến phức tạp nên Ban sẽ tiếp tục phối hợp với UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường thông tin tuyên truyền, định hướng ổn định tư tưởng đồng bào; thực hiện chính sách truyền thông “an dân” để tạo sự an tâm, đồng thuận, chia sẻ của đồng bào dân tộc thiểu số chung sức, đồng lòng thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch.

Tích cực vận động đồng bào tố giác, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trên lĩnh vực thông tin, liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh, như: phát tán thông tin giả, xuyên tạc trên mạng xã hội…; thông báo với cơ quan chức năng những trường hợp không tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Nhà nước để có biện pháp xử lý kịp thời, nhằm ngăn chặn các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội./.


Phương Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực