Hà Nam: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm trong thanh, thiếu niên

Thứ hai, 01/10/2012 16:52

 

Hình minh họa  (Nguồn: Báo Quảng Ninh)

Những năm gần đây, tình trạng vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh Hà Nam có chiều hướng gia tăng với nhiều diễn biến phức tạp. Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2011 đến nay trên địa bàn tỉnh Hà Nam xảy ra khoảng 300 vụ phạm pháp hình sự, trong đó đối tượng phạm tội ở lứa tuổi thanh, thiếu niên chiếm trên 60%, chủ yếu là tội trộm cắp, cướp tài sản, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, giết người…

Cùng với đó, tệ nạn ma túy, bạo lực học đường trong thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên cũng có chiều hướng tăng dần theo từng năm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do một bộ phận thanh, thiếu niên trình độ nhận thức pháp luật hạn chế, không có việc làm hoặc việc làm không ổn định lại không được quản lý chặt chẽ. Việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong công tác quản lý, giáo dục thanh thiếu niên chưa thường xuyên. Ngoài ra, công tác phối hợp giữa lực lượng công an với các ngành, đoàn thể trong việc phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh, thiếu niên còn nhiều hạn chế.

Trước thực trạng trên và để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 09/NQ – CP của Chính phủ và Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, UBND tỉnh Hà Nam chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương, trong đó nòng cốt là lực lượng Công an, ngành Tư pháp xây dựng kế hoạch đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật, đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm trong lứa tuổi thanh, thiếu niên nói riêng. UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành Kế hoạch “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2015”, trong đó yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tăng cường trách nhiệm trong công tác giáo dục, phổ biến pháp luật cho thanh, thiếu niên, khảo sát, nắm tình hình thực hiện pháp luật của thanh, thiếu niên.

Lực lượng Công an, ngành Tư pháp tỉnh Hà Nam phối hợp với ngành giáo dục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội trong các trường học, bậc học bằng cách tập trung nâng cao chất lượng giảng dạy môn giáo dục công dân. Song song với việc bồi dưỡng lý luận chính trị, pháp luật và kỹ năng phổ biến giáo dục pháp luật cho 100% giáo viên, ngành giáo dục tiến hành kiện toàn đội ngũ giáo viên dạy môn giáo dục công dân ở hai cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông. Đồng thời bổ sung tài tài liệu pháp luật mới về các trường để phục vụ tốt hơn cho công tác giảng dạy, học tập pháp luật. Hà Nam xây dựng mô hình “An toàn trường học”, “Hòm thư giúp bạn" tại các nhà trường nhằm cập nhật những thông tin về tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội xâm nhập vào học đường và có biện pháp xử lý kịp thời. Công an các cấp tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai sâu rộng cuộc vận động “Toàn dân tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, quản lý, giáo dục những người lầm lỗi tại cộng đồng”. Qua đó kịp thời nắm tình hình, xử lý kịp thời vi phạm pháp luật của các đối tượng; phối hợp với các cấp bộ đoàn triển khai chương trình quốc gia phòng chống tội phạm đến 100% cơ sở đoàn, trong đó tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động và phòng ngừa đấu tranh phòng, chống tội phạm; giáo dục, giúp đỡ thanh, thiếu niên hư chậm tiến, vận động các em đến trường học tập, vui chơi, phòng ngừa vi phạm pháp luật xảy ra. Bên cạnh đó, công tác điều tra, giải quyết, xét xử các vụ án mà đối tượng phạm tội trong lứa tuổi thanh, thiếu niên luôn được các ngành trong khối nội chính thực hiện toàn diện, khách quan, không để xảy ra oan sai, không bỏ lọt tội phạm, đảm bảo tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

Để thực hiện mục tiêu chặn đứng, làm giản dần và tiến tới xóa bỏ tình trạng thanh, thiếu niên phạm tội, thiết nghĩ các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh Hà Nam cần tiến hành điều tra, khảo sát đánh giá chính xác tình trạng thanh, thiếu niên hư vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, đề xuất với cấp ủy, chính quyền có kế hoạch giải quyết. Cùng với đó, gia đình, nhà trường và xã hội cũng cần tăng cường phối hợp trong công tác quản lý, giáo dục con em; điều tra phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi xúi giục, lôi kéo thanh, thiếu niên vào các hoạt động phạm tội, tiến tới xóa bỏ tình trạng trẻ em bỏ nhà đi lang thang. Các ngành và các địa phương bố trí việc làm cho các trường hợp sau khi đi cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh bắt buộc, tha tù, hạn chế thấp nhất trường hợp tái vi phạm pháp luật./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực