Hướng đi nào cho bảo tồn và phát huy giá trị các làng nghề truyền thống ở Quảng Ninh?

Thứ ba, 13/12/2016 09:37

(ĐCSVN)- Quảng Ninh có nhiều nghề và làng nghề truyền thống mang đậm nét văn hoá bản địa. Một số làng nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần quan trọng tạo công ăn việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho người dân, đồng thời gìn giữ bản sắc văn hoá truyền thống. Tuy nhiên, trong bối cảnh khoa học công nghệ đang bùng nổ, sản phẩm của các làng nghề truyền thống chịu tác động mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, nhiều nghề, làng nghề truyền thống đang dần mai một. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy các giá trị làng nghề là rất cần thiết.

Ảnh minh họa 

Theo thống kê, Quảng Ninh có khoảng 20 làng nghề lớn nhỏ hoạt động đa lĩnh vực với nhiều ngành nghề khác nhau như nhóm ngành nghề gốm sứ, thuỷ tinh, mây tre đan, điêu khắc than đá, tiểu thủ công đồ gỗ, thêu ren, dệt, chế biến nông, lâm, thuỷ sản... Thế nhưng, có một thực tế các làng nghề ở Quảng Ninh đều có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, mang tính tự phát, manh mún, chủ yếu theo hộ gia đình chưa có sự liên kết giữa các nhóm hộ với nhau nên rất ít nghề, làng nghề đạt tiêu chí công nhận nghề, làng nghề truyền thống. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh mới công nhận 3 nghề truyền thống và 2 làng nghề truyền thống. Đó là nghề truyền thống làm bánh gio Phong Cốc, nghề làm bún Hiệp Hoà và nghề đóng tàu thuyền vỏ gỗ Đò Chanh và 2 làng nghề truyền thống: Làng nghề đan ngư cụ Hưng Học và làng nghề đóng tàu thuyền vỏ gỗ Cống Mương. Cả 5 nghề và làng nghề truyền thống đều được công nhận trong năm 2015 và thuộc TX Quảng Yên. Các nghề truyền thống và làng nghề truyền thống này đã tạo việc làm cho 4.245 lao động với thu nhập bình quân 4-6 triệu đồng/người/tháng, giúp người lao động ổn định cuộc sống, góp phần xoá đói giảm nghèo. Chỉ tính trong 2 năm 2014 và 2015, làng nghề truyền thống đan ngư cụ Hưng Học và làng nghề truyền thống đóng tàu thuyền vỏ gỗ Cống Mương đạt doanh thu trên 40,4 tỷ đồng, chiếm 65,4% doanh thu của phường Nam Hoà và Phong Hải, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nghề nông thôn TX Quảng Yên.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT), năm 2016 này trên địa bàn tỉnh không có nghề và làng nghề nào ở các địa phương gửi hồ sơ lên để Chi cục Phát triển nông thôn xét duyệt. Trong khi đó trên địa bàn tỉnh, có rất nhiều nghề, làng nghề truyền thống đang hoạt động. Đặc biệt, Đông Triều - nơi có làng nghề gốm sứ nổi tiếng lâu năm như làng nghề truyền thống gốm sứ Vĩnh Hồng, phường Mạo Khê, làng nghề truyền thống Đức Chính, phường Đức Chính cũng chưa có nghề truyền thống, làng nghề truyền thống nào được công nhận nghề, theo tiêu chí quy định công nhận làng nghề truyền thống và nghề truyền thống tại Thông tư số 116/2006/TT-BNN ngày 18-12-2006 của Bộ NN&PTNT.

Ông Nguyễn Công Lệnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Gốm sứ Đông Triều cho biết, nghề gốm sứ Đông Triều có từ lâu đời. Thời kỳ hưng thịnh nhất của làng nghề này là vào những năm 80 của thế kỷ trước với hai Hợp tác xã sứ Ánh Hồng và Đông Thành, chuyên sản xuất gốm sứ xuất khẩu sang thị trường Liên xô (cũ) và Đông Âu. Thế rồi thị trường dần thu hẹp, mấy năm trở lại đây, các hộ dân gặp không ít khó khăn, sản phẩm khó tiêu thụ, giá bán sản phẩm rẻ, nguyên vật liệu tăng, chi phí nhân công cao, sản xuất không có lãi nên nhiều hộ dân cũng không “mặn mà” với nghề, nhiều hộ bỏ nghề. Tính đến nay, Đông Triều chỉ còn 25 hộ gia đình gắn bó với nghề làm gốm truyền thống (tập trung ở khu Ánh Hồng, Đông Thành) và khoảng vài trăm lao động làm việc tại một số công ty sản xuất dòng gốm mỹ nghệ trên địa bàn. Tuy nhiên, khi hỏi tại sao làng gốm sứ Đông Triều vẫn chưa nằm trong danh sách những làng nghề, nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận thì ông Lệnh cho biết cái đó ông không biết, ông chưa bao giờ nghe nói đến việc làm hồ sơ công nhận nghề truyền thống và làng nghề truyền thống này.

Cũng theo Chi cục Phát triển nông thôn, hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều nghề truyền thống và làng nghề truyền thống như: Gốm sứ Đức Chính, gốm sứ Vĩnh Hồng, nuôi cấy ngọc trai, than đá mỹ nghệ, trồng hoa Hoành Bồ, miến dong Bình Liêu... có thể công nhận nhưng các địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc công nhận các nghề truyền thống hay làng nghề truyền thống. Lý giải nguyên nhân này, nhiều địa phương cho rằng, việc công nhận nghề, làng nghề truyền thống cũng không mang lại lợi ích kinh tế cho các địa phương. Hiện nay, khi một làng nghề được UBND tỉnh có quyết định công nhận, ngoài 3 triệu tiền thưởng đi kèm ra thì làng nghề đó không được hưởng thêm các chính sách ưu đãi gì... Trong khi đó để làm một hồ sơ công nhận nghề, làng nghề truyền thống mất rất nhiều thời gian, công sức v.v.. Có lẽ, một phần vì lý do này nên các địa phương cũng chưa thực sự quan tâm đến việc nghề, làng nghề truyền thống có được công nhận hay không. Bởi hiện tại, các làng nghề truyền thống của Quảng Ninh cũng đang được hưởng một số chính sách về phát triển ngành nghề nông thôn theo các chương trình xây dựng nông thôn mới, mỗi xã, phường một sản phẩm...

Thực tế cho thấy, hiện nay người lao động chưa nhận thức được ý nghĩa của việc giữ gìn, bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống. Sản xuất với quy mô nhỏ, manh mún, tự phát, tự cung, tự cấp, độc lập, không có sự liên kết giữa các nhóm hộ nên chưa quan tâm tới việc xét công nhận nghề và làng nghề truyền thống. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm tới việc bảo tồn, duy trì phát triển các ngành nghề truyền thống, làng nghề truyền thống của địa phương. Thêm nữa, nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ còn thấp, chính sách còn nhiều bất cập, các thủ tục vay vốn còn phức tạp nên người dân ở các làng nghề khó tiếp cận vay vốn để đầu tư và phát triển ngành nghề nông thôn. Chính vì thế, nhiều ngành nghề truyền thống đang dần bị thu hẹp và mai một do thu nhập thấp, khó khăn trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ nên không truyền nghề và con cháu không muốn kế nghiệp nghề cha ông.

Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống là một việc làm có ý nghĩa và cần thiết. Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của mỗi làng nghề truyền thống, cần sự chung tay hỗ trợ nhiều hơn của các cấp, ngành và địa phương. Có như vậy, nghề và làng nghề truyền thống mới thực sự tồn tại và phát triển.

BVH (Theo Báo Quảng Ninh)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực