Tiếp nối mạch nguồn truyền thống

Thứ sáu, 23/10/2020 23:01
(ĐCSVN) - Bên cạnh hoạt động thi đua đột kích chào mừng kỷ niệm 62 năm ngày truyền thống (23-10-1958/ 23-10-2020), những ngày này, đông đảo cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 205, Binh chủng Thông tin liên lạc (TTLL) thường chủ động đến tham quan, học tập tại phòng truyền thống của đơn vị - nơi lưu giữ hàng trăm tài liệu, hiện vật quý, ghi dấu những chiến công đã trở thành huyền thoại của Bộ đội Thông tin.
leftcenterrightdel
Tuổi trẻ Lữ đoàn 205 chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu khoa học 

Đơn vị thông tin đầu tiên của quân đội

Đang chăm chú tìm hiểu, ghi chép nguồn gốc, ý nghĩa từng tài liệu, hiện vật tại phòng truyền thống, Trung sĩ Đỗ Trần Linh, tiểu đội trưởng, thuộc Trung đội 2, Đại đội 2, Tiểu đoàn 77 như reo lên khi bắt gặp chiếc máy thu P250 của Đại đội 5, Tiểu đoàn 77, được sử dụng để liên lạc với chiến trường miền Nam từ năm1968-1975. Đặc biệt, bên cạnh có bức “điện mật đi” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Bộ tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, được đồng chí Nguyễn Bá Líu, báo vụ viên Đại đội 5, Tiểu đoàn 77 thực hiện ngày 7-4-1975, ghi rõ: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ”. Đọc như nuốt từng dòng, từng chữ trên bức điện đặc biệt, đôi mắt cậu chiến sĩ trẻ sáng lên lấp lánh. Linh bộc bạch: “Ngày còn đi học, chúng tôi chỉ được biết đến lời hiệu triệu thiêng liêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua trang sách lịch sử và lời kể của thầy cô. Nay được tận mắt trông thấy nét chữ của Đại tướng, hiểu rõ hơn chiến công của các thế hệ cha anh đi trước, chúng tôi càng thêm tự hào về Lữ đoàn 205 anh hùng, nơi mình đang được phục vụ...”.

Nâng niu trên tay bức “điện mật đi” - kỷ vật qúy giá, Thượng tá Đỗ Trọng Huấn, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn 205, chia sẻ: “Cùng với hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm TTLL thường xuyên cũng như đột xuất, công tác giáo dục truyền thống luôn được Đảng ủy, chỉ huy lữ đoàn hết sức coi trọng. Bởi bề dày thành tích đơn vị và những tấm gương chiến đấu, hy sinh quên mình vì Tổ quốc của thế hệ cha anh đi trước chính là động lực, sức mạnh nội sinh, mạch nguồn truyền thống đối với thế hệ trẻ đơn vị hôm nay”.

Cũng theo Thượng tá Đỗ Trọng Huấn, Lữ đoàn 205 vốn là Trung đoàn 205, đơn vị thông tin đầu tiên của quân đội ta. Trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với nhiệm vụ vừa chiến đấu, vừa xây dựng, bảo đảm TTLL phục vụ nhiều chiến dịch lớn. Ngày 23-10-1958, tại Bãi Bằng (Phong Châu, Phú Thọ), Trung đoàn 205 chính thức công bố thành lập. Tại đây, đồng chí Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, thay mặt Tổng Quân ủy, Bộ Quốc phòng đã trao lá “Quân kỳ quyết thắng” tặng trung đoàn. Kể từ đây, ngày 23-10 trở thành ngày truyền thống của đơn vị. 

leftcenterrightdel
Hoạt dộng giáo dục truyền thống được duy trì thường xuyên tại Lữ đoàn 205 

Nối tiếp truyền thống hào hùng

Ngay sau khi thành lập, Trung đoàn 205 (nay là Lữ đoàn 205) đã vượt qua bao khó khăn, gian khổ, mưa bom, bão đạn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm TTLL phục vụ công cuộc kháng chiến của dân tộc đến ngày thắng lợi hoàn toàn. Trung tá Trần Trung Dũng, Phó chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 205, tâm sự, chiến công của đơn vị tuy thầm lặng, nhưng góp phần hết sức quan trọng vào thành tích chung của các đơn vị trên các mặt trận. Trong đó phải kể đến nhiệm vụ bảo đảm TTLL phục vụ Bộ tổng Tham mưu chỉ huy, chỉ đạo các đơn vị chiến đấu đánh bại đợt tập kích của không quân Mỹ vào miền Bắc nước ta sau sự kiện “Vịnh Bắc Bộ” (5-8-1964); bảo đảm TTLL trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968; cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên chiến trường Trị - Thiên; Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không 1972... Trong đó có nhiều tấm gương tiêu biểu, thành tích xuất sắc được biểu dương, như: “Kiện tướng chính xác” Vương Thị Ngọc Phượng, đã nối thông liên lạc, tìm kiếm được điện đài T130 gửi kịp thời bản điện tối khẩn của Bộ tới mũi tiến công quan trọng của chiến trường; chiến sĩ báo vụ Nguyễn Thị Thịnh, đạt danh hiệu kiện tướng chính xác 10 vạn nhóm điện không sai sót, được Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người.

Cùng với đó, thực hiện tư tưởng chỉ đạo “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” của Bộ Chính trị trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn, qua 55 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, đơn vị đã chuyển, nhận kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn 40.959 công điện; phục vụ hàng trăm cuộc đàm thoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội từ Hà Nội tới các đồng chí chỉ huy trực tiếp ở chiến trường miền Nam. Đặc biệt, trưa 30-4-1975, các chiến sĩ báo vụ của đơn vị, gồm: Nguyễn Thị Khanh, Trần Thị Thanh, Trần Thị Bình đã nhận chuyển bức điện số 63, báo cáo với Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ tổng Tư lệnh: “Quân ta đã tiến vào giải phóng Sài Gòn – Gia Định. Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện”, báo hiệu kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy khó khăn, gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng của dân tộc.

Ngày 2-1-1985, Trung đoàn 205 phát triển lên cấp lữ đoàn. Trải qua 62 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển, Lữ đoàn được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Anh hùng LLVT nhân dân; 232 huân, huy chương các loại; 5 lần được Bác Hồ, Bác Tôn tặng lẵng hoa. Trong đội hình lữ đoàn có Tiểu đoàn 77, Đại đội 5 Vô tuyến điện/Tiểu đoàn 77; Đại đội 10/Tiểu đoàn 78 quân bưu và Trung sĩ Phạm Hữu Thoan, tiểu đội trưởng, thuộc Đại đội 10, Tiểu đoàn d78 được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Nhiều năm liền, Lữ đoàn được tặng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng; Cờ thi của Bộ Quốc phòng và Chính phủ.

Theo Đại tá Đỗ Hoài Nam, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 205, phát huy truyền thống đơn vị anh hùng, tiến thẳng lên hiện đại, những năm qua, Lữ đoàn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm TTLL thường xuyên, SSCĐ, nhất là nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo, nhiệm vụ A2; phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; bảo vệ, phục vụ các sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, Nhà nước, quân đội, các cuộc diễn tập, các hội nghị, hoạt động đối ngoại quốc phòng; phòng, chống đại  dịch Covid-19… và nhiều nhiệm vụ đột xuất khác, xứng đáng chức năng Tổng trạm thông tin Sở chỉ huy Bộ Quốc phòng, trung tâm kết nối, khai thác mạng thông tin quân sự toàn quân. Những thành tích xuất sắc của đơn vị hôm nay là minh chứng sống động cho sự tiếp nối mạch nguồn truyền thống từ các thế hệ cha anh đi trước.  /.  

 

Nguyễn Hồng Sáng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực