Củng cố phòng thủ vững chắc về an ninh - quốc phòng và phòng tuyến hợp tác cạnh tranh kinh tế quốc tế

Thứ hai, 28/12/2015 15:37

(ĐCSVN) - Sáng 28/12, tại Quảng Ninh, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Bộ Khoa học và Cộng nghệ phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức Hội thảo khoa học – thực tiễn “Xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc về an ninh quốc phòng và phòng tuyến hợp tác cạnh tranh kinh tế quốc tế - từ thực tiễn Quảng Ninh”.

Tham dự Hội thảo có hơn 200 đại biểu là các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các nhà quản lý, các nhà khoa học đến từ các bộ, ban ngành, địa phương.

PGS.TS Vũ Văn Phúc - Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu đề dẫn tại Hội thảo. Ảnh: VA

Phát biểu Đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Vũ Văn Phúc - Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương chỉ rõ: Đại hội XI của Đảng ta chủ trương không chỉ dừng lại ở hội nhập kinh tế mà hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, tiếp tục theo phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế. Hội nhập với thế giới mở ra cho đất nước những triển vọng to lớn, giành lấy cơ hội đóng góp nhiều hơn và xứng đáng là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, nhưng cũng đặt chúng ta trước thách thức phải nâng cao nội lực, khả năng đứng vững, tự bảo vệ trước những tác động tiêu cực trực tiếp và gián tiếp từ bên ngoài, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp quốc gia để nâng cao năng lực đón bắt cơ hội, vượt qua thách thức, biến thách thức thành cơ hội phát triển của quốc gia. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn trong bối cảnh của thế giới và khu vực hiện nay.

PGS.TS Vũ Văn Phúc cho hay, thế trận quốc phòng toàn dân ở nước ta được xây dựng gắn với quy hoạch của quốc gia và từng địa phương theo hướng kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, hình thành các khu vực chiến lược vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng - an ninh. Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là một chủ trương quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Việc xây dựng các khu vực phòng thủ vững chắc trên tất cả các mặt trận: Kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại, trong đó phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, củng cố quốc phòng - an ninh là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc,… nhằm mục tiêu cao nhất là phát huy sức mạnh tại chỗ, sức mạnh tổng hợp đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội; chủ động hợp tác quốc tế và bảo vệ lợi ích quốc gia.   

PGS.TS Vũ Văn Phúc cho rằng, Quảng Ninh hội tụ trong mình những nét độc đáo của đất nước cả về địa - kinh tế, địa - chính trị, địa - quốc phòng, địa - ngoại giao đa dạng và phức tạp. Vị trí địa lý đặc biệt này đặt ra yêu cầu nổi bật cho Quảng Ninh vừa phải góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vừa phải chủ động bảo đảm xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị và phát triển.

Trên cơ sở cụ thể hóa Nghị quyết số 28 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, từ điều kiện cụ thể, đặc thù của địa phương, Quảng Ninh đã đạt được những kết quả quan trọng, rất đáng ghi nhận, nhưng cũng đã và đang đặt ra không ít vấn đề cần tiếp tục kiến giải cả trên bình diện nghiên cứu lý luận lẫn tổ chức thực tiễn, cả ở mức độ vĩ mô và vi mô.

Tại Hội thảo khoa học – thực tiễn “Xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc về
an ninh quốc phòng và phòng tuyến hợp tác cạnh tranh kinh tế quốc tế - từ thực tiễn Quảng Ninh”. Ảnh: VA

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ 6 nhóm nội dung chủ yếu:

Một là, mối quan hệ giữa hội nhập quốc tế với củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, phòng tuyến hợp tác cạnh tranh hội nhập quốc tế. Làm thế nào để tăng cường tính đồng bộ, thống nhất trong quy hoạch lộ trình hội nhập kinh tế và bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia?

Hai là, mối quan hệ giữa hội nhập kinh tế và hội nhập quốc phòng - an ninh; quan điểm và giải pháp kết hợp hội nhập kinh tế và hội nhập quốc phòng, bảo vệ an ninh quốc gia. Những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra, những kiến nghị giải pháp.

Ba là, mối quan hệ biện chứng giữa phát triển kinh tế và giữ vững quốc phòng - an ninh trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Các giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với củng cố quốc phòng - an ninh trên từng địa bàn lãnh thổ ngay từ công tác quy hoạch, lập kế hoạch.

Bốn là, xây dựng thế trận lòng dân để bảo đảm hội nhập kinh tế gắn với bảo vệ an ninh, chủ quyền lãnh thổ. Những giải pháp xây dựng “thế trận lòng dân” để bảo đảm hội nhập kinh tế gắn với bảo vệ an ninh, chủ quyền; khơi dậy và phát huy chính trị - tinh thần của mọi lực lượng, của các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong một “thế trận” hội nhập kinh tế và thế trận quốc phòng an ninh chung; tăng cường an ninh nội địa, đập tan âm mưu kích động, chia rẽ dân tộc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, xuyên tạc lịch sử.

Năm là, chủ quyền quốc gia là thiêng liêng, môi trường hòa bình, ổn định là nhân tố quan trọng. Làm thế nào để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo vệ chủ quyền lãnh thổ với giữ vững môi trường hòa bình ổn định để phát triển kinh tế. 

Sáu là, thực trạng và những vấn đề đặt ra trong việc giải quyết mối quan hệ kinh tế - quốc phòng và hội nhập quốc tế ở Quảng Ninh. Những lợi thế, thách thức và kinh nghiệm của Quảng Ninh trong xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc về an ninh - quốc phòng và phòng tuyến hợp tác cạnh tranh kinh tế quốc tế.

Theo Ban Tổ chức, những nội dung của Hội thảo sẽ được chắt lọc, xã hội hóa, vận dụng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần thiết thực vào xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc về an ninh - quốc phòng và phòng tuyến hợp tác cạnh tranh kinh tế quốc tế, đồng thời tiếp tục góp phần vào quá trình tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn sau gần 30 năm đổi mới./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực