Xuất nhập khẩu tiếp tục là một điểm sáng của nền kinh tế

Thứ ba, 30/11/2021 16:01
(ĐCSVN)- Xuất nhập khẩu tiếp tục là một điểm sáng của nền kinh tế, khi hồi phục nhanh chóng và đạt tốc độ tăng trưởng cao, nhất là kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Nhờ có nghị quyết này, các hoạt động kinh doanh dịch vụ và hoạt động vận tải đang dần trở về trạng thái“bình thường mới”. Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa cũng vẫn duy trì tốc độ tăng cao.

 Ảnh minh họa. Nguồn: TL

Theo đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 11/2021 ước tính đạt  59,7 tỷ USD, tăng 8,5% so với tháng 10 và tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 11 tháng, thì tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đã đạt trên 599 tỷ USD, gần chạm ngưỡng 600 tỷ USD, mà Bộ Công thương dự báo là hết năm 2021 sẽ đạt được. Như vậy, thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt kết quả rất khả quan trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang ảnh hưởng mạnh tới kinh tế toàn cầu.

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 78,99 tỷ USD, tăng 11,1%, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 220,68 tỷ USD, tăng 20%, chiếm 73,6%.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng năm 2021, có 34 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,5% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó, có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,4%).

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, ước tính tháng 11/2021 kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 29,8 tỷ USD, tăng 14% so với tháng trước và tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 11 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 299,45 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 103,31 tỷ USD, tăng 23,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 196,14 tỷ USD, tăng 29,9%.

Trong 11 tháng năm 2021 có 43 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,7% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Đáng mừng là, xét về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu trong 11 tháng qua, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 280,2 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,6% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa. Nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt  19,25 tỷ USD, tăng 22,2% và chiếm 6,4%.

Như vậy là cả nhập khẩu tư liệu sản xuất và hàng tiêu dùng đều tăng khá cao. Điều này cho thấy xu thế tích cực hơn của nền kinh tế trong trạng thái bình thường mới.

Không chỉ kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng trưởng tích cực, mà cán cân thương mại hàng hóa cũng cùng xu thế đó.

Cụ thể, tháng 11 ước tính tiếp tục xuất siêu, với con số 100 triệu USD. Tính chung 11 tháng, nền kinh tế đang xuất siêu 225 triệu USD. Con số này tuy không đáng kể so với mức xuất siêu 20,19 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái, song trong bối cảnh COVID-19, thặng dư thương mại là một tín hiệu tích cực.

Đóng góp lớn cho mức xuất siêu của nền kinh tế tiếp tục là khu vực đầu tư nước ngoài. Khu vực này (kể cả dầu thô) xuất siêu 24,55 tỷ USD. Trong khi đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 24,32 tỷ USD.

Xét về thị trường, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 84,8 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 50,5 tỷ USD, tăng 16,8%.

Thị trường EU đạt 35,7 tỷ USD, tăng 11,9%. Thị trường ASEAN đạt 25,9 tỷ USD, tăng 23,3%. Hàn Quốc đạt 20 tỷ USD, tăng 14,6%. Nhật Bản đạt 18 tỷ USD, tăng 3%.

Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 98,5 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 50,3 tỷ USD, tăng 20,3%. Thị trường ASEAN đạt 37 tỷ USD, tăng 36,1%. Nhật Bản đạt 20,3 tỷ USD, tăng 10,1%. Thị trường EU đạt 15,5 tỷ USD, tăng 18,2%. Hoa Kỳ đạt 14,2 tỷ USD, tăng 14,6%.

Việt Nam tiếp tục xuất siêu sang Hoa Kỳ, châu Âu, nhập siêu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN…

Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ./

VA

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực