Chung tay khắc phục hậu quả bom mìn tại Việt Nam

Thứ ba, 02/04/2013 16:26

(ĐCSVN) - Ngày 2/4, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức tọa đàm báo chí nhân ngày Thế giới phòng chống bom mìn (4/4) nhằm thông tin về những nội dung và một số kết quả thực hiện Chương trình hành động quốc gia về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam.

 
Tọa đàm báo chí nhân ngày Thế giới phòng chống bom mìn. (Ảnh: KT)

Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó trưởng cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 (gọi tắt là chương trình 504) Bùi Hồng Lĩnh nhấn mạnh: Ô nhiễm bom, mìn gây tổn thất nặng nề về tính mạng, tài sản, đời sống của nhân dân, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế, xã hội, an toàn xã hội, môi trường, hạn chế diện tích đất sinh hoạt, canh tác và gây nhiều tổn thất khác. Theo số liệu thống kê từ năm 1975-2000 Việt Nam đã có 42.134 người tử vong, 62.163 người bị thương tật do bom mìn, vật nổ. Nạn nhân bom mìn chủ yếu là những lao động chính trong gia đình và trẻ em (trẻ em chiếm 30% số người bị nạn). Diện tích ô nhiễm là 66 nghìn km2 (chiếm hơn 20% diện tích cả nước, chưa kể vùng biển); với số lượng bom mìn, vật nổ còn sót lại khoảng hơn 600 nghìn tấn hiện đang nằm sâu trong lòng đất.

Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010- 2025. Đây là sự khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc huy động các nguồn lực nhằm đẩy nhanh tốc độ khắc phục hậu quả bom mìn, góp phần phát triển kinh tế, thực hiện các mục tiêu quốc gia về an sinh xã hội. Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 504 đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ trong việc xây dựng thực hiện Chương trình và hiện đã biên soạn xong dự thảo Bộ tiêu chuẩn kỹ thuật khắc phục hậu quả bom mìn, đang hoàn chỉnh, trình ban hành.

Cùng với đó, Việt Nam cũng đang thực hiện điều tra, lập bản đồ bom mìn trên toàn quốc. Năm 2012, đã hoàn thành việc điều tra, lập bản đồ tại 49/63 tỉnh, thành và đã xây dựng được các đề án, dự án rà phá bom mìn, nâng cấp một số trạm y tế xã và trung tâm y tế khu vực.

Tuy đạt được những kết quả khả quan nhưng để làm sạch hết bom mìn sau chiến tranh Việt Nam cần kinh phí trên 10 tỷ USD và với tốc độ rà phá hiện nay, khoảng 300 năm nữa, Việt Nam mới loại bỏ được hết các loại bom mìn chưa nổ.

Theo Thứ trưởng Bùi Hồng Lĩnh, để khắc phục hậu quả bom, mìn cần sự chung tay góp sức của cộng đồng trong và ngoài nước. Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội sẵn sàng tiếp nhận mọi sự tài trợ, hỗ trợ cho Chương trình từ chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế và cam kết sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả.

Theo Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trong năm 2012, Cục đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai một số hoạt động trợ giúp nạn nhân bom mìn như: khảo sát, xây dựng dự án thí điểm trung tâm y tế cấp xã hỗ trợ nạn nhân bom mìn phục hồi chức năng; tổ chức hội thảo tăng cường quan hệ đối tác trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn; tổ chức tập huấn, hướng dẫn địa phương về công tác trợ giúp nạn nhân bom mìn... Năm 2013, Cục Bảo trợ xã hội sẽ tiếp tục khảo sát xây dựng dự án thí điểm trạm y tế xã hỗ trợ nạn nhân bom mìn phục hồi chức năng; khảo sát, xây dựng quy hoạch tổng thể các cơ sở hỗ trợ nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng; tập huấn nghiệp vụ trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho nạn nhân bom mìn tại các xã thí điểm mô hình y tế; tổ chức hội thảo trợ giúp nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng; kiểm tra, giám sát triển khai dự án thí điểm hỗ trợ nạn nhân bom mìn tại các địa phương được xây dựng./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực