Bộ đội Biên phòng Gia Lai “ba bám, bốn cùng” với nhân dân biên giới

Thứ tư, 06/10/2021 15:50
(ĐCSVN) – Với phương châm “ba bám, bốn cùng” (bám đơn vị, bám địa bàn, bám nhân dân; cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào), cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Gia Lai đã triển khai nhiều dự án, mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả, giúp dân phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị tại các xã biên giới vững mạnh; góp phần tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp của BĐBP trong thời kỳ mới.

Sâu nặng, thủy chung tình quân - dân

Thiếu tá Hoàng Tuấn Minh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ia Nan cho biết, Ia Nan là xã có 11 dân tộc anh em sinh sống với 1.932 hộ, trên 8.000 khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Jrai. Để hoàn thành nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc 10 km đường biên giới, cán bộ, chiến sĩ nơi đây đã vượt lên gian khó với tình yêu biên giới thiêng liêng. Những hình ảnh như: “Thầy giáo quân hàm xanh”, “Thầy thuốc quân hàm xanh”, “Chiến sĩ tuyên truyền văn hóa quân hàm xanh”, “Tay kéo biên phòng”,... đã trở nên thân thuộc và nhận sự tin yêu, quý mến của các cấp ủy đảng, chính quyền và đồng bào các dân tộc vùng biên giới.

 Cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng phối hợp với các lực lượng tuần tra trên biên giới tỉnh Gia Lai

Chính trị viên, thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng dẫn chúng tôi đến thăm cháu K Puih Trí, dân tộc Jrai, đây là “đứa con đặc biệt” được đồn nhận làm con nuôi vào đầu năm 2018. Từ một cậu bé 6 tuổi nhút nhát, khó gần, mặc cảm, K Puih Trí giờ đã trở thành cậu trai rắn rỏi, hay nói, hay cười… Cơ duyên gắn kết Trí với Đồn Biên phòng Ia Nan đến từ những lần anh em chiến sĩ đi tuần tra địa bàn. Khi ấy, trung tá Hoàng Văn Hợp, Đội phó Đội vận động quần chúng là người hiểu rõ nhất hoàn cảnh đặc biệt của cháu. Mới hơn 1 tuổi, mẹ Trí đã qua đời vì bệnh hiểm nghèo, bố thì sang xã khác lấy vợ. Trí ở với bà ngoại nhưng bà của cháu cũng góa chồng lại đông con, là hộ rất nghèo. Trí lớn lên thiếu vắng sự chăm sóc và tình yêu thương của bố mẹ nên khá còi cọc, lại hay đau ốm. Vì vậy, anh em đưa Trí về đồn làm con nuôi với mong muốn hỗ trợ, giúp đỡ cháu thêm vững bước trong cuộc sống.

 Khi chúng tôi đến thăm, bà ngoại của K Puih Trí cứ ôm riết lấy cháu và nắm chặt tay thiếu tá Minh, trung tá Hợp, bà khóc thành tiếng: “Biết ơn bộ đội đã nuôi cháu giúp, tôi bớt được khó khăn…”. K Puih Trí còn được đích thân Đồn trưởng Hoàng Tuấn Minh lái xe đưa về thành phố Pleiku chơi với con của mình, cho đi ăn, mua sắm…Trí rơm rớm nước mắt nói với chúng tôi: “Con biết ơn các bố bộ đội nhiều lắm…”.

Tại các làng Tung, làng Nú, làng Sơn…ngoài bà con là dân tộc bản địa người Jrai còn có bà con từ các miền quê phía Bắc vào định cư trên vùng biên giới này, họ làm công nhân cạo mủ cao su. Thời gian đầu, gần 90% là hộ nghèo; nhà cửa, đường sá đi lại rất khó khăn, giao thông chia cắt. Được sự quan tâm giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Nan, đời sống người dân từng bước ổn định.

Ông Rơ Ma Chiết, thôn trưởng làng Sơn tâm sự: “Được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Nan giúp đỡ mọi mặt, làm ăn kinh tế, cải tạo vườn tạp, chăn nuôi gia súc, tăng gia sản xuất, cuộc sống của bà con trong làng đã khá hơn trước rất nhiều, chỉ có bộ đội biên phòng mới có “cái bụng” tốt như vậy thôi…”.

Năm 2020, đồn hỗ trợ 10 triệu đồng, tham gia giúp 75 ngày công xây dựng 2 căn nhà tình nghĩa cho 2 hộ nghèo, 2 nhà tiêu hợp vệ sinh cho gia đình ông Rơ Lan H’Veng và Rơ Mah B’lúp ở làng Tung. Đảng bộ Đồn phân công 9 đảng viên sinh hoạt tại 9 chi bộ thôn, làng và 32 đảng viên phụ trách 147 hộ gia đình trên biên giới.

Những ngày đầu tháng 10-2021, chúng tôi đến thăm Đồn Biên phòng Ia Pnôn tại xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ. Đồn nằm giữa cánh rừng khộp mênh mông, đất sỏi đá khô cằn, mưa xuống là ngập, nắng lên là hạn. Cán bộ, chiến sĩ nơi đây phải vượt lên gian khó, vững vàng bám trụ. Đồn trưởng, thiếu tá Nguyễn Quang Công dẫn chúng tôi đến thăm cháu Rơ Mah Sim, dân tộc Jrai, đây cũng là trường hợp được đồn nhận làm con nuôi. Hoàn cảnh của Rơ Mah Sim thật éo le, mẹ đột ngột qua đời, bố thì bỏ đi nơi khác, Sim ở với người bác già yếu lại hay đau ốm. Đầu năm 2019, đồn đón Sim về làm con nuôi. Kể từ ngày nhận nuôi cậu bé Rơ Mah Sim, mỗi bữa ăn, anh em trong đội lại thêm một khẩu phần và còn dành ra một chén gạo góp vào “Hũ gạo tình thương” để hằng tháng mang xuống trợ giúp cho bà Rơ Lan Thơm, một người già neo đơn, tật nguyền sống ở làng Chan.

Bữa cơm chiều biên giới của cán bộ, chiến sỹ hôm chúng tôi có mặt, tuy có phần gấp vội nhưng với cách thể hiện tình cảm như thế cũng đủ làm lay động trái tim của nhiều người. Cơm xong, chỉ duy nhất phân công một cán bộ ở nhà hướng dẫn, kèm cặp cho cậu con nuôi học tập, số còn lại chia nhau đi xuống 4 làng biên giới, cứ thế dọc dài cho đến khi gà gáy sang canh.

Đảng bộ Đồn Ia Pnôn phân công 32 đảng viên, mỗi đảng viên phụ trách từ 5 đến 7  hộ gia đình trên biên giới; phân thành 6 tổ công tác thường xuyên trực tại địa bàn thôn và đến từng hộ dân để hướng dẫn, giúp đỡ bà con mọi việc, từ dựng nhà, sửa nhà, thu hoạch lúa, cà phê, cải tạo vườn tạp đến trồng rau, hỗ trợ chăn nuôi bò, gà… đều được cán bộ, chiến sĩ cùng bàn, cùng làm với bà con.

Từ năm 2015 đến nay, Đồn tích cực triển khai chương trình “Nâng bước em tới trường”, giúp đỡ 3 học sinh nghèo vượt khó, hỗ trợ mỗi em 500 ngàn đồng/tháng. Triển khai và duy trì có hiệu quả mô hình “Tay kéo biên phòng” cắt tóc miễn phí cho người dân; mô hình “Tủ quần áo từ thiện”; mô hình “Tiếng loa biên phòng” để tuyên truyền đến từng ngõ, từng nhà, từng người dân trên địa bàn. Nội dung tuyên truyền được phát bằng cả hai thứ tiếng Kinh và Jrai. Những chiếc loa di động được các chiến sĩ biên phòng buộc vào phía sau xe máy chở đi phát trên mọi tuyến đường trong xã. Hoạt động này diễn ra mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng trước khi bà con đi làm rẫy và buổi chiều sau khi người dân lao động trở về. Ông Rơ Châm Khiêm, Bí thư Đảng ủy xã Ia Pnôn cho biết: “Tiếng loa biên phòng” được cán bộ, chiến sĩ biên phòng triển khai góp phần nâng cao nhận thức cho bà con trong việc thực hiện các nhiệm vụ chung của xã, tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, xây dựng nông thôn mới.

Gần dân, lo cho dân

Gia Lai có đường biên giới dài tiếp giáp với tỉnh Ra-ta-na-ki-ri (Campuchia). Khu vực biên giới tỉnh Gia Lai có 48 thôn, làng thuộc 7 xã của 3 huyện là: Ia Grai, Đức Cơ, Chư Prông với 20 dân tộc anh em sinh sống, trong đó, chủ yếu là người dân tộc Jrai với trên 58% dân số. Những năm qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Gia Lai lãnh đạo các đơn vị trong toàn lực lượng tập trung xây dựng, củng cố “thế trận lòng dân” vững chắc, coi đó là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp bảo vệ biên giới quốc gia.

Bộ đội Biên phòng Đồn Ia Nan cắt tóc cho trẻ em

Đại tá Trần Tiến Hải, Tỉnh uỷ viên, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP Gia Lai cho biết: “Trong công tác và cuộc sống đời thường, cán bộ, chiến sĩ luôn thực hiện “ba bám, bốn cùng” với nhân dân, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ nơi núi cao, rừng sâu, giúp đồng bào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; tích cực tham gia củng cố hệ thống chính trị cơ sở ở khu vực biên giới vững mạnh”. Với những việc làm cụ thể, thiết thực, BĐBP Gia Lai đã huy động, tập hợp được sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ biên giới để “mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống”, tạo thành “vành đai nhân dân” bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển với nước bạn Campuchia.

Với phương châm xuyên suốt “Gần dân, sát dân, lo cho dân”, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Gia Lai phân công đồng chí uỷ viên ban thường vụ, phó chính ủy; đồng chí phó chủ nhiệm chính trị; đồng chí chính trị viên phó phụ trách công tác dân vận cùng với đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện công tác dân vận trong BĐBP tỉnh là 48 đồng chí, trong đó có 16 sĩ quan, 32 quân nhân chuyên nghiệp, 24 đồng chí là người DTTS, tất cả đều là những đồng chí có phẩm chất chính trị, có năng lực thực tiễn, biết tiếng DTTS, tiếng Campuchia, am hiểu phong tục, tập quán địa phương, có năng lực, kinh nghiệm, trách nhiệm, thái độ, phương pháp công tác vận động quần chúng, được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về kinh tế, văn hoá, xã hội... Đồng thời, phân công 7 đồng chí đảng viên tăng cường cho 7/7 xã biên giới, trong đó có 4 đồng chí đảm nhiệm chức danh phó bí thư đảng ủy xã; phân công 49 đảng viên của 8 đồn biên phòng tham gia sinh hoạt tại 48 chi bộ thôn, làng; phân công 216 đảng viên phụ trách 951 hộ với 3.889 nhân khẩu trên toàn khu vực biên giới.

Theo Thượng tá Đinh Hữu Ninh, Phó Chủ nhiệm chính trị BĐBP Gia Lai, từ năm 2010 đến nay, BĐBP tỉnh phối hợp với cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị 7 xã biên giới tuyên truyền được trên 11.300 buổi, tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh trên 360 lần, thời lượng 20 phút/lần; phát hành 3.546 tờ bướm, tuyên truyền các văn bản pháp luật của Nhà nước, Hiệp định về Quy chế biên giới đất liền; tuyên truyền về công tác phân giới, cắm mốc cho cán bộ, nhân dân ở khu vực biên giới; các văn bản của Trung ương và địa phương; tuyên truyền về phòng, chống vượt biên, xâm nhập, phòng, chống phá rừng làm rẫy; đăng tải trên 1.000 tin, bài, 545 chuyên mục phát hằng tuần trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Gia Lai trong chuyên mục “Biên phòng toàn dân”; tổ chức hàng trăm buổi văn nghệ quần chúng phục vụ người dân ở khu vực biên giới. Nhờ đó, quần chúng nhân dân hiểu, chấp hành và yên tâm lao động sản xuất, không tin, không nghe, không làm theo lời kẻ xấu, vững tin vào Đảng, Nhà nước, từng bước loại bỏ những hủ tục lạc hậu, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Điểm nổi bật nhất của BĐBP tỉnh Gia Lai là giúp các xã biên giới xây dựng hệ thống chính trị, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo và chính sách xã hội; củng cố, tăng cường tình đoàn kết gắn bó giữa quân đội và nhân dân. Để thực hiện tốt mục tiêu đó, cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh luôn xác định rõ trách nhiệm, chủ động, tích cực tham gia hỗ trợ, giúp các xã biên giới trong mọi hoạt động, trong đó có nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới tại 7 xã thuộc 3 huyện biên giới, trong đó xã Ia Dom (huyện Đức Cơ) và xã Ia Mơ (huyện Chư Prông) là địa bàn được Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai phân công cho BĐBP tỉnh phụ trách và đến tháng 12/2015, xã Ia Dom là xã đầu tiên trên tuyến biên giới khu vực Tây Nguyên đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. BĐBP tỉnh còn đầu tư xây dựng tuyến đường từ xã Ia Chía (huyện Ia Grai) vào Đồn Biên phòng Ia Chía dài 18,265 km với tổng kinh phí 80 tỷ đồng; sửa chữa đường tuần tra biên giới gần 1,5 tỷ đồng; xây dựng hệ thống nước sạch Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) trị giá 400 triệu đồng, góp phần nâng cao đời sống của cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị và đồng bào trên khu vực biên giới.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, mỗi cán bộ, chiến sĩ BĐBP Gia Lai luôn thực hiện tốt phương châm: thận trọng, kiên nhẫn, kiên quyết, hiểu phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo của địa phương để nghe được dân nói, nói cho dân hiểu; tôn trọng, lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân; xây dựng tình đoàn kết quân dân bền chặt, chung sức bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trên địa bàn tỉnh Gia Lai./.

Bài, ảnh: Nguyễn Văn Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực