Quảng Trị: Phát động đợt cao điểm thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ

Thứ năm, 11/10/2012 16:29

Ngày 10/10, UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Công an tỉnh đã tổ chức Hội nghị triển khai pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; phát động đợt cao điểm thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Quảng Trị là tỉnh còn lưu giữ nhiều dấu tích bom đạn, vật liệu gây nổ trong chiến tranh còn sót lại lớn nhất ở nước ta hiện nay. Hiện có 83,8% diên tích đất đai của tỉnh bị ô nhiễm bom mìn. Theo số liệu thống kê từ 1975 – 1995, mỗi năm tại Quảng Trị có trên dưới 150 người chết do tai nạn liên quan đến bom mìn. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Bình Trị Thiên (cũ) đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-UB ngày 7/1/1985 và UBND tỉnh Quảng Trị ban hành Chỉ thị số 05/CT-UB ngày 6/9/1989 về việc phát động thu hồi, đăng ký vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trên địa bàn. Sau 15 năm tổ chức thực hiện Nghị định 47/CP của Chính phủ, gần 100% số hộ dân trong tỉnh đã ký cam kết không tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Công an tỉnh đã tổ chức đăng ký 898 khẩu súng, 3.971 công cụ hỗ trợ các loại phục vụ yêu cầu công tác, huấn luyện của các cơ quan, tổ chức liên quan. Nhân dân đã phát hiện, giao nộp cho các lực lượng Công an 427 khẩu súng các loại, 8.420 viên đạn, 766 đầu đạn pháo, hơn 3.000 kg thuốc nổ... Cơ quan Quân sự, dân quân tự vệ đã thu gom 113.000 quả bom mìn các loại. Bên cạnh đó, các lực lượng điều tra đã phát hiện 96 vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ...

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, ông Nguyễn Đức Cường, trong những năm vừa qua, việc thực hiện Nghị định số 47/CP của Chính phủ về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã góp phần quan trọng trong việc giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình hình buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sản xuất các loại vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cùng đồ chơi bạo lực đang có chiều hướng gia tăng làm nhân dân lo lắng, xã hội bất an. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước đối với công tác này chưa thường xuyên, chặt chẽ, còn để sơ hở; việc xử lý vi phạm chưa nghiêm; Nghị định 47/CP có một số nội dung không còn phù hợp với thực tiễn, tình hình...

Trước tình hình trên, ngành Công an phải chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch tuyên truyền, tổ chức tập huấn các cán bộ trực tiếp thực hiện công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các quy định pháp luật liên quan. Xây dựng kế hoạch tổng kiểm tra và mở đợt cao điểm vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm. Đồng thời, tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện báo cáo UBND tỉnh và Bộ Công an theo quy định./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực