Thắm tình đoàn kết

Thứ ba, 04/10/2022 09:51
(ĐCSVN) - Trên cơ sở bám sát thực tiễn cùng cách làm sáng tạo, mô hình “Kết nghĩa bản - bản” 02 bên biên giới giữa bản Ra Ró (Việt Nam) và bản Ro Ró (Lào) góp phần giữ gìn sự ổn định ở khu vực biên giới; củng cố và tăng cường mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào.

Xuất phát từ đặc điểm về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, phong tục tập quán, tình cảm máu thịt, mối quan hệ gắn bó keo sơn của đồng bào các dân tộc anh em hai bên biên giới, năm 2007, huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị, Việt Nam) và huyện Sa Muội (tỉnh Salavan, Lào) đã tổ chức Lễ kết nghĩa giữa bản Ra Ró, xã A Vao và bản Ro Ró, Cụm 2. Trên cơ sở đó, hai bản đã thống nhất thông qua quy chế hoạt động kết nghĩa với 13 nội dung, 04 trách nhiệm của quy chế kết nghĩa, đúng Hiệp định quy chế biên giới Việt Nam- Lào, pháp luật mỗi nước và phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào dân tộc biên giới. Thành lập ban chỉ đạo do trưởng bản trực tiếp chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân tự nguyện đăng ký cam kết thực hiện quy chế.

Nét nổi bật trong hoạt động kết nghĩa giữa hai bản là hai bên thường xuyên tuyên truyền, giáo dục xây dựng và củng cố mối quan hệ đoàn kết, gắn bó của Nhân dân hai bản, góp phần vào xây dựng tình đoàn kết đặc biệt hữu nghị Việt - Lào, đồng thời thông qua hoạt động của phong trào đã thực sự giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, giữ vững an ninh trật tự thôn bản, bảo vệ vững chắc đoạn biên giới tiếp giáp giữa hai bản. Qua hoạt động trao đổi tình hình và công tác tuyên truyền nhận thức về biên giới, chủ quyền lãnh thổ của nhân dân được nâng lên rõ rệt, ý thức chấp hành pháp luật và hoạt động qua lại biên giới của cư dân đúng pháp luật, không có trường hợp nhân dân hai bản vi phạm quy chế Biên giới.

Anh Khăm Puông, người dân bản Ro Ró/Lào chia sẻ: “Nhờ được các lực lượng tuyên truyền nên tôi và mọi người trong bản đều thấy rõ trách nhiệm trong tăng cường đoàn kết với bản Ra Ró, xã A Vao. Các hộ đều động viên nhau cùng tích cực tham gia các hoạt động kết nghĩa, phối hợp cùng người dân Việt Nam giữ gìn và bảo vệ biên giới chung”.

Phối hợp tặng quà, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân bản Ra Ró/Việt Nam và bản Ro Ró/Lào.

Trên thực tế, nhiều hoạt động kết nghĩa của cư dân bản Ra Ró/Việt Nam và bản Ro Ró/Lào đã góp phần vào thực hiện có hiệu quả phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc quốc giới”. Đến nay, 100% số hộ gia đình có đất giáp biên giới của hai bản đã tự nguyện đăng ký cam kết, quản lý bảo vệ cột mốc quốc giới, khi có dấu hiệu phai mờ sơn, hoặc sau mỗi đợt mưa lũ, đều báo cáo với lực lượng biên phòng hai nước. Người dân luôn tích cực phối hợp và tham gia công tác tuần tra, phát quang đường biên, sơn sửa bảo dưỡng cột mốc. Chỉ tính từ năm 2020 đến nay, cùng với Đồn Biên phòng A Vao và lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn Lào, đã có gần 500 lượt người dân tham gia 38 đợt tuần tra phát quang đường biên, mốc quốc giới.

Đặc biệt, việc phối hợp, giúp đỡ nhau cùng phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của người dân hai bên biên giới đã được thực hiện có hiệu quả. Đảng ủy, UBND xã A Vao đã cùng các ban ngành đoàn thể xã, các lực lượng đứng chân trên địa bàn, ban cán sự hai bản phổ biến các kiến thức về khoa học kỹ thuật, chăn nuôi, trồng trọt, phòng chống dịch bệnh được 08 đợt/475 lượt người tham gia; hỗ trợ cây trồng, vật nuôi giúp nhau phát triển kinh tế - xã hội được 03 lần với 3000 gốc sắn, 50 kg ngô giống các loại, 120 kg lúa giống trồng ở rẫy, 100 gốc tre trồng lấy măng, 200 gốc dứa, 500 gốc chuối, 100 ngan, gà giống các loại…

Tổ chức khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, giúp nhau phòng chống dịch bệnh được 07 đợt/174 lượt người, tập trung chống bệnh sốt xuất huyết, tiêu chảy và lao phổi; UBND xã A Vao cùng Đồn Biên phòng A Vao hỗ trợ tặng quà, lương thực thực phẩm, nhu thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân bản Ro Ró/Lào nhất là trong đợt thiên tai bão lũ, dịch bệnh COVID-19 vừa qua; người dân bản Ra Ró/Việt Nam với tinh thần kết nghĩa đã giúp nhân dân bản Ro Ró/Lào dựng 12 ngôi nhà gỗ với trên 370 ngày công lao động.

Đồng chí Hồ Văn Hùng chủ tịch xã A Vao, huyện Đakrong, tỉnh Quảng Trị cho biết: “Tuy còn những khó khăn nhất định song với truyền thống gắn bó, đoàn kết, người dân 2 bản ở hai bên biên giới đã thường xuyên thực hiện tốt quy chế kết nghĩa; tích cực tham gia tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc. Hiệu quả tích cực từ mô hình “Kết nghĩa bản - bản” đã trực tiếp góp phần vào sự ổn định, phát triển của địa phương”.

Bên cạnh đó, để phòng, chống tội phạm và giữ gìn bình yên hai bên biên giới, bản Ra Ró và bản Ro Ró đã thống nhất thành lập các tổ tự quản về an ninh trật tự. Đồng thời, tăng cường giáo dục, quản lý, vận động nhân dân trong bản làng, tích cực đấu tranh ngăn chặn, không bao che tiếp tay cho tội phạm, khi có con em vi phạm, cùng nhau giáo dục, báo cáo với lực lượng chức năng xử lý đúng quy định. Theo đó, người dân hai bản đã trao đổi cung cấp hơn 270 nguồn tin có giá trị liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ biên giới.

Nhiều cá nhân tiêu biểu được tặng giấy khen nhân kỷ niệm 15 năm triển khai mô hình “Kết nghĩa bản - bản” giữa Ro Ró/Lào và bản Ra Ró/Việt Nam.

Mới đây, nhân kỷ niệm 15 năm triển khai mô hình “Kết nghĩa bản - bản”, UBND xã A Vao đã phối hợp cùng Đồn Biên phòng A Vao tổ chức chương trình khám, cấp phát thuốc miễn phí và tặng quà cho bản Ro Ró/Lào. Tại chương trình này, các đơn vị đã trao tặng 31 suất quà cho 31 hộ gia đình bản Ro Ró/Cụm II, mỗi suất quà 500 ngàn đồng bao gồm gạo, mì tôm, nước mắm các loại, quần áo. Tổ chức khám, cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 175 lượt người dân của hai bản Ro Ró/Lào và bản Ra Ró/Việt Nam.

Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, hai bản Ro Ró/Lào và bản Ra Ró/Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật, vận động nhân dân nắm vững và chấp hành đúng chính sách, pháp luật của hai Nhà nước; tích cực chăm lo giúp đỡ nhau phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh; duy trì và nhân rộng mô hình hộ gia đình cam kết tự quản đường biên, mốc giới. Tăng cường công tác giao lưu đối ngoại nhân dân, giữ vững bản chất, truyền thống tốt đẹp, tình đoàn kết hữu nghị gắn bó thủy chung giữa nhân dân hai bản, thường xuyên thông báo cho nhau về tình hình hai bên biên giới, cùng nhau giải quyết các vụ việc dứt điểm ngay từ đầu, không để dây dưa, kéo dài phức tạp, đưa phong trào kết nghĩa phát triển lên tầm cao mới.

Có thể thấy, mô hình “Kết nghĩa bản - bản” là mô hình sáng tạo, hiệu quả; là sự cụ thể hóa chủ trương về công tác đối ngoại của hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam - Lào. Mô hình này không chỉ khẳng định vị trí, vai trò to lớn của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới Tổ quốc, mà còn tô thắm thêm truyền thống gắn bó, đoàn kết đặc biệt Việt Nam – Lào vì sự ổn định, phát triển của hai nước, hai dân tộc./.

Bài, ảnh: Phạm Minh Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực