Sơn La làm tốt công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

Thứ hai, 15/10/2012 16:33

Trên 10 vạn khẩu súng các loại, trong đó có 224 súng quân dụng được thu hồi; 1.064 quả bom các loại được phát hiện và xử lý tuyệt đối an toàn. Đó là kết quả mà chính quyền, các cấp, các ngành, đoàn thể tỉnh Sơn La đạt được trong việc kiên trì vận động người dân thực hiện Nghị định 47/CP (ngày 12/8/1996) của Chính phủ và triển khai Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH khoá XII ngày 30/6/2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Một huyện cụ thể như huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La , từ năm 2004 đến nay đã vận động người dân giao nộp 9.626 khẩu súng tự chế, 10 khẩu súng quân dụng, 5 quả lựu đạn cùng hàng trăm viên đạn, kíp nổ, thuốc nổ…; Xã Huổi Một, huyện biên giới Sông Mã ( Sơn La), từ đầu năm 2012 đến nay vận động người dân giao nộp 90 khẩu súng săn tự chế, súng hơi, súng kíp; 13 kíp mìn, 1,3 kg thuốc nổ .

Ông Lầu Sáy Nhìa, Trưởng dòng họ, người có uy tín ở bản Khua Họ, xã Huổi Một, huyện Sông Mã chia sẻ: “Tục lệ của người Mông bao năm nay gắn liền với khẩu súng kíp này. Mỗi khi trong gia đình người đồng bào Mông có người khuất núi thì con trai trưởng trong dòng họ sẽ phải thực hiện nghi lễ bắn súng chỉ thiên lên trời để báo hiệu cho ông bà, họ hàng, anh em, bạn bè được biết. Thực tế, khi sử dụng súng, một số người đã lợi dụng làm việc khác như săn bắn thú rừng hay do mâu thuẫn cá nhân có thể dùng súng để đe dọa nhau dẫn đến những hậu quả khó lường...Vì vậy, Nhà nước yêu cầu thu hồi vũ khí, bà con trong bản thấy rằng đây là một việc làm rất có ý nghĩa và đã tự giác đến nộp".

Để vận động quần chúng tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, thay đổi thói quen sử dụng súng tự chế, súng kíp đã ăn sâu vào tiềm thức của bà con dân tộc thiểu số, nhiều việc phải làm, nhiều khó khăn phải khắc phục như: Địa bàn rộng, giao thông đi lại không thuận lợi; số lượng súng săn tự chế, súng kíp tập trung nhiều ở các bản vùng sâu vùng xa mà nhân dân thường để trên lán nương hoặc khi biết có cuộc vận động họ cố tình mang đi dấu trong rừng hay hốc đá... Tại một số bản xa xôi chỉ có đường mòn mới đến được như Nong Khe, Túp Phạ A, Pha Phóng, Khua Họ thuộc huyện sông Mã, Công an huyện phải bố trí lực lượng đến từng nhà, gặp từng người tuyên truyền cho bà con hiểu rõ tác hại của các loại vũ khí, vật liệu nổ để từ đó bà con tự giác giao nộp. Điển hình như bản Khua Họ, 100% là đồng bào Mông, lực lượng chức năng đã thuyết phục được bà con dân bản tự nguyện đến giao nộp vũ khí. Thượng tá Lê Minh Loan, Trưởng Công an huyện Sông Mã cho biết: “Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên đã làm thay đổi căn bản về thói quen sử dụng súng săn tự chế, súng kíp của đồng bào, làm chuyển biến từng bước nhận thức đến hành động của đồng bào về pháp luật. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng đã tranh thủ các già làng, trưởng bản, người có uy tín thực hiện việc giao nộp vũ khí, vật liểu nổ, công cụ hỗ trợ trước để bà con làm theo”.

Từ kết quả việc triển khai đề án điểm ở xã Huổi Một, trong thời gian tới, tỉnh Sơn La tiếp tục chỉ đạo triển khai Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tại một số xã, bản vùng cao biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh đang tồn đọng nhiều vũ khí tự chế, súng săn, vật liệu nổ nhằm đảm bảo an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. /.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực