Phát huy nhân tố chính trị, tinh thần trong Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”

Thứ tư, 21/11/2012 17:15

(ĐCSVN) – Nhân kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12/1972- 12/2012), sáng 21/11, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quân sự ( Bộ Quốc phòng) tổ chức Hội thảo khoa học: Nhân tố chính trị, tinh thần trong Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không năm 1972 - Giá trị lịch sử và hiện thực.

Hội thảo được tổ chức nhằm góp phần làm rõ hơn vai trò của nhân tố chính trị, tinh thần trong Chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, khẳng định tầm vóc, giá trị lịch sử, hiện tại, tương lai, vai trò, ý nghĩa, nguyên nhân thắng lợi, bài học kinh nghiệm về xây dựng nhân tố chính trị, tinh thần trong Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972; trên cơ sở đó kế thừa, xây dựng niềm tin, ý chí, quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ; xây dựng nhân tố chính trị, tinh thần của quân đội và nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

 Hội thảo khoa học Nhân tố chính trị, tinh thần trong Chiến thắng “Hà Nội
- Điện Biên Phủ trên không
năm 1972 - Giá trị lịch sử và hiện thực (Ảnh: HN)


Cách đây 40 năm, Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã ghi một mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Quân và dân ta đã tiến hành một chiến dịch phòng không quy mô lớn chống lại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B.52 chưa từng có trong lịch sử chiến tranh hiện đại. Chiến dịch này, ta đã giáng đòn quyết định đập tan ưu thế của lực lượng không quân chiến lược Hoa Kỳ, góp phần quyết định “đánh cho Mỹ cút”, tạo tiền đề “đánh cho ngụy nhào” vào mùa xuân 1975.

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là một sự kiện có giá trị lịch sử và thời đại sâu sắc, biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng; chiến thắng của đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao, của bản lĩnh, ý chí và trí tuệ, văn hoá, truyền thống Việt Nam; đỉnh cao của nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo phát huy sức mạnh tổng hợp; là thắng lợi của tư tưởng chiến lược tiến công, tích cực, chủ động, mưu trí, sáng tạo của quân và dân ta trong lịch sử chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc.

Tại Hội thảo, các nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học đã tập trung trao đổi, thảo luận về giá trị lịch sử, hiện tại, tương lai của nhân tố chính trị, tinh thần- một trong những nhân tố quyết định làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972; vai trò của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng, các cấp uỷ, tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy, cán bộ, đảng viên các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trong và ngoài quân đội, từ trung ương đến cơ sở trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tiến hành công tác đảng, công tác chính trị, công tác tư tưởng, tổ chức nhằm khơi dậy lòng căm thù giặc, xây dựng niềm tin, ý chí, dám đánh, quyết đánh, quyết thắng đế quốc Mỹ xâm lược, mà nòng cốt là cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Phòng không - Không quân; làm rõ thành công và những bài học kinh nghiệm về xây dựng và phát huy nhân tố chính trị - tinh thần trong chiến tranh; xây dựng con người và tổ chức; nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm tiến hành công tác đảng, công tác chính trị; xây dựng niềm tin, ý chí chiến đấu; tinh thần sẵn sàng hy sinh, vượt mọi khó khăn, gian khổ, ác liệt, độc lập tự chủ, tự lực, tự cường, đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Bên cạnh đó, các tham luận khẳng định việc phát huy nhân tố chính trị, tinh thần trong Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay. Đặc biệt, chỉ rõ tính cấp thiết, yêu cầu vận dụng kinh nghiệm lịch sử của chiến dịch để xác định nội dung, giải pháp xây dựng nhân tố chính trị, tinh thần trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; phát huy nhân tố chính, trị tinh thần trong Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, đề xuất phương hướng, yêu cầu, nội dung nghiên cứu khoa học nhằm cung cấp những luận cứ, tạo cơ sở, tiền đề cho xây dựng, nâng cao sức mạnh chiến đấu tổng hợp của quân đội. Các tham luận cũng đánh giá đúng, làm rõ những đóng góp và trách nhiệm của Học viện Chính trị trong đào tạo đội ngũ cán bộ chính trị đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Kết luận Hội thảo, Trung tướng, TS. Nguyễn Tiến Quốc, Giám đốc Học viện Chính trị Quân sự khẳng định: Tất cả các ý kiến tại Hội thảo đều có ý nghĩa lý luận, thực tiễn sâu sắc, góp phần cung cấp thêm nhiều luận cứ khoa học. Trên cơ sở kết quả của Hội thảo lần này, Đảng uỷ, Ban Giám đốc Học viện, các nhà khoa học, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý sẽ tiếp tục nghiên cứu, khẳng định những giá trị lịch sử và hiện thực của nhân tố chính trị, tinh thần và việc phát huy nhân tố chính trị, tinh thần trong Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vào xây dựng, huy động tiềm lực chính trị, tinh thần trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong thời đại mới. Kết quả Hội thảo sẽ là cơ sở để vận dụng vào giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở Học viện trong thời gian tới.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực