Những “chiến binh” trong Bệnh viện dã chiến

Thứ ba, 31/08/2021 11:48
(ĐCSVN) - Trước diễn biến dịch Covid-19 trên địa tỉnh Nghệ An hết sức phức tạp, cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang (LLVT) Nghệ An đã tập trung toàn tâm, toàn lực, phát huy vai trò nòng cốt, xung kích trên mặt trận phòng, chống dịch góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân.
Bộ CHQS Nghệ An kiểm tra công tác chuẩn bị bữa ăn phục vụ công dân điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 1. 

Thực hiện những công việc vốn âm thầm, lặng lẽ nhưng hết sức khẩn trương, cán bộ, chiến sĩ LLVT Nghệ An đã có nhiều hành động việc làm thiết thực như: thần tốc tham gia thành lập Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19; tiếp tế lương thực, thực phẩm cho bệnh nhân; bảo vệ an ninh trật tự; phun khử khuẩn; vận chuyển rác thải, trang thiết bị y tế... Từ trong gian khó, hoạn nạn bằng những việc làm cụ thể, cán bộ, chiến sĩ LLVT Nghệ An đã góp phần tỏa sáng phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trên quê hương Bác Hồ kính yêu.

Thần tốc lập bệnh viện

Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có 5 bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 được thiết lập. Với sự thầm lặng góp sức của cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực, dân quân tự vệ đã cùng với lực lượng y tế tạo niềm tin, động lực cho các công dân không may nhiễm Covid-19 vượt qua những ngày khó khăn, hoạn nạn.

Một trong những bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 được thiết lập sớm nhất của tỉnh Nghệ An đó là Bệnh viện dã chiến số 1 tại huyện Hưng Nguyên. Chỉ trong một thời gian ngắn chuẩn bị, ngày 29/6/2021, bệnh viện dã chiến số 1 với hơn 100 giường bệnh đi vào hoạt động.

Thuận lợi lớn nhất khi thành lập Bệnh viện dã chiến số 1 là đã có sẵn một số trang, thiết bị của Bệnh viện Đa khoa huyện Hưng Nguyên. Tuy nhiên, để thành lập một Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 đòi hỏi phải bảo đảm nhiều yêu cầu khác mà cán bộ, chiến sĩ đơn vị phải tham gia chuẩn bị. Theo Thượng tá Nguyễn Văn Hướng, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Hưng Nguyên, đơn vị đã huy động tối đa nhân lực, vật lực để hoàn thành nhiệm vụ theo đúng kế hoạch. Từ hệ thống cơ sở vật chất như giường bệnh nhân, hệ thống điện, nước… đơn vị đều phải tu sửa, sắp xếp lại để bảo đảm đủ phục vụ bệnh nhân. Quá trình làm công tác chuẩn bị, cán bộ, chiến sĩ tuân thủ nghiêm các quy định phòng dịch, đồng thời nỗ lực làm việc hết sức để hoàn thành sớm nhất Bệnh viện dã chiến số phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19.

Bệnh viện dã chiến số 3 và số 4 đặt tại thị xã Cửa Lò cũng được cán bộ, chiến sĩ LLVT Nghệ An tham gia thiết lập thần tốc. Sáng 19/8/2021, có mặt tại địa điểm lập Bệnh viện dã chiến số 3, chúng tôi chứng kiến cán bộ, chiến sĩ khẩn trương tổng dọn vệ sinh, lắp đặt giường bệnh... Đại tá Dương Minh Hiền, Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS Nghệ An trực tiếp chỉ huy, điều hành công tác chuẩn bị thành lập bệnh viện chia sẻ: “Lực lượng của các đơn vị thuộc LLVT tỉnh Nghệ An đã vào cuộc đầy trách nhiệm, gấp rút chuẩn bị cơ sở vật chất và phương án bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, y, bác sĩ và cả bệnh nhân". Sáng ngày 20/8, Bệnh viện dã chiến số 3 với quy mô 250 giường bệnh đã hoàn thành đưa vào hoạt động.

Có mặt tham gia làm công tác chuẩn bị và phục vụ tại Bệnh viện dã chiến số 3, Thiếu tá Lê Thanh Phong, Trợ lý Chính trị Ban CHQS thị xã Cửa Lò chia sẻ: Xác định nhiệm vụ thành lập và phục vụ tại Bệnh viện dã chiến rất quan trọng đối với cuộc chiến chống dịch Covid-19, chiến sĩ LLVT thị xã Cửa Lò luôn làm việc với tinh thần cao nhất để sớm đưa bệnh viện đi vào hoạt động góp phần chăm sóc sức khỏe, bảo vệ tính mạng nhân dân.

Mồ hôi đẫm áo “anh nuôi”

Chiều muộn, nắng tắt dần, nhưng cái oi nồng của tiết trời miền Trung vẫn hiện diện. Các chiến sĩ thuộc Ban CHQS Hưng Nguyên phục vụ tại Bệnh viện dã chiến số 1 đang tất bật sắp xếp bữa tối cho các bệnh nhân và đội ngũ y, bác sĩ. Mồ hôi đẫm áo, chảy tràn gương mặt các chiến sĩ... Từ khu vực tập kết, từng chuyến xe đẩy đưa cơm và đồ của người nhà gửi cho bệnh nhân được chuyển tới khu vực trung chuyển. Các chiến sĩ trong khu vực cách ly ra nhận và đưa tới từng giường bệnh. Trong tiết trời nóng bức các “anh nuôi” phải thực hiện nhiệm vụ trong bộ quần áo bảo hộ kín mít và trên tay nặng trĩu những suất cơm... 

 Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thị xã Cửa Lò chuẩn bị cơ sở vật chất thành lập Bệnh viện dã chiến số 3.

Đại úy QNCN Cao Văn Tuấn, nhân viên phục vụ mặt đỏ bừng vì nóng bức sau lúc đưa cơm, cho biết: “Để bảo đảm an toàn, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chúng tôi phải mặc bộ bảo hộ phòng dịch rất khó chịu vì nóng nực và khó di chuyển. Để có thể hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi phải tăng cường tập thể thao nhằm nâng cao sức khỏe, đồng thời luôn xác định phải cố gắng hết sức để phục vụ bệnh nhân. Đặc biệt, khi biết tôi thực hiện nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến số 1, vợ và bố mẹ rất ủng hộ và động viên nên tôi càng quyết tâm gắng sức".

Cùng thực hiện nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến số 1, Thượng úy QNCN Nguyễn Văn Thắng, nhân viên nuôi quân cũng nhận được sự động viên rất nhiệt tình của vợ và bố mẹ. Dù việc phục vụ bệnh nhân Covid-19 rất vất vả và có nguy cơ lây nhiễm cao, nhưng anh luôn giữ được nụ cười tươi giòn. Với anh Thắng, niềm vui lớn nhất là mỗi lần được bệnh nhân khỏi bệnh ra viện vẫy tay chào.

Bệnh viện dã chiến số 1 cũng như các Bệnh viện dã chiến khác và các khu cách ly trên địa bàn, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Nghệ An luôn tận tình phục vụ, thực sự là chỗ dựa tin cậy trong công tác điều trị bệnh nhân Covid-19. Không chỉ bảo đảm ngày 3 bữa cơm, các chiến sĩ còn đảm nhận tất cả những công việc khác như, bảo vệ an ninh trật tự, phun khử khuẩn, vận chuyển rác thải, vận chuyển nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế...

Được đưa vào sử dụng từ ngày 13/8/2021, Bệnh viện dã chiến số 2 của tỉnh Nghệ An đặt tại Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Đàn, với quy mô 150 giường bệnh. Cũng từ ngày đó đến nay, gần 50 cán bộ, chiến sĩ cơ quan quân sự và lực lượng dân quân tự vệ huyện Nghĩa Đàn luôn tận tụy với nhiệm vụ của mình. Tại đây, cán bộ, chiến sĩ LLVT Nghĩa Đàn ngày đêm tham gia cùng ngành y tế phục vụ, cứu chữa người bệnh. Bác sĩ Đặng Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Đàn kiêm Giám đốc Bệnh viện dã chiến sỗ 2 cho biết: “Nhờ có sự trợ giúp nhiệt tình của bộ đội và dân quân, anh em y tế hoàn toàn yên tâm thực hiện nhiệm vụ chuyên môn”.

Nhiều ngày qua, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ LLVT Nghệ An lặng lẽ với những công việc nặng nhọc, ẩn chứa đầy hiểm nguy. Chẳng thể cân đo đong đếm được những gì họ đang trải qua, những công sức họ đóng góp cho "cuộc chiến" đẩy lùi dịch bệnh. Với tinh thần hết mình vì nhân dân, cán bộ, chiến sĩ LLVT Nghệ An nỗ lực làm việc với ý chí quyết tâm cao nhất, góp phần để những bệnh nhân sớm khỏi bệnh, về nhà và đó là niềm hạnh phúc của họ.../.

Bài, ảnh: Chế Thị Kim Dung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực