Quảng Ninh: Phát triển kinh tế gắn với Chiến lược quốc gia về "tăng trưởng xanh"

Thứ hai, 14/12/2015 18:50
Từ một tỉnh nguồn thu ngân sách Nhà nước chỉ phụ thuộc vào nền công nghiệp khai khoáng, tài nguyên đất, đến nay, bằng tiềm năng sẵn có, Quảng Ninh đã phát triển một cách bền vững, hài hòa giữa các thành phần kinh tế. Đó là kết quả bước đầu trong việc triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về “tăng trưởng xanh” của tỉnh Quảng Ninh.

Thẳng thắn nhìn nhận những thách thức

Với điều kiện tự nhiên và địa lý thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội, trong những gần đây, Quảng Ninh luôn là tỉnh có tốc độ phát triển nhanh. Tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh luôn ở mức ổn định trên 10%; thu nhập bình quân đầu người gấp 1,65 lần so với toàn quốc; thu ngân sách đứng trong top 05 tỉnh, thành phố dẫn đầu của cả nước.

Cũng từ sự phát triển vượt trội đó, Quảng Ninh đang phải đối mặt với rất nhiều mâu thuẫn và thách thức, đặc biệt là mâu thuẫn giữa việc khai thác than, phát triển công nghiệp nặng với phát triển du lịch, dịch vụ trên cùng một địa bàn; thách thức giữa phát triển công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh (tỷ lệ đô thị hóa chiếm 55%) với giải quyết vấn đề môi trường sống; thách thức giữa phát triển bền vững trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao.

Theo quy hoạch, để khai thác than lộ thiên, hàng năm ngành than thải ra môi trường khoảng 300 - 500 triệu m3 đất, đá và từ 100 - 250 triệu m3 nước thải. Các trung tâm sản xuất công nghiệp (nhiệt điện, xi măng, đóng tàu, các khu công nghiệp, các khu đô thị lớn tập trung chủ yếu bên bờ Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long), do vậy nguy cơ ô nhiễm môi trường tại Quảng Ninh luôn trong tình trạng rất cao, đòi hỏi phải được khẩn trương khắc phục, nếu không sẽ ảnh hưởng lớn đến phát triển các ngành kinh tế có tính bền vững là du lịch, dịch vụ và kinh tế biển đảo.

Cùng với đó, các ngành vận tải biển, cảng biển, lấn biển phát triển đô thị, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước biển ven bờ, sông suối; bồi lắng do đất đá trôi lấp từ lấn biển xuống các vùng cửa sông và vùng nước ven bờ đã làm giảm diện tích rừng ngập mặn, tác động tiêu cực đến môi trường sinh thủy, hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản.
Từ thực tế đó, tỉnh Quảng Ninh đã nhận diện nguy cơ, hạn chế và những thách thức, từ đó xác định triết lý phát triển mới, trong đó có triết lý chuyển đổi mô hình kinh tế từ “nâu” sang “xanh” đã bắt đầu hình thành.

Hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao chất lượng phục vụ với nhiều loại hình phong phú.
(Ảnh: quangninh.gov.vn)

Giải pháp khắc phục đồng bộ

Để giải quyết những mâu thuẫn, giải pháp tối ưu được tỉnh Quảng Ninh đưa ra đó là cần thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về “tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25-9-2012. Tỉnh Quảng Ninh đã quán triệt mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; gắn nhiệm vụ triển khai thực hiện Chiến lược với quá trình xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu để các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân tập trung thực hiện. 

Tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch triển khai chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020, với mục tiêu: Phát triển kinh tế nhanh, bền vững; chuyển dịch và tăng tốc độ phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp “xanh”; kiểm soát ô nhiễm môi trường; nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu; hướng đến một nền kinh tế các bon thấp, giảm phát thải và tăng lượng hấp thụ khí nhà kính. Kèm theo đó, tỉnh Quảng Ninh thành lập Ban Chỉ đạo Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020 do một đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh làm trưởng ban để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất về quan điểm, quyết tâm triển khai thực hiện của tỉnh.

Các nội dung của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh cũng đã được tỉnh Quảng Ninh quán triệt trong suốt quá trình lập các quy hoạch quan trọng của tỉnh, đặc biệt là quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Quảng Ninh; quy hoạch tổng thể bảo vệ môi trường (bao gồm cả quy hoạch môi trường Vịnh Hạ Long và Đề án cải thiện môi trường tỉnh Quảng Ninh).

Để cải tạo, khắc phục ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh gây ra, tỉnh Quảng Ninh đã chi trên 157 tỷ đồng lắp đặt 27 trạm quan trắc môi trường tự động; triển khai các dự án cải tạo ô nhiễm môi trường Vịnh Hạ Long; ngành than triển khai xây dựng 39 trạm xử lý nước thải mỏ, thực hiện cải tạo hoàn nguyên môi trường trên 800 ha bãi thải mỏ tại khai trường khai thác than thuộc các đơn vị ngành than. Tỉnh yêu cầu ngành than có lộ trình di chuyển Nhà máy sàng tuyển than Nam Cầu Trắng ra khỏi khu vực đông dân cư như hiện nay và đã có đề nghị với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan không cấp phép xây dựng thêm các nhà máy sản xuất xi măng, nhà máy nhiệt điện gần khu vực đông dân cư, đô thị.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành chính sách để chuyển dần từ nền nông nghiệp tự cung, tự cấp, sản xuất theo hướng tự phát sang nền nông nghiệp chất lượng cao, an toàn, sản xuất theo hướng hàng hóa với việc ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến của nước ngoài, đảm bảo phục vụ nhu cầu tại chỗ và xuất khẩu. Công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng và đa dạng sinh học cũng đã được tỉnh quan tâm. Đến nay độ che phủ rừng của tỉnh đạt trên 53% và tuyệt đối không để xảy ra các vụ cháy rừng quy mô lớn.

Thành quả bước đầu

Những quyết tâm của tỉnh Quảng Ninh trong việc giải quyết những mâu thuẫn, xung đột trong quá trình phát triển đã đem lại những kết quả bước đầu. Thể hiện rõ nét nhất chính là sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế của tỉnh. Nếu như năm 2011, thu ngân sách Nhà nước từ khai thác than chiếm đến 67% tổng thu ngân sách của tỉnh, thì đến năm 2014, con số này chỉ còn chiếm 47%. Về đóng góp trong GDP, nếu như năm 2011, khai thác than (một trong những hoạt động kinh tế lớn nhất tại Quảng Ninh) chiếm đến 25% tổng GDP toàn tỉnh, thì đến năm 2014 chỉ còn 18,6% GDP. Trong khi đó, thu ngân sách từ lĩnh vực du lịch có chuyển biến tích cực. Nếu như năm 2011, thu ngân sách Nhà nước từ lĩnh vực du lịch chỉ chiếm 2,4% tổng thu ngân sách của tỉnh, thì đến năm 2014 đã tăng lên 5,1%. Đóng góp trong GDP của lĩnh vực du lịch cũng tăng từ 34% lên 44,2%. 

Với quan điểm vừa làm, vừa điều chỉnh cho hợp lý, cân đối hài hòa giữa khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú với bảo vệ môi trường kết hợp phát triển du lịch, dịch vụ, tỉnh Quảng Ninh quyết tâm và tin tưởng sẽ hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 sẽ xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, là một trong những đầu tàu kinh tế của miền Bắc và cả nước./.

Theo Mạnh Trường (Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực