Những người góp phần giữ bình yên vùng trời Tổ quốc

Thứ sáu, 06/12/2013 19:18

(ĐCSVN) Thành lập ngày 30/10/1975, trải qua quá trình phấn đấu, Sư đoàn 370 đã ngày càng lớn mạnh. Cán bộ, chiến sỹ của Sư đoàn 370 hôm nay không những làm chủ được các phương tiện, khí tài hiện đại, bảo đảm an toàn cho những chuyến bay, mà còn có thể tự sửa chữa, khắc phục những sự cố của các phương tiện bay có giá trị lớn.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao

Theo Đại tá Bùi Đức Thành - Chủ nhiệm chính trị của Sư đoàn 370, là đơn vị Không quân hỗn hợp thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân, hiện Sư đoàn đang quản lý, khai thác và sử dụng nhiều loại máy bay, vũ khí, khí tài hiện đại, có đủ khả năng làm nhiệm vụ trên đất, trên biển góp phần bảo vệ vững chắc vùng trời, chủ quyền biển, đảo thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc và thực hiện các nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, vận chuyển quân sự...

Trong năm 2013, quán triệt nghị quyết của Thường vụ Đảng uỷ Bộ Tư lệnh và Hội đồng thi đua khen thưởng Quân chủng Phòng không - Không quân, Sư đoàn 370 đã xác định 3 khâu đột phá, nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua quyết thắng gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đó là đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện quân sự, trọng tâm là huấn luyện bay, huấn luyện làm chủ vũ khí, thiết bị, khí tài mới, cải tiến.

 

Sửa chữa máy bay tại Trung đoàn 917. (Ảnh: KV)


Chính vì vậy, Sư đoàn đã tập trung thực hiện tốt phương châm và tư tưởng huấn luyện coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu theo nhiệm vụ, sát với từng đối tượng, địa bàn tác chiến. Nâng cao trách nhiệm và trình độ của đội ngũ cán bộ các cấp trong huấn luyện, nhất là huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật; kiểm tra, đánh giá đúng thực chất kết quả, khắc phục triệt để hạn chế, yếu kém trong huấn luyện, diễn tập. Tích cực huấn luyện chuyển loại, nghiên cứu làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật; thường xuyên bổ sung, kiện toàn lực lượng theo biên chế cho các đơn vị được trang bị vũ khí mới.

Cũng theo Đại tá Bùi Đức Thành, từ nhiều năm qua, công tác huấn luyện chiến đấu luôn được Sư đoàn coi trọng và thực hiện tốt các khoa mục huấn luyện bay, đào tạo giáo viên, chỉ huy bay. Đặc biệt, từ khi đưa Nghị quyết của các cấp ủy đảng vào triển khai ở đơn vị, trong công tác huấn luyện đã luôn quán triệt phương châm: “Cơ bản, thiết thực, vững chắc, an toàn, tiết kiệm” và tư tưởng chỉ đạo: “Đổi mới, thiết thực, thận trọng, an toàn”.

Ngoài ra, đơn vị còn tổ chức thực hành bay đạt kết quả tốt, an toàn tuyệt đối, được Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đánh giá cao khả năng thực hành tác chiến trên không của Sư đoàn. Tích cực tổ chức bay trinh sát chụp ảnh, trinh sát mắt, tiêm kích phòng không, tiêm kích bom, tăng cường bay trinh sát tuần tiễu trên biển để khẳng định chủ quyền biển, đảo Việt Nam, bảo đảm tốt cho các nhiệm vụ.

Thực hiện tốt điều lệ công tác kỹ thuật và các chỉ thị, hướng dẫn, qui định của ngành kỹ thuật cũng được Sư đoàn 370 quán triệt, triển khai đến từng đơn vị. Theo đó, quản lý chặt chẽ vũ khí trang bị kỹ thuật trên 3 mặt, đó là số lượng, chất lượng và sự đồng bộ. Đồng thời, thực hiện xây dựng nề nếp chính qui trong công tác kỹ thuật, từng bước trang bị, nâng cấp phòng điều hành kỹ thuật của các đơn vị. Phối hợp chặt chẽ với Cục Kỹ thuật Quân chủng Phòng không – Không quân, các nhà máy và chuyên gia làm tốt công tác sửa chữa, hồi phục, cải tiến, nâng cấp máy bay, vũ khí trang bị kỹ thuật, xe máy điện khí, bảo đảm tốt cho các nhiệm vụ.

Ngoài ra, đơn vị còn tích cực học tập, nghiên cứu không ngừng vươn lên làm chủ khoa học kỹ thuật, sử dụng thành thạo các loại vũ khí trang bị kỹ thuật, nhất là vũ khí trang bị kỹ thuật mới, hiện đại, có tính năng ưu việt để nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu. Hoạt động khoa học công nghệ, môi trường và phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật luôn được quan tâm khuyến khích. Trong năm 2013, đã có 2 đề tài cấp Quân chủng được giải thưởng, 1 đề tài cấp Sư đoàn được giải thưởng tại Hội thi mô hình học tập của Quân chủng và 1 đề tài cấp Sư đoàn đoạt giải Tuổi trẻ sáng tạo của Quân chủng.

Những con người quả cảm, sáng tạo

Rất khó để có thể kể hết về những tấm gương của cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 370 trong những năm qua. Xuống tận nơi thăm họ, mới thấy công việc hàng ngày quả là khối lượng vô cùng lớn. Liên quan đến những chuyến bay, công việc của mỗi một con người được giao gắn với trách nhiệm nặng nề, do đặc thù của đơn vị.

Chỉ trong năm 2013, đơn vị đã thực hiện gần chục chuyến bay quan trọng ra quần đảo Trường Sa, trong đó có đến 5 chuyến bay chở ngư dân bị nạn trên biển, trên đảo vào đất liền cấp cứu kịp thời.

Thượng tá Đỗ Thanh Hồng, Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 917 - Sư đoàn 370 nhớ lại, khi được nhận nhiệm vụ bay ra với Trường Sa, lần đầu tiên không khỏi hồi hộp, xúc động xen lẫn lo âu. Hàng năm, biển Trường Sa phân thành hai mùa rõ rệt, đó là mùa khô và mùa mưa. Bay trong thời điểm mùa khô còn dễ chịu, bay vào mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm là vô cùng nguy hiểm, nhất là bay trên biển và đối với máy bay trực thăng.

Muôn vàn khó khăn có thể gặp khi bay biển gặp thời tiết không thuận. Kỷ niệm mà Thượng tá Hồng nhớ nhất là bay ra đảo Đá Lát cấp cứu người bệnh năm 2009, đây là một trong những chuyến bay phức tạp mà anh đã vượt qua, đưa tất cả mọi người về bờ an toàn, cấp cứu kịp thời bệnh nhân. Đến nay, Thượng tá Đỗ Thanh Hồng đã có hơn 1000 giờ bay ra đảo an toàn.

Tới thăm Trung đoàn 935 - Sư đoàn 370, ai cũng khâm phục tinh thần dám nghĩ, dám làm, sự sáng tạo trong công việc của đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật của Tiểu đoàn Kỹ thuật hàng không, bởi họ đã vượt qua khó khăn, thiếu thốn, vươn lên làm chủ khí tài hiện đại, góp phần cùng trung đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển, đảo phía Nam của Tổ quốc.

 Thượng úy chuyên nghiệp Trần Gia Chuân, người con trai quê lúa Thái Bình chưa đến tuổi 30, một trong tấm gương điển hình của Tiểu đoàn Kỹ thuật hàng không cho biết, sau khi tốt nghiệp Trường Sỹ quan chỉ huy Kỹ thuật Không quân Nha Trang, anh về nhận công tác ở Trung đoàn 935 và trực tiếp làm việc tại phân xưởng thoát hiểm.

Bằng kiến thức đã học và quan sát thực tế, với nguồn kinh phí tự túc, anh là người đã chế tạo thành công máy kiểm tra thông điện hệ thống thoát hiểm CY-27 cho một trong những loại máy bay chiến đấu hiện đại nhất của Việt Nam. Với sáng kiến này, thay vì phải dùng hai máy của nước ngoài như trước thì bây giờ chỉ cần một máy lại nhẹ nhàng khi vận chuyển và chỉ cần một người thay vì hai như trước, tiết kiệm gần một nửa thời gian thao tác.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực