Chuyện về những thầy giáo mang quân hàm xanh

Thứ ba, 15/11/2022 09:41
(ĐCSVN) - Bám sát địa bàn, chia sẻ cùng người dân bản địa, nhiều cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã đồng hành cùng các lớp học xóa mù chữ trên các nẻo biên cương của Tổ quốc. Các lớp học đặc biệt của những thầy giáo mang quân hàm xanh đã mang con chữ đến với đồng bào, qua đó, trực tiếp đóng góp vào sự ổn định, phát triển của các khu vực biên giới.

Đồn Biên phòng Ba Tầng, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị được giao nhiệm vụ phụ trách, quản lý đường biên giới dài hơn 18km, đi qua 13 thôn bản thuộc 2 xã: A Dơi và Ba Tầng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Đây là khu vực vùng cao, biên giới tập trung đồng bào Vân Kiều và Pa Kô sinh sống. Điều kiện địa hình hiểm trở với nhiều sông suối, vách đá cheo leo, địa bàn dân cư sinh sống cách xa trung tâm nên đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Để góp phần củng cố, xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh, từng bước nâng cao dân trí, đời sống kinh tế - xã hội cho người dân vùng biên giới, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Ba Tầng không chỉ vững chắc tay súng bảo vệ biên cương mà còn chủ động, tích cực phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện các chương trình, đề án, phong trào, trong đó có công tác xóa mù chữ, nâng cao dân trí.

Nhiều năm qua, mỗi tuần 3 buổi, lớp học đặc biệt của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ba Tầng lại sáng đèn bên những sườn đồi ở xã vùng cao biên giới A Dơi, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Lớp học xóa mù chữ của những người lính biên phòng có học viên là các mẹ, các chị ở nhiều độ tuổi khác nhau. Vì vậy, những thầy giáo mang quân hàm xanh đã phải chọn những phương pháp dạy phù hợp với từng đối tượng. Đồng thời, lồng ghép các hoạt động văn hóa, văn nghệ, kết hợp với tuyên truyền chính sách pháp luật, bãi bỏ các hủ tục lạc hậu, chú trọng đưa nếp sống văn minh tới bà con. Từ đó, tạo hứng khởi để bà con chuyên cần đến lớp, đưa lớp học dần đi vào ổn định. Dần dần, bà con đã biết đọc thông, viết thạo, làm được các phép tính cộng, trừ, nhân, chia, cũng như có nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động. Chị Hồ Thị Lin ở bản A Dơi Đó, xã A Dơi chia sẻ: “Ngày trước, mình chỉ quen với công việc nương rẫy; chữ không biết, số không thạo nên xấu hổ và ngại đi chợ. Từ khi có BĐBP về dạy chữ, mình thích lắm. Giờ thì mình đã biết đánh vần, biết đọc thành thạo chữ cái và viết được tên chồng, tên mình nữa. Mình luôn cảm ơn BĐBP Ba Tầng rất nhiều”.

leftcenterrightdel
 Cán bộ Đồn Biên phòng Ba Tầng tận tình hướng dẫn học viên tại "lớp học đặc biệt”. (Ảnh: Huy Nam)

Còn tại huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, những thầy giáo mang quân hàm xanh đã liên tục duy trì trên 10 lớp học xóa mù chữ tại các xã vùng cao biên giới. Trực tiếp tham gia đứng lớp xóa mù chữ tại bản Pá Khoang, xã Mường Lèo, đồng chí Thiếu tá Hờ A Thành, Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Mường Lèo (Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Sơn La) bộc bạch, khi mới mở lớp, một số bà con chưa thấy được ý nghĩa của việc học chữ, hay có nhiều trường hợp mặc cảm tuổi cao, xấu hổ nên không tham gia học… Lực lượng BĐBP phải đến từng nhà, lên nương làm rẫy cùng bà con để giải thích, tuyên truyền, vận động mọi người tham gia lớp học xóa mù chữ.

Chỉ tính từ năm 2020 đến nay, Đồn Biên phòng Mường Lèo đã tổ chức 5 lớp xóa mù chữ cho hơn 150 lượt người dân. Lớp học giúp cho người dân nơi biên cương có kiến thức, biết đọc, biết viết, biết tính toán, cũng như có thêm các kỹ năng sống; từ đó, mạnh dạn hơn trong ứng xử, giao tiếp, không bị đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo, lừa gạt. Đồng chí Lò Văn Chủ, Chủ tịch UBND xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp chia sẻ: “Nhờ có sự góp sức của Đồn Biên phòng Mường Lèo mà hằng năm có nhiều lớp xóa mù được mở ra, giảm tỷ lệ mù chữ trên địa bàn xã, giúp nâng cao dân trí, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.

leftcenterrightdel
 Lớp học xóa mù tại bản Pá Khoang do Thiếu tá Hờ A Thành đứng lớp. (Ảnh: Đồn Biên phòng Mường Lèo)

Tìm hiểu được biết, không chỉ ở Quảng Trị, Sơn La mà tại hầu hết các tỉnh biên giới trên địa bàn cả nước, lực lượng BĐBP đã không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ chủ quyền biên giới mà còn trực tiếp tham gia có hiệu quả trong công tác xóa mù chữ. Mô hình “lớp học biên cương”, “lớp học đặc biệt” của các thầy giáo mang quân hàm xanh được nhân rộng đã giúp xóa mù chữ cho hàng nghìn lượt người dân tại các khu vực biên giới.

Thực tế cho thấy, công tác mở lớp xóa mù chữ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một việc làm cần thiết và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Các lớp học xóa mù chữ không chỉ giúp người dân nơi biên cương biết đọc, biết viết mà còn mở ra cơ hội để bà con tìm hiểu, nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, mô hình kinh tế hay vào sản xuất. Đồng thời, tạo ra những điều kiện thuận lợi cho lực lượng BĐBP thực hiện công tác vận động, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến gần với người dân địa phương.

Dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022) đang đến rất gần, xin được gửi đến các anh, những “nhà giáo thầm lặng”, người thầy giáo mang quân hàm xanh sự khâm phục và tấm lòng tri ân sâu sắc. Cảm ơn các anh đã không quản khó khăn, vất vả để mang con chữ đến với đồng bào vùng cao; qua đó đóng góp vào sự ổn định, phát triển của các bản làng khu vực biên giới tại nhiều địa bàn trong cả nước./.

Phạm Minh Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực